Rất hiếm khi bên bán bảo hiểm bị buộc phải trả lại tiền phí đã đóng cho khách hàng

Rất hiếm khi bên bán bảo hiểm bị buộc phải trả lại tiền phí đã đóng cho khách hàng

Những hợp đồng bảo hiểm bị hủy, hoàn tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian gần đây, thị trường ghi nhận một số trường hợp ngân hàng, công ty bảo hiểm phải trả lại tiền phí bảo hiểm cho khách hàng do bán sai.

Nhiều trường hợp tư vấn chưa chuẩn

Ngày 18/8/2022, TPBank và Sunlife Việt Nam đã hủy hợp đồng bảo hiểm, trả lại tiền phí bảo hiểm cho khách hàng Lê Thu Hằng với số tiền gần 100 triệu đồng sau hơn 1 tháng phát sinh tranh chấp. Đây là hợp đồng bảo hiểm của Sunlife Việt Nam được khách hàng mua qua TPBank - Chi nhánh Long Biên, do một nữ nhân viên ngân hàng tên Thùy Trang đảm trách.

Kể lại vụ việc, khách hàng này cho biết, trong một lần đến giao dịch tại TPBank Long Biên cách đây 1 năm (vào tháng 7/2021), chị được nhân viên tên Trang mời mua sản phẩm của quỹ đầu tư sinh lời (kết hợp với Sunlife Việt Nam) với lãi suất hấp dẫn. Trong suốt quá trình tư vấn, nữ nhân viên này không hề nhắc một câu nào có chữ “bảo hiểm nhân thọ”, hứa hẹn hưởng lãi suất ít nhất 8,7%/năm và sẽ trả lại khoản tiền đầu tư sau 5 năm, khiến chị hiểu lầm là mua sản phẩm của quỹ đầu tư sinh lời, nhưng trên thực tế là mua bảo hiểm nhân thọ.

Vào ngày 6/7/2022, nhân viên Trang báo chuyển chi nhánh ngân hàng nên hợp đồng này được chuyển giao cho nhân viên ngân hàng khác là anh Nguyễn Đức Thành và đến ngày 5/8/2022, hợp đồng cũng đến kỳ tái tục năm thứ hai và khách hàng yêu cầu tính lại lãi của hợp đồng thì được nhân viên Thành trả lời là “sau 5 năm là hòa vốn” (không giống như những gì nhân viên Trang đã cam kết ban đầu, thực ra phần lãi đã được mang đi đóng bảo hiểm - PV), lúc này mới “vỡ lẽ” là mình đã mua bảo hiểm.

Ngày 12/8/2022, các bên liên quan (gồm khách hàng, luật sư của khách hàng, Sunlife Việt Nam và TPBank) đã có buổi làm việc và đến ngày 17/8/2022, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, phía Sunlife Việt Nam xác nhận rằng, Công ty đã chấp thuận hủy hợp đồng này. Phía ngân hàng đã yêu cầu khách hàng gỡ bài khiếu nại trên trang facebook cá nhân và khách hàng cũng đã gỡ.

Trước đó không lâu, một vụ việc tương tự cũng đã diễn ra. Khách hàng Nguyễn Thị Lan Hương, với sự hỗ trợ của con gái bà là Nguyễn Thu Hiền (từng là đại lý bảo hiểm của một công ty bảo hiểm nhân thọ) sau vài tháng theo đuổi vụ kiện đòi hủy hợp đồng bảo hiểm, trả lại số tiền đã đóng bảo hiểm, cuối cùng cũng được chấp nhận, dù trước đó bên bán bảo hiểm là Prudential Việt Nam và VIB cho rằng “không có cơ sở để làm theo nguyện vọng của khách hàng”.

Hoàn tiền bảo hiểm do bán sai, cách nào?

Trên thực tế, việc bên bán bảo hiểm bị buộc phải trả lại tiền phí đã đóng cho khách hàng là rất hiếm. Thế nên sau 2 vụ việc trên, nhiều trường hợp bị “mua nhầm” bảo hiểm cũng kỳ vọng sẽ được hoàn tiền phí đã đóng.

