Chế ngự sự tham lam chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong hoạt động doanh nghiệp

Chế ngự sự tham lam chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong hoạt động doanh nghiệp

Nỗi buồn doanh nhân sau phiên tòa

(ĐTCK) Đã nhiều năm đưa tin pháp đình, lại tập trung vào những vụ án liên quan đến kinh tế, tôi được chứng kiến những giờ phút có lẽ là buồn bã nhất trong cuộc đời của không ít doanh nhân. Họ, từng là những người thành đạt, nếu không “hô mưa gọi gió” thì ít nhiều cũng có kẻ “gọi dạ bảo vâng”, giờ đây phải cúi đầu trả lời trước vành móng ngựa.

Cảnh tượng ấy, khiến những người ngày ngày đi qua các phiên tòa như chúng tôi, không khỏi chùng lòng.

Vài năm trước, khi được tòa soạn giao đưa tin về kỳ họp Quốc hội, tôi mới biết đến doanh nhân, đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga. Bà trông lúc nào cũng chỉn chu, sang trọng, thường xuyên được phóng viên xin ý kiến, phỏng vấn trong giờ giải lao về các vấn đề nóng của ngành ngân hàng, bất động sản, cũng như các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Khi đó, tôi không thể hình dung nổi, chỉ vài năm sau, chúng tôi lại đưa tin giật mình: bắt tạm giam đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga và sau đó là chuỗi các thông tin về kết quả điều tra liên quan đến công ty, đến hoạt động kinh doanh của bà Nga.

Gần đây nhất, trong phiên tòa xét xử vụ án Lạm quyền liên quan đến Dự án B5 Cầu Diễn của Housing Group (Tập đoàn do bà Nga nắm cổ phần chi phối), đối tác của bà Nga là ông Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Tổng giám đốc Công ty HAIC đã phải trả lời trước Tòa về các sai phạm trong việc huy động và sử dụng đồng vốn. Bà Nga cũng bị triệu tập với tư cách người có nghĩa vụ và liên quan.

Xuất hiện trong trang phục màu xanh của phạm nhân, gương mặt trầm lặng và lời khai thì thầm đến gần như không thể nghe thấy, bà Nga trình bày rằng, bình thường doanh nghiệp nào cũng làm vậy (huy động vốn của khách hàng khi chưa đủ điều kiện mà pháp luật yêu cầu - PV).

Huy động vốn từ khách hàng khi điều kiện pháp lý chưa đủ là vấn đề nhức nhối của thị trường bất động sản, có lẽ vẫn còn một số doanh nhân khác đã làm như bà Nga, ông Tuẫn. Nhưng điều quan trọng hơn là đồng tiền huy động về đã được sử dụng ra sao, có thực sự phục vụ cho dự án và có nhà để giao cho khách hàng? Hay đồng tiền đã được sử dụng cho mục đích cá nhân, mua nhà đứng tên chồng, cho con đi du học Mỹ...? Sau thất bại của một doanh nhân là hàng chục, hàng trăm gia cảnh khó khăn, những khách hàng gom góp cả đời cho một giấc mơ an cư lạc nghiệp giờ trắng tay.

Sau vụ án Lạm quyền ở Công ty HAIC, bà Nga sẽ còn bị đưa ra xét xử trong vụ án riêng, vụ án Lừa đảo gần 300 tỷ đồng liên quan Housing Group.

Lý Xuân Hải, nguyên CEO của ACB, người đã bị khởi tố, điều tra, xét xử và bị tuyên phạt 8 năm tù giam trong vụ án bầu Kiên, từng là một CEO ngân hàng rất thành đạt. Nếu không xem kỹ những bức ảnh của bị án Lý Xuân Hải thời hoàng kim và hình ảnh tại phiên tòa, khó nhận ra đây là cùng một người.

Trái với phong độ trước đây, tại các phiên tòa, ông Hải gầy và ủ rũ. Ông Hải là người rất thành công trong ngành ngân hàng, từng nhiều lần dành các giải thưởng, danh hiệu dành cho lãnh đạo ngân hàng. Tuy nhiên, những thành công vượt trội đôi khi tạo ra sức ép cho kinh doanh, trong trường hợp này là do ACB dư thừa tiền nên đã ủy thác gửi tiền vào ngân hàng khác và người lãnh đạo bị cáo buộc phạm tội vì những chủ trương đó.

Một trường hợp khác là ông Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT DVD - cổ phiếu đã đi vào lịch sử thị trường chứng khoán. Ông Dũng đã phải hầu tòa cuối năm 2011 trong vụ án Thao túng giá chứng khoán và lĩnh án phạt 4 năm tù giam. Trong những năm sau đó, ông Dũng tiếp tục phải hầu tòa vì bị truy tố tội Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, khi đã làm giả các giấy tờ để vay nợ hàng trăm tỷ đồng từ 2 ngân hàng.

Cho đến nay, ông Dũng đã thụ án xong mức án 4 năm tù giam và được trả tự do, nhưng vẫn còn trong giai đoạn thử thách và hưởng án treo đối với tội Làm giả tài liệu con dấu. Theo quy định, trong thời gian thử thách này, nếu phạm tội mới, thì án treo sẽ được chuyển thành án tù giam.

Khác với hình ảnh của lãnh đạo một công ty lớn, làm ăn hiệu quả trong giai đoạn trước, tại phiên tòa xét xử tội Làm giả tài liệu con dấu, ông Dũng phủ nhận hoàn toàn vai trò, trách nhiệm của một lãnh đạo doanh nghiệp. Dường như, ông Dũng là cổ đông – chủ doanh nghiệp, là lãnh đạo nhưng không có quyền lực gì, tất thảy đều do dàn nhân viên cấp dưới tự tung tự tác.

Kinh doanh luôn có nhiều rủi ro tiềm ẩn, từ thị trường, từ pháp lý... Khó có thể nói rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta đã hoàn hảo và đầy đủ. Trong nhiều trường hợp, người ta thường đổ lỗi cho những thiếu sót của hệ thống pháp luật, tuy nhiên, không thể phủ nhận, trong hoạt động kinh doanh hàng ngày, không ít doanh nhân vẫn vắt óc nghĩ cách “lách” luật. Với hành động này, họ dễ thu được lợi ích lớn, kèm theo đó là những hố bẫy sâu thẳm. Các doanh nhân nhận thức được điều này, nhưng chế ngự sự tham lam chưa bao giờ dễ dàng, nhất là trong hoạt động doanh nghiệp.

Tin bài liên quan