Mô hình trồng rau hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới

Mô hình trồng rau hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới

Phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới

0:00 / 0:00
0:00
Phát triển nông thôn mới toàn diện, gắn kết với phát triển du lịch không chỉ tạo sinh kế cho người dân, mà còn kích thích phát triển nông nghiệp sạch, phát triển kinh tế nông thôn.

Đòn bẩy để phát triển kinh tế nông thôn

Phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới đem lại lợi ích ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo đó, về mặt kinh tế, du lịch nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu, tăng đầu tư…

Về mặt xã hội, du lịch nông thôn góp phần làm giảm áp lực cho điểm du lịch thành phố, tăng cơ hội việc làm ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển cộng đồng, gắn kết xã hội, đồng thời góp phần phục hồi, bảo tồn văn hóa...

Về môi trường, góp phần bảo tồn đa dạng sinh thái; làm mới làng xã theo hướng xanh, sạch; nâng cao ý thức trách nhiệm với nông nghiệp…

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương ở nước ta có tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, nhưng do hạn chế về điều kiện phát triển chung như giao thông khó khăn; ít đầu tư cho hạ tầng, nên du lịch nông thôn còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, nước ta vẫn chưa có chương trình tổng thể hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Một số hỗ trợ cho du lịch nông thôn chủ yếu lồng ghép trong chương trình hành động quốc gia về du lịch, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia.

Nhiều địa phương đã có hỗ trợ cho du lịch nông thôn thông qua mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nhưng chưa có sự thống nhất về quy mô và định mức hỗ trợ, dẫn đến dàn trải và manh mún.

Từ thực tế trên, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng Dự thảo Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Dự thảo hướng đến đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị.

Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm đến du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Song song đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa; ít nhất có 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; 50% điểm du lịch nông thôn áp dụng thương mại điện tử…

Tại hội thảo góp ý Chương trình Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 mới đây, bà Trương Thu Hương (Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch) cho rằng, việc hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn cần có sự thống nhất tập trung vào các vấn đề như giải quyết các “điểm nghẽn” về điểm đến; sản phẩm du lịch nông thôn; năng lực tổ chức khai thác dịch vụ du lịch; hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; nguồn nhân lực du lịch nông thôn…

Đồng thời, hỗ trợ đầu tư và xây dựng mô hình điểm về phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu tại một số địa phương như du lịch cộng đồng gắn với khai thác giá trị văn hóa truyền thống, liên kết phát triển du lịch nông nghiệp chất lượng cao, du lịch làng nghề; xây dựng làng du lịch thông minh…

Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch nông thôn đang có nhiều tiềm năng phát triển, bởi khách du lịch ngày càng có xu hướng đến với thiên nhiên, các điểm du lịch hoang sơ và tránh xa các điểm du lịch đông khách.

Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, các địa phương cần xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn sao cho phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương.

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, bền vững

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 8/2023, cả nước có 5.3385/8.233 xã (64,84%) đạt chuẩn nông thôn mới; 396 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân 16,68 tiêu chí/xã.

Trong đó, có 196/664 đơn vị cấp huyện thuộc 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; 12 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 4 tỉnh được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu cấp thôn ấp, hộ gia đình gắn với xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, Đảng và Nhà nước ta cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức độ thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản của người dân nông thôn với thành thị.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

Đồng thời, huy động sự tham gia cộng đồng dân cư làm du lịch ở địa phương, phát huy bản sắc, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ đó, hướng tới nông thôn hiện đại, văn minh và thu nhập tốt cho người dân.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm kết hợp với phát triển du lịch nông thôn sẽ góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tin bài liên quan