Xu hướng hợp tác với ngân hàng nước ngoài đang được các ngân hàng trong nước mở rộng.

Xu hướng hợp tác với ngân hàng nước ngoài đang được các ngân hàng trong nước mở rộng.

Nỗi lo quản trị doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa

(ĐTCK-online) Ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, điểm hạn chế lớn nhất của các DN sau cổ phần hóa không phải là vốn hay định hướng kinh doanh, mà là vấn đề quản trị DN. Một số DN sau cổ phần hóa hoạt động không hiệu quả do vẫn đang loay hoay tổ chức lại bộ máy quản lý… Điều này dẫn đến việc tái cấu trúc DN và cổ phần hóa đôi khi chỉ còn là hình thức.

Theo ông Học, những tồn tại ở thời điểm trước cổ phần hóa không được giải quyết dứt điểm nên khi chuyển sang công ty cổ phần phải gánh chịu, như tình trạng nợ tài chính, nợ không có khả năng thu hồi; lao động dôi dư không xử lý dứt điểm; đối xử của một số cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng với công ty cổ phần có sự khác biệt so với công ty nhà nước (khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai); lãnh đạo từ công ty cổ phần đa số chuyển từ các công ty nhà nước sang cho nên phương thức quản lý giống như quản lý DNNN trước đây (giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT, tự quyết mọi vấn đề, thậm chí  có DN không tổ chức ĐHCĐ trong một thời gian dài)…

Tại Hội thảo "Tầm quan trọng của quản trị DN trong cạnh tranh toàn cầu" vừa được tổ chức mới đây ở TP. HCM, nhiều ý kiến cho rằng, trình độ quản trị tại các DN vẫn còn cách xa các tiêu chuẩn quốc tế. Với một nền kinh tế ngày càng phát triển và đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các DN Việt Nam sẽ ngày càng phải đối mặt với các khiếu kiện về trách nhiệm quản lý, trách nhiệm nghề nghiệp khi mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động kinh doanh của mình. Điều này đòi hỏi các DN phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản trị DN, các rủi ro trong công tác điều hành. Các đối tác, nhà đầu tư luôn quan tâm nhiều đến công tác quản trị DN và đánh giá đây là một yếu tố quan trọng góp phần làm tăng giá trị của công ty.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định, những DNNN lâu nay chỉ sống bằng "xin xỏ" ưu đãi (đất, thuế, vốn…) mà không lo nâng cao công nghệ… thì sẽ sớm phá sản vì thời của những người quản trị như vậy đã qua.

Trong khi các DNNN, nhất là những DN sau cổ phần hóa khá lúng túng trong việc tìm cơ chế áp dụng linh hoạt quản trị DN mới thì nhiều DN cổ phần đã nhanh nhạy trong việc thay đổi cơ cấu và tìm cách tự làm mới bộ máy hoạt động của mình. Khá năng động trong việc tìm lời giải cho bài toán quản trị có thể kể đến các DN cổ phần trong khối ngân hàng.

Kể từ tháng 3/2006, sau khi trở thành đối tác chiến lược của VPBank, Tập đoàn OCBC (tập đoàn tài chính lớn thứ 3 Singapore) đã có nhiều thỏa thuận nhằm cụ thể hóa chiến lược hợp tác giữa hai bên. Một trong số đó là việc OCBC dành khoảng 7 triệu USD phục vụ công tác hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên của VPBank. Định hướng trong quan hệ hợp tác là phát triển VPBank trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam trên cơ sở các lợi thế về công nghệ, mô hình quản trị tiên tiến của OCBC và hệ thống mạng lưới cũng như vị thế của VPBank tại thị trường Việt Nam. Sau khi hoàn thành việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại VPBank lên 15% cho OCBC, VPBank cũng nhận được sự hỗ trợ của OCBC về nghiệp vụ, công nghệ và đào tạo nhân viên, bằng mức OCBC đã mua 10% trước đây.

Trong đợt bán cổ phần cho Ngân hàng HSBC, Teckcombank cũng đã nhận được sự hỗ trợ tương ứng về công nghệ và nghiệp vụ quản trị kinh doanh để đưa ngân hàng này trở thành một trong những ngân hàng cổ phần hàng đầu Việt Nam .

Xu hướng hợp tác với ngân hàng nước ngoài đang được các ngân hàng trong nước mở rộng và không chỉ còn đơn giản là việc bán bớt cổ phần, mà sự hỗ trợ về công nghệ mới và phương thức quản trị hiện đại có ý nghĩa lớn nhất mà những thương hiệu HSBC, Standard Chartered Bank, ANZ mang lại cho Techcombank, ACB, Sacombank…

Theo đánh giá của các quỹ đầu tư nước ngoài, tiềm năng phát triển của lĩnh vực tư nhân Việt Nam là khá mạnh mẽ trong tương lai, khi Việt Nam ngày một hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Đây cũng là lý do để họ nhắm tới khối DN tư nhân trong nước.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty Diana cho biết, điều quan trọng nhất khi bán cổ phần cho Tập đoàn Goldman Sachs là Diana sẽ được các chuyên gia kinh tế của tập đoàn này tư vấn về chiến lược phát triển kinh doanh ở Việt Nam và nước ngoài để trở thành một công ty quy mô quốc tế. Goldman Sachs sẽ hỗ trợ Diana áp dụng các tiêu chuẩn quản trị và điều hành quốc tế, giúp cho Diana phát triển vững mạnh. Đây là cũng là mục tiêu lớn nhất của các DN cổ phần khác khi quyết định bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Đối với các DNNN sau khi cổ phần hóa, để tháo gỡ khó khăn về vấn đề quản trị DN, ông Học cho biết, SCIC đã tiếp xúc với nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Riêng các tổ chức tài chính nước ngoài, SCIC đã quan hệ và tiếp cận với khoảng 100 tổ chức. Đó là những tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, quản trị DN. SCIC cũng đã mời nhiều tổ chức giúp các DN mà SCIC đang quản lý phần vốn nhà nước thực hiện nghiên cứu chiến lược phát triển, cơ cấu lại công ty.