Nở rộ xu hướng bỏ phố về quê để khởi nghiệp du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Tận dụng không khí trong lành và nguồn tài nguyên bản địa phong phú, nhiều người trẻ đã mạnh dạn về quê để khởi nghiệp các mô hình du lịch.
Cảnh quan khu hồ Ghềnh Chè (Thái Nguyên).

Cảnh quan khu hồ Ghềnh Chè (Thái Nguyên).

Tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, nhiều người dân đã có thêm nguồn thu nhập từ việc hợp tác với chàng trai 8x Hoàng Văn Hoàn. Sau thời gian lăn lộn trong Nam ngoài Bắc, nhận thấy vẻ đẹp hoang sơ của cao nguyên đá Hà Giang cùng những nét chân chất, mộc mạc của con người nơi đây, Hoàn trở về khởi nghiệp tại quê hương vào năm 2018.

Ban đầu, Hoàn xây dựng chương trình trải nghiệm du lịch trên xe máy, để du khách có thể trực tiếp tận hưởng phong cảnh hữu tình, tự do khám phá con người và cuộc sống tại địa phương mà không cần bó buộc mình trong những chiếc xe khách đông nghẹt. Đội ngũ “xe ôm” chính là người dân tộc bản địa tại Hà Giang, vốn không chỉ chở khách mà còn là người truyền tải những nét đặc sắc trong văn hóa bản địa.

Sang đến 2019, mô hình hoạt động bài bản hơn khi chàng trai 8X chính thức thành lập công ty lữ hành Gió Hà Giang Travel, kết nối với các homestay trong vùng để hợp tác làm du lịch.

Tương tự như Hoan, một bộ phận không nhỏ giới trẻ đang chọn xu hướng “bỏ phố về quê”, phát triển các mô hình kinh doanh du lịch ngay trên những vùng nông thôn của Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp đại học Nông Lâm (Thái Nguyên), chàng trai 9x Trần Đại Cương đã trở về xã Bình Sơn, thành phố Sông Công để triển khai mô hình du lịch xung quanh hồ Ghềnh Chè. Thời điểm đó, nơi đây chỉ là vùng thiên nhiên hoang sơ, hiếm khi có du khách lui tới. Nhưng Cương nhận thấy hồ Ghềnh Chè còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh với các trải nghiệm sinh tồn như: tự câu và bắt cá, học cách làm ra lửa, tạo ra các trò chơi cuộc đua kỳ thú, cắm trại qua đêm, ăn tiệc nướng,...

Năm 2020, trên mảnh đất của gia đình, Cương dựng hai căn nhà sàn, 5 homestay phục vụ khách đến lưu trú ăn uống, 5 chiếc thuyền chở khách đi tham quan cảnh đẹp, cùng nhiều chương trình team building như: chèo SUP, câu cá… ở hồ Ghềnh Chè. Ngoài ra, Cương còn tổ chức các tour hoạt động trải nghiệm cắm trại trên đảo hoang, tham quan và mua sắm trà hữu cơ ở các đồi chè do người bản địa sản xuất.

Với hình thức marketing qua các kênh mạng xã hội, mô hình của Cương đã vượt qua những khó khăn trong giai dịch và thu hút nhiều khách hàng tìm đến. Người dân xung quanh hồ Ghềnh Chè cũng bắt đầu mở ra nhiều dịch vụ "ăn theo" như: nhà hàng, ăn uống, chèo thuyền, tham quan cảnh quanh các đảo lớn nhỏ, từ đó thúc đẩy phát triển các hoạt động du lịch của vùng quê Bình Sơn.

Theo các chuyên gia, Việt Nam sở hữu diện tích nông thôn rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng,…Ngoài ra, người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình, là tiền đề tốt để phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng sinh thái, bền vững.

Bỏ phố về quê cần sự chuẩn bị kỹ càng

Chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư, chuyên gia du lịch Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO LuxGroup cho biết xu hướng người trẻ bỏ phố về quê khởi nghiệp với các mô hình du lịch cộng đồng, homestay, là một điều tất yếu, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch sau Covid-19. Ngay cả LuxGroup cũng đã và đang phát triển các tour du lịch làng trong phố, làng trên núi,….dẫn dắt để du khách hiểu sâu về điểm đến và có trải nghiệm thú vị.

