Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Những dự án mua dễ, bán khó như... lên trời

(ĐTCK) Chi ra hàng tỷ đồng với mong ước có nhà để ở, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu được nỗi niềm của những khách hàng khi mua phải dự án có vấn đề.

Mất tiền mất luôn cả nhà

Nhìn khối nhà cao 51 tầng bị bỏ hoang, nằm phơi sương nắng giữa ngã tư Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, hàng trăm khách hàng lòng như quặn thắt bởi số tiền đóng vào mua nhà tại Dự án Tokyo Tower do liên danh Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư là thành quả tích cóp cả đời.

Khởi công từ tháng 4/2015, chào bán rầm rộ và đã thu hàng trăm tỷ đồng của khách hàng, nhưng sau khi cất nóc và hoàn thiện một phần hạng mục bên ngoài, dự án bất ngờ dừng thi công và bị ngân hàng thu dữ tài sản đảm bảo do chủ đầu tư  không thực hiện đúng các nghĩa vụ thanh toán với ngân hàng.

Dự án Tokyo Tower dừng thi công khi đã cất nóc khiến nhiều người mua nhà điêu đứng

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Dự án Eco Green Tower do Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư tại đường Giáp Nhị, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Khởi công từ tháng 12/2015, nhưng đến tháng 1/2018 dự án dừng thi công.

Hợp đồng khẳng định, chủ đầu tư cam kết bàn giao nhà vào thời điểm 31/3/2018 và không chậm quá 90 ngày. Sau thời hạn này, chủ đầu tư sẽ phải chi trả lãi suất quá hạn do chậm bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, sau khi đã quá hạn hơn 1 năm, việc bàn giao căn hộ Eco Green Tower cho khách hàng vẫn không được tiến hành khiến các "thượng đế" bức xúc.

Khách hàng mua nhà tại dự án này đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Sông Đà 1.01 và TPBank giao nhà đúng cam kết và hỗ trợ từ phía ngân hàng bảo lãnh, nhưng không được thực hiện. Thất vọng, nhiều khách hàng cho biết, đã chấp nhận cắt lỗ, rao bán trên nhiều trang tin rao vặt, nhưng không nhận được phản hồi vì không ai mạo hiểm mua lại.

Một dự án khác người dân cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi mua dễ, bán khó là Dự án Tòa tháp Doanh nhân tại địa chỉ số 1 Thanh Bình, quận Hà Đông, Hà Nội do Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô thuộc Tập đoàn Anh Quân Strong làm chủ đầu tư.

Từng được kỳ vọng như biểu tượng của tỉnh Hà Tây cũ khi tọa lạc tại vị trí “kim cương”, tuy nhiên, sau 9 năm khởi công, kỳ vọng về biểu tượng của sự phát triển hội tụ doanh nghiệp đến nay vẫn chưa bàn giao được căn hộ cho người dân. Trong khi, hàng trăm người dân đã đóng tiền mà vẫn không có chỗ ở.

Một khách hàng mua căn hộ tại Tháp doanh nhân cho biết, ông liên tục đến gặp chủ đầu tư, nhưng đều không nhận được sự phản hồi. "Nợ nần vì vay tiền, giờ muốn bán đi để trả nợ cũng khó vì cũng không ai muốn mua", vị này nói.

Có nhà rồi bán cũng không xong

May mắn hơn khi đã được ở trong căn nhà của mình, nhưng không ít cư dân lại thấp thỏm bởi “có nhà ở cũng không yên”.

Một trong những dự án phải kể đến là Dự án Thăng Long Victoria, huyện Hoài Đức, Hà Nội do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Phúc Hà làm chủ đầu tư. Mới đi vào vận hành một vài năm, nhưng chung cư này liên tục bị cư dân phản ánh về tình trạng xuống cấp.

Dầm bê tông không thoa trát, lộ cốt thép ra ngoài, nhiều hạng mục thi công chưa hoàn thiện, tầng hầm để xe bị thấm nước từ ngoài vào, rò nước từ hệ thống nước thải bốc mùi xú uế nồng nặc, khó chịu… là những vấn đề mà người dân phản ánh nhiều nhất tại dự án.

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, nhiều người muốn bán để chuyển đi chỗ khác, nhưng không hề dễ dàng. Anh Tân, một người đang rao bán nhà cho biết, một trong những lý do khiến căn hộ của anh không được chào đón chính là do chung cư xuống cấp, trong khi có nhiều dự án mới mở bán.

Không chỉ với chung cư giá rẻ, các chung cư đắt tiền cũng chung số phận. Chẳng hạn, tại Dự án Goldmark City, 136 Hồ Tùng Mậu (Hà Nội). So với mức giá chủ đầu tư chào bán cách đây 2 năm, nhiều người hiện nay chấp nhận chịu lỗ 200 - 500 triệu đồng để bán nhà, nhưng đăng được 1 tháng rồi mới chỉ có một vài khách gọi điện hỏi giá, sau đó không thấy liên hệ lại.

Tương tự, tình trạng “mắc kẹt” của nhiều khách hàng cũng diễn ra tại một dự án căn hộ ở khu Đông Bắc Hà Nội. Dự án được mở bán cách đây 2 năm khi thị trường rất sôi động. Lúc đó, để mua được một căn tại dự án này, nhiều người phải xếp hàng từ tờ mờ sáng bốc thăm quyền mua. Tuy nhiên đến nay, sau 2 năm, nhiều người muốn bán lại phải chịu lỗ, nhưng cũng không dễ.

"Tôi rao bán từ đầu năm nay, song thị trường đang không tốt, khu vực đó lại sắp có thêm nhiều dự án, nguồn cung rất lớn nên môi giới nói, nếu muốn bán nhanh thì chỉ còn cách cắt lỗ. Những căn hộ đẹp trong dự án may mắn mới có thể bán được giá bằng hợp đồng", chị Vân, một khách hàng đang rao bán lại căn hộ của mình nói và cho biết, chị phải khuyến mãi thêm đồ nội thất dù mức chênh lệch tính từ lúc mua lên tới 300 triệu đồng, nhưng vẫn không bán được.

Chị Vân cho biết thêm, bạn bè của chị nhiều người có nhu cầu mua ở thực này, nhưng tìm những dự án mới, chứ không mặn mà với nhà đã qua sử dụng. Mặt khác, chị Vân cho biết, từ khi mua nhà, chủ đầu tư không mấy quan tâm đến việc bảo trì, nên nhiều khu vực công cộng đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống thoát nước không đảm bảo, nên khách đến xem căn hộ cứ “một đi không trở lại”.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc các chung cư đã qua sử dụng mất giá là do tòa nhà xuống cấp khi không được bảo dưỡng, bảo trì. Điều này phụ thuộc nhiều vào chủ đầu tư, ban quản lý chung cư và ý thức của cư dân.

Ngoài ra, một lý do khác khiến căn hộ chung cư đã qua sử dụng mất sự hấp dẫn, là người mua phải trả tiền một lần, không thể mua trả góp như dự án nhà ở hình thành trong tương lai.        

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan