Với những tài sản bảo hiểm giá trị lớn, việc mở rộng điều khoản vượt giới hạn có thể khiến doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ nặng nề. Ảnh: Lê Toàn

Với những tài sản bảo hiểm giá trị lớn, việc mở rộng điều khoản vượt giới hạn có thể khiến doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ nặng nề. Ảnh: Lê Toàn

Những điều khoản bảo hiểm mở rộng quá đà, loại đối thủ

(ĐTCK) Cạnh tranh bằng giảm phí, mở rộng điều khoản quá đà đã thành vấn nạn trong ngành bảo hiểm và được cảnh bảo từ rất lâu, nhưng tiếc rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng nhớ.

Từ chuyện trước đây

"Bồi thường trong trường hợp: Người được bảo hiểm vi phạm nghiêm trọng pháp luật phải thụ án hình sự hoặc vi phạm nghiêm trọng luật lệ an toàn giao thông như: đua xe, điều kiển xe không có giấy phép lái xe hợp lệ, đi vào đường cấm. Mở rộng bồi thường 50% số tiền thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp người được bảo hiểm đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy nhưng không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ."

Đó là những nội dung có trong điều khoản mở rộng được trích nguyên văn từ một hợp đồng bảo hiểm tai nạn con người (P/A) của một công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Điều khoản này mang yếu tố “phá hoại thị trường” do phá vỡ mọi nguyên tắc của bảo hiểm, bởi cho phép trong mọi trường hợp.

Câu hỏi đặt ra ở đây là nếu đồng ý cho người được bảo hiểm vi phạm pháp luật "vô tư" thì nhà bảo hiểm có trở thành "bảo kê" hay không?

Giới phân tích khi đọc điều khoản mở rộng trên đang cảm thấy lo ngại vì đi ngược lại với điều căn bản ban đầu của bảo hiểm, thuộc diện điều khoản mở rộng "vượt qua mọi giới hạn" để loại mọi đối thủ. Nguyên tắc của bảo hiểm là chỉ bảo hiểm cho những rủi ro không lường trước được.

Ở đây cũng cần đặt vấn đề liệu đó có giống hành vi rửa tiền không, vì nếu chiểu theo điều khoản trên thì cứ đòi là đền, khỏi cần điều khoản loại trừ. Nhìn trực diện thì thấy quá lộ liễu và không hiểu làm thế nào có thể lọt qua “mắt” thẩm định của đơn vị quản lý nghiệp vụ của doanh nghiệp này!

Một ví dụ khác, trong hợp đồng bảo hiểm sức khỏe rộng đã phát hành của một doanh nghiệp bảo hiểm có điều khoản mở rộng cũng được coi là "vượt qua mọi giới hạn". Cụ thể, mức trách nhiệm bồi thường lên tới 100 triệu đồng/người, với mức phí bảo hiểm thu của khách hàng là 140.000 đồng/người.

Nếu so với mức phí "quy chuẩn chung" của đơn bảo hiểm thông thường thì hợp đồng này đã đi quá xa tỷ lệ phí/mức bồi thường. Những trường hợp có mức bồi thường lớn bất thường như vậy chỉ áp dụng với các trường hợp có số tiền bồi thường thấp (dưới 100 triệu đồng) và số lượng người tham gia bảo hiểm đông, tức là bán buôn (hay theo nhóm) mới có thể giảm phí lớn. Mức phí trong ví dụ trên là 0,28%, được giảm phí 50%, còn 0,14% (140.000 đồng/100 triệu đồng). Mức phí này có thể khẳng định luôn là doanh nghiệp không thể có lãi.

Thực ra, những điều khoản mở rộng như các ví dụ nêu trên không quá lạ lẫm với thị trường, nhất là giai đoạn 6-7 năm trở về trước và thời điểm hiện tại ít còn thấy các doanh nghiệp phản ánh, nhưng mức phí thấp và điều khoản mở rộng quá đà vẫn không hiếm gặp.

Vẫn cần nhắc lại

Theo một cách giải thích thông thường, khi đưa vào hợp đồng những điều khoản như trên, các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải cân nhắc các yếu tố: Việc bảo hiểm như vậy có bị cấm theo các quy định về chuyên ngành bảo hiểm hay không? Có bị cấm bởi các quy định pháp luật khác cũng như trái với đạo đức xã hội hay không? Có đi ngược với các nguyên lý bảo hiểm, đặc biệt là nguyên lý về quyền lợi bảo hiểm và các rủi ro được bảo hiểm?

Và một câu hỏi quan trọng nhất đó là hợp đồng này có bị vô hiệu (trong trường hợp tranh chấp xảy ra dẫn đến khởi kiện ra tòa) hay không vì chứa đựng những nội dung trái với đạo đức xã hội? Vì về nguyên tắc, mọi bộ luật đều quy định là hợp đồng phải có nội dung không được trái với đạo đức xã hội.