“Sau Covid-19, nhiều du khách tìm đến các trải nghiệm mới, đặc biệt là để có những trải nghiệm giúp nâng cấp sức khoẻ thân tâm tuệ (well-being) và trải nghiệm mang tính địa phương nhiều hơn để khám phá cuộc sống xung quanh. Kể cả homestay thì cũng là một xu thế, không hẳn vì để tiết kiệm chi phí mà là để thoả mãn nhu cầu được trải nghiệm”, ông Hà nhấn mạnh.

Ông Hà dẫn một khảo sát từ Traveloka thực hiện vào năm 2022 cho thấy 33% người tham gia cân nhắc sẽ đi du lịch đến các làng bản, thị trấn nhỏ, xinh xắn và lạ. Du lịch nông thôn đang nổi lên mà trong đó homestay là một thành tố quan trọng, mang lại trải nghiệm bản địa hoá, đặc biệt là thông qua ẩm thực và văn hoá.

“Kể cả người Việt đi du lịch nước ngoài hay khách nước ngoài đến Việt Nam thì đó cũng là những trải nghiệm ngày càng được ưa thích”, ông khẳng định.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO LuxGroup.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO LuxGroup.

Tuy nhiên, bỏ phố về quê để khởi nghiệp không phải lựa chọn đơn giản. Như bất cứ mô hình khởi nghiệp nào nói chung, người trẻ có thể đối diện với tình trạng thua lỗ, thất bại,…hoặc không có nguồn thu nhập ổn định như trên thành phố. Do đó, theo ông Phạm Hà, bài toán về quê khởi nghiệp du lịch đặt người trẻ dưới 4 yêu cầu quan trọng: Cần có kiến thức về điểm đến, có năng lực quản trị kinh doanh tốt, tìm được “long mạch của thị trường” và xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu.

Trong bối cảnh nhu cầu của khách hàng thay đổi theo thời gian, môi trường kinh doanh cũng không ngừng biến động, vị chuyên gia cho rằng điều quan trọng là các startup du lịch nói riêng và các doanh nghiệp nói chung cần nắm được nhu cầu khách hàng mục tiêu của họ, sẵn sàng chuyển mình cùng những thay đổi đó nếu muốn tồn tại.

Ví dụ, với một doanh nghiệp du lịch lâu năm như LuxGroup, trong giai đoạn Covid-19, dòng khách chi tiêu cao đến từ châu Âu vốn là dòng khách chủ đạo của LuxGroup kể từ khi khởi nghiệp không thể tiếp cận thị trường Việt Nam, doanh nghiệp đã chuyển mình nhanh chóng để tập trung khai thác thị trường nội địa. Sự chuyển mình này không chỉ giúp LuxGroup tồn tại qua Covid-19 mà còn nắm bắt được cơ hội mới khi nhận ra rằng thị trường du lịch cao cấp nội địa rất nhiều tiềm năng và đang chờ được khai mở.

Ngoài ra, ông Hà cũng nhấn mạnh yếu tố công nghệ sẽ thúc đẩy các xu hướng, trào lưu du lịch dễ lan tỏa tới khách hàng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, trong thời đại số hoá như hiện nay, các nhà sáng lập cũng cần nắm bắt được công nghệ và chú trọng xây dựng thương hiệu có bản sắc ngay từ đầu. Điều này có thể làm được dù nhà sáng lập chỉ có trong tay nguồn lực hạn chế.

“Nếu như cách đây 20 năm là thời điểm tôi mới biết về Internet thì giờ đây nó đã trở nên quá phổ biến và phục vụ đắc lực cho công việc kinh doanh, giúp doanh nghiệp xác định, thấu hiểu và tiếp cận khách hàng mục tiêu”.

“Nhưng dù ở thời nào, tôi tin rằng thị trường luôn có, người kinh doanh cần tìm được khoảng trống và lấp đầy khoảng trống đó. Hiện nay, dư địa trong ngành du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, du lịch canh nông còn lớn. Nếu là startup du lịch đi sau, nhà sáng lập có thể lựa chọn các thị trường ngách này, chiếm lĩnh nó và trở thành chuyên gia, từ đó thực sự thấu hiểu và là người đáp ứng tốt nhất nhu cầu du lịch của nhóm khách hàng dạng ngách. Càng đi vào ngõ thì lại càng có cơ hội tìm được đường đi cho riêng mình”, chủ tịch LuxGroup khẳng định.

Tin bài liên quan