Những vấn đề đặt ra với chính sách tiền tệ, tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
Những kết quả tích cực của chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2023 đã được ghi nhận, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm hơn để có những giải pháp cụ thể.
Những vấn đề đặt ra với chính sách tiền tệ, tín dụng

Kết quả tích cực

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cho đất nước vào năm “bản lề” của kế hoạch 5 năm (2021-2025) rất nặng nề. Năm 2020 và 2021 tăng trưởng thấp nhất sau nhiều năm do tác động của Covid-19. Năm 2022 tăng trưởng khá cao, nhưng có một phần do gốc so sánh thấp và tính chung 2 năm đầu của kế hoạch 5 năm chỉ tăng 5,25%/năm. Năm 2023 với mục tiêu tăng 6 - 6,5%, dù thấp xa so với tốc độ tăng của năm trước, nhưng cho đến hết quý III cũng mới tăng 4,24% và khả năng cả năm không đạt mục.

Trước dự báo, ngay đầu quý II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất điều hành, tiến tới giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp để tiếp vốn cho nền kinh tế đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là các giải pháp có tính vĩ mô như tăng số dư tổng phương tiện thanh toán; dự trữ ngoại hối đạt lại kỷ lục… đã góp phần cho tăng trưởng kinh tế cao lên qua từng quý (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%, khả năng quý IV tăng trên 6%).

Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 là CPI bình quân tăng 4,5%. Bình quân 11 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 3,22%, thấp hơn so với mục tiêu cả năm. Dự báo, dù tháng 12 so với tháng 11 có tăng cao hơn tốc độ tăng tương ứng 0,25% của tháng 11, thì bình quân cả năm nay so với năm trước cũng còn thấp xa so với mục tiêu (dự đoán sẽ tăng dưới 3,5%. Theo đó, năm 2023 sẽ là năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu (2014 tăng 4,09%, 2015 tăng 0,63%, 2016 tăng 2,66%, 2017 tăng 3,53%, 2018 tăng 3,54%, 2019 tăng 2,79%, 2020 tăng 3,23%, 2021 tăng 1,84%, 2023 ước tăng dưới 3,5%).

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát theo mục tiêu năm 2023 có sự đóng góp của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tiền tệ - tín dụng, bởi lạm phát là biểu hiện bằng tiền của giá cả, tiền tệ là biểu hiện cuối cùng và làm bộc lộ ra của lạm phát.

Tổng phương tiện thanh toán nếu từ 2021 trở về trước tăng 2 chữ số (2019 tăng 14,8%, năm 2020 tăng 14,5%, năm 2021 tăng 10,7%), thì năm 2022 chỉ còn tăng 6,2%; 9 tháng tăng 4,75% tuy cao hơn tốc độ tăng tương ứng 2,49% của cùng kỳ, khả năng cả năm 2023 sẽ tăng cao hơn năm trước, nhưng vẫn thấp xa so với từ 2021 trở về trước.

Tốc độ tăng vốn huy động (tiền gửi) những tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ và cao hơn tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán chủ yếu do lãi suất danh nghĩa cao, đạt thực dương. Nhưng trong vài tháng cuối năm, lãi suất giảm nhanh, ở những ngân hàng, nhiều kỳ hạn còn thấp hơn cả tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Tốc độ tăng tín dụng thấp so với cùng kỳ (9 tháng tăng 5,73% so với 10,54%) và thấp xa so với định hướng cả năm (14%), do độ trễ của chính sách và nhu cầu cùng các điều kiện tiếp cận vốn thấp của nền kinh tế cũng làm giảm áp lực đối với lạm phát.

Tỷ giá VND/USD trung tâm tăng thấp và giảm từ năm 2020 đến năm 2022 (năm 2020 tăng 0,67%, năm 2021 giảm 0,21%, năm 2022 tăng 0,5%); năm 2023 tăng cao hơn (bình quân 11 tháng tăng 1,94%), nhưng những tháng gần đây đã chậm lại và còn thấp xa so với chiều hướng tăng của thế giới. Lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn đạt cao như hàng hóa lớn, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối… cộng với các giải pháp như tỷ giá trung tâm, lãi suất tiền gửi bằng 0% và sự ổn định của tỷ giá đã góp phần giảm áp lực đối với việc găm giữ ngoại tệ, nên cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, dự trữ ngoại tệ đạt kỷ lục mới, tăng tính an toàn tài chính quốc gia.

Đối với sự an toàn hệ thống, NHNN đã sớm cảnh báo, xử lý nợ xấu, phân loại các ngân hàng thương mại thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả tích cực, về lĩnh vực tiền tệ - tín dụng cũng đặt ra một số vấn đề đáng quan tâm.

Tăng trưởng tín dụng thấp không những so với cùng kỳ năm trước, mà còn thấp xa so với định hướng cả năm (14%). Tình trạng tăng thấp này được lý giải do nhiều yếu tố. Yếu tố lớn nhất là do nhu cầu vốn của nền kinh tế thấp, đơn hàng từ nước ngoài giảm, tổng cầu ở trong nước tuy có tăng lên, nhưng còn yếu.

Có yếu tố do lãi suất cho vay của các ngân hàng dù đã giảm xuống, nhưng vẫn còn cao, trong khi tỷ suất lợi nhuận trước thuế còn thấp, có nhiều ngành còn thấp hơn cả lãi suất huy động, thậm chí có một số ngành, đơn vị còn bị lỗ.

Có yếu tố do người vay không đáp ứng được điều kiện vay của ngân hàng thương mại, mặc dù đã được cơ cấu lại nợ, giãn nợ…

Nợ xấu toàn ngành đã vượt quá 3%. Nhiều ngân hàng đã đưa ra một khối lượng lớn tài sản thế chấp, ra giải chấp, nhưng giải chấp rất chậm, do phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản, mà bất động sản thì giá đang thấp.

Về an toàn hệ thống được các ngân hàng thương mại và NHNN quan tâm. Rõ nhất là NHNN đã sớm phân loại và chỉ ra một số ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, việc xử lý còn chậm.

Tin bài liên quan