Những khủng hoảng gần đây có khiến Fed “quay xe”?

Những khủng hoảng gần đây có khiến Fed “quay xe”?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp sự tham gia của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cuộc khủng hoảng ngân hàng vẫn chưa được giải quyết, ngược lại đã ảnh hưởng sang Thuỵ Sĩ và đe doạ cả ngân hàng lớn nhất nước Đức, gây ra những khó khăn lớn cho nền kinh tế toàn cầu.

Vì vậy, việc Fed dừng chu kỳ tăng lãi suất để hỗ trợ tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dường như chỉ là vấn đề thời gian.

Cổ phiếu Deutsche Bank giảm mạnh nhất trong ngành ngân hàng ở châu Âu

Cổ phiếu Deutsche Bank của Đức bất ngờ giảm mạnh trong phiên gần đây, đã có thời điểm giảm tới 15%, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19 đến nay, và đã trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất trong ngành ngân hàng ở châu Âu. Chi phí bảo hiểm vỡ nợ của Deutsche Bank vì thế đã tăng mạnh. Điều khác xa với những báo cáo trước đó của ngân hàng này khi Deutsche Bank báo lãi 10 quý liên tiếp và có khoảng 70% tiền gửi cá nhân được bảo hiểm.

Thậm chí năm 2022, Deutsche Bank báo lãi kỷ lục 5 tỷ euro (5,4 tỷ USD), tăng 159% so với năm 2021. Tỷ lệ Common Equity Tier 1 (CET1) - Vốn chủ sở hữu chung cấp 1, đánh giá sức mạnh nguồn vốn ngân hàng của Deutsche Bank trong năm vừa qua ở mức 13,45; tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán là 142% và tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng đạt 119%.

Deutsche Bank cũng thông báo kế hoạch mua lại nợ, đây là động thái được coi là phát đi tín hiệu tốt với các doanh nghiệp. Tất cả cho thấy, Deutsche Bank không hề để khách hàng phải lo lắng về khả năng thanh toán cũng như tính thanh khoản.

Chính vì thế, ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng cho rằng, không có lý do gì để lo ngại về Deutsche Bank. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, các chuyên viên phân tích tài chính tại Citigroup cũng cho rằng, chưa có lý do nào đủ hợp lý để giải thích cho làn sóng bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank.

Các chuyên gia phân tích của Autonomous Research cũng khẳng định, Deutsche Bank không phải là Credit Suisse tiếp theo. Rõ ràng, Deutsche Bank khác hẳn Credit Suisse bởi sự sụp đổ của Credit Suisse liên quan tới việc kinh doanh thua lỗ và gần như tất cả các khoản tiền gửi của họ đều không được bảo hiểm.

Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi lại có thể thấy từ làn sóng rút tiền như đối với Silicon Valley Bank (SVB) ở Mỹ (chỉ trong ngày 9/3, khách hàng rút 42 tỷ USD) và cuộc khủng hoảng của Credit Suisse đã gây ra khó khăn cho Deutsche Bank, tin đồn trong thời đại công nghệ số là điều cần tính đến trong việc quản trị.

Bắt đầu từ một nhóm ít người, tin đồn lan truyền chóng mặt và xuất hiện trên các mặt báo, thậm chí cũng bắt đầu từ các trang báo mạng. Các bài báo với tiêu đề liên quan tới ngân hàng có vấn đề xuất hiện đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của khách hàng gửi tiền, dẫn tới làn sóng rút tiền ồ ạt khiến ngân hàng mất thanh khoản đột ngột.

Theo ông Ulrich Urbahn, Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược đa tài sản ở Berenberg, khi càng nhiều người nghĩ ngân hàng đang gặp vấn đề thì sẽ có càng nhiều người rút tiền và rủi ro cho các ngân hàng lại càng lớn.

"Nhưng dù thế nào thì niềm tin của khách hàng vẫn là yếu tố then chốt giúp bối cảnh thị trường vượt khó khăn, điều này dựa vào năng lực của bộ máy quản lý trong việc thể hiện sự minh bạch hay các biện pháp xử lý vấn đề thanh khoản", ông Ulrich Urbahn cho biết.

Fed bị kẹt ở thế khó

Từ việc Credit Suisse tới Deutsche Bank gặp khó khăn, phản ánh cuộc khủng hoảng ngân hàng đang lan rộng và đã ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống ngân hàng châu Âu. Trong khi đó, cổ phiếu của hai ngân hàng này đã được niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ, vì vậy cũng phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ.

Trên thực tế, sau vụ sụp đổ của SVB, cổ phiếu ngân hàng ở SVB và San Francisco vẫn chưa tăng điểm trở lại. Sau khi xảy ra vụ Deutsche Bank, cổ phiếu các ngân hàng ở đây tiếp tục đà giảm.

Trên phương diện vĩ mô, dưới tác động kép của cuộc khủng hoảng ngân hàng và lãi suất cao, cho thấy nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm 2023. Đáng lưu ý là tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể vượt ra ngoài hệ thống kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như các khoản cho vay bất động sản thương mại.

Thống kê cho thấy, các ngân hàng nhỏ ở Mỹ hiện có 270 tỷ USD tiền cho vay bất động sản thương mại. Do việc thắt chặt chính sách tiền tệ nên các khoản vay này có khả năng trở thành vấn đề lớn.

Ngoài ra, giá thuê nhà chiếm khoảng 25% trong chỉ số giá tiêu dùng CPI, chỉ tăng 2% trong năm qua, giảm mạnh so với mức 18% của năm trước. Thị trường nhà ở và sản xuất cũng dự kiến ​giảm trong nửa cuối năm 2023, nhiều khả năng sẽ kéo theo suy giảm nền kinh tế Mỹ.

Tại cuộc họp chính sách gần đây, Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, cho thấy lạm phát vẫn là lo ngại hàng đầu của Cục dự trữ liên bang. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, việc thắt chặt hoạt động cho vay do khủng hoảng ngành ngân hàng gây ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, tín dụng ngân hàng sẽ trải qua rất nhiều khó khăn và hoạt động cho vay thương mại cũng như cho vay cá nhân sẽ ảnh hưởng tới nhiều kết quả kinh doanh.

Rõ ràng, Fed đã bớt tự tin về việc nền kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm" sau diễn biến của những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Bank of America, các cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra sẽ khiến lạm phát giảm 1,8%, tác động đến giá cả sẽ lớn hơn so với tác động của việc tăng lãi suất. Vì vậy, Fed có thể lựa chọn ngừng tăng lãi suất.

Tin bài liên quan