Chị Nguyễn Thu Hiền chia sẻ, sau khi giúp mẹ khiếu nại thành công, đã nhận được nhiều cuộc gọi của người từng rơi vào trường hợp như mẹ chị hướng dẫn cách đòi lại tiền. Qua đó, chị biết thêm nhiều câu chuyện, hoàn cảnh vì trường hợp nào cũng đóng phí bảo hiểm 50-70 triệu đồng/năm, nhiều thì vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/năm trong những năm đầu, trong khi hợp đồng bảo hiểm nếu không có tiền đóng tái tục (từ năm thứ 2 trở đi) thì coi như “mất trắng” (khách hàng mất hết). Thế nhưng, tiếc rằng nhân viên tư vấn lại không hề đề cập đến điều trên, thậm chí cam kết chắc nịch rằng “đóng bao nhiêu cũng được, rút bất cứ lúc nào”.

Chuyên gia bảo hiểm Phan Quốc Tuấn cũng kể, gần đây, ông nhận được nhiều yêu cầu giúp đỡ bởi đem tiền vào ngân hàng để gửi tiết kiệm, nhưng lại được nhân viên tư vấn mua bảo hiểm mà không hề hay biết. Các trường hợp này đa số là người già, người mới lần đầu đi gửi tiền và không am hiểu về thủ tục. Họ nói rằng, bị nhân viên tư vấn cố tình che dấu thông tin nộp phí bảo hiểm nhân thọ, mà chỉ nói là chọn giải pháp gửi tiền lãi suất cao hơn ngân hàng và còn được bảo vệ khi rủi ro xảy ra.

“Đa số mọi người nhờ tư vấn đều đã đến kỳ đóng phí thứ 2, khi mà công ty bảo hiểm nhắc đóng phí bảo hiểm kỳ tiếp theo thì khách hàng mới biết mình đã mua bảo hiểm và muốn hủy bỏ hợp đồng, nhưng khi làm việc với ngân hàng và công ty bảo hiểm gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài, kết quả thường là không như mong đợi và đành ngậm ngùi mất tiền. Tuy nhiên, trong trường hợp này, khách hàng có thể nộp đơn lên tòa án nơi mình cư ngụ kèm với những chứng từ đang có, đề nghị tuyên hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do nhầm lẫn theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Dân sự hiện hành”, ông Tuấn khuyến cáo.

Theo ông Tuấn, hợp đồng bảo hiểm cũng là một giao dịch dân sự giữa công ty bảo hiểm và người mua. Trong trường hợp này, mục đích của khách hàng là muốn đem tiền gửi tiết kiệm, họ tìm đến ngân hàng (chứ không phải công ty bảo hiểm) để giao dịch. Kết quả là họ đã nhận về một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, rõ ràng giao dịch này khách hàng đã không đạt được mục đích ban đầu, thỏa mãn điều kiện để tòa án có thể tuyên giao dịch này bị vô hiệu. Khi hợp đồng bị vô hiệu, các bên phải trao trả cho nhau những gì đã nhận, tức là công ty bảo hiểm phải trả lại tiền phí bảo hiểm cho khách hàng, còn khách hàng phải trả lại toàn bộ chứng từ của bộ hợp đồng cho công ty bảo hiểm.

Chia sẻ thêm về sự khác nhau giữa hủy hợp đồng và hợp đồng bị tòa tuyên vô hiệu, ông Tuấn cho hay, hủy hợp đồng là hai bên thỏa thuận với nhau, đề nghị hủy bỏ hợp đồng, không thực hiện nữa. Còn hợp đồng bị tuyên vô hiệu là khi hai bên không thỏa thuận hủy được do một bên gây khó khăn, bên còn lại có thể đề nghị tòa tuyên hợp đồng vô hiệu để xem như hợp đồng đó không có hiệu lực kể từ khi ký kết, các bên không có bất cứ quyền và nghĩa vụ gì.

Điều 126 - Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn, khiến cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.

Tin bài liên quan