Những điều khoản bảo hiểm mở rộng quá đà, loại đối thủ ảnh 1

Việc chấp nhận dịch vụ xấu, phạm vi bảo hiểm rộng, phí thấp là điều dễ hiểu và khi xảy ra sự kiện bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải hứng chịu 

Đây là vấn đề mà ngành bảo hiểm cần có câu trả lời rõ ràng, từ đó mới có tính “răn đe” khi doanh nghiệp cố tình đưa vào các điều khoản tương tự.

Có ý kiến cho rằng, do luật bảo hiểm "nằm dưới" luật hình sự nên nếu cố mở rộng điều khoản thì tới lúc có sự kiện bảo hiểm xảy ra thì cũng đều bị từ chối bồi thường. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hai mảng luật này điều chỉnh 2 hành vi khác nhau của xã hội nên khả năng hợp đồng bảo hiểm chứa đựng các điều khoản bất hợp lý sẽ có nguy cơ bị vô hiệu hóa.

Giống như việc vi phạm luật giao thông bị xử lý theo Luật Giao thông đường bộ, còn còn cam kết bồi thường theo thỏa thuận giữa công ty bảo hiểm và người được bảo hiểm thì được áp dụng theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn phải tham chiếu tới một số quy định pháp luật khác, chẳng hạn Bộ luật Dân sự.

Cũng có quan điểm cho rằng, cần phân biệt rõ ràng phạm trù illegal và immoral. Điều khoản mở rộng này vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng trong đó có lỗi (illegal) nhưng chưa chắc vi phạm đạo đức xã hội (immoral) vì chủ yếu vi phạm luật giao thông. Trong luật an toàn giao thông thì rượu bia mới được xếp vào nhóm immoral.

Do đó, câu hỏi đặt ra là vi phạm nghiêm trọng luật pháp có bị coi là vi phạm đạo đức xã hội, ví dụ trốn thuế có thể bị xử lý hình sự và là vi phạm nghiêm trọng luật pháp, nhưng không immoral. Cho dù phải thụ án hình sự nhưng quyền con người đâu vì thế bị tước bỏ. Vậy chưa chắc các điều khoản như trên đề cập đã vi phạm đạo đức xã hội.

Trên thực tế, mở rộng điều khoản bảo hiểm không chỉ diễn ra tại trong nội bộ doanh nghiệp bảo hiểm mà còn khá phổ biến tại các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, trong vai trò là đơn vị trung gian kết nối giữa khách hàng với doanh nghiệp bảo hiểm khi tham gia bán các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho các khách hàng tổ chức.

Cũng giống như doanh nghiệp bảo hiểm, việc đối mặt với khó khăn, áp lực về doanh số cũng khiến các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm buộc giành giật khách hành hiện có bằng cách giảm phí bảo hiểm, giảm phí môi giới. Do đó, cũng có nghiên cứu cho rằng, những đơn bảo hiểm được  bán qua kênh môi giới thường có tỷ lệ bồi thường cao, nhất là với bảo hiểm sức khỏe.

Tất nhiên, căn nguyên dẫn đến tỷ lệ bồi thường cao, ngoài nguyên nhân do sự cạnh tranh phi kỹ thuật của một bộ phận nhà bảo hiểm thì nguyên nhân cũng xuất phát từ việc thiếu ý thức bảo vệ thị trường: sửa đổi, mở rộng điều kiện, điều khoản, lựa chọn nhà bảo hiểm có mức phí thấp để thu hút và duy trì khách hàng.

Không ít doanh nghiệp môi giới thay vì chào sản phẩm, biểu phí của doanh nghiệp bảo hiểm đã bất chấp quy định, tự ý soạn hợp đồng, mở rộng điều khoản, giảm phí để có được khách hàng, gây rối ren thị trường. Thậm chí, có doanh nghiệp môi giới còn chắp vá các điều khoản, điều kiện bảo hiểm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau thành một sản phẩm bảo hiểm mới và mở rộng quy tắc điều khoản, điều kiện để dễ dàng chào hàng.

Đặc biệt, khi soạn thảo nội dung chào thầu hoặc hợp đồng bảo hiểm để đấu thầu, môi giới bảo hiểm thường đưa ra mức phí thấp hơn quy định của doanh nghiệp bảo hiểm, hoặc của Bộ Tài chính đối với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc. Nhiều doanh nghiệp môi giới còn định hướng cho khách hàng lựa chọn những doanh nghiệp bảo hiểm có cam kết trả hoa hồng môi giới cao.

Nguyên nhân dẫn đến việc cố tình vi phạm quy định của chi nhánh, công ty bảo hiểm cũng như của các trung gian bảo hiểm là vì quá “ham” doanh thu, tranh giành thị phần, chấp nhận ký kết hợp đồng với khách hàng bằng mọi giá, loại đối thủ khỏi cuộc chơi. Do đó, việc chấp nhận dịch vụ xấu, phạm vi bảo hiểm rộng, phí thấp là điều dễ hiểu và khi xảy ra sự kiện bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải hứng chịu, từ đó gây rối ren thị trường bảo hiểm, ngăn cản sự phát triển bền vững của thị trường. 

Tin bài liên quan