Nỗi lo từ sự bùng nổ đầu tư tiền số tại Hàn Quốc

Nỗi lo từ sự bùng nổ đầu tư tiền số tại Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với 27% dân số trong độ tuổi từ 20-50 đang nắm giữ tiền số, cùng với tỷ lệ thất nghiệp thanh niên gấp đôi mức trung bình, câu chuyện về tiền số ở Hàn Quốc không đơn thuần chỉ là về công nghệ mà nó còn là bức tranh sinh động về những áp lực kinh tế-xã hội đang đè nặng lên vai người dân xứ kim chi.

Con số biết nói

Theo báo cáo mới nhất từ Viện Tài chính Hana, hiện có 27% người Hàn trong độ tuổi từ 20-50 đang nắm giữ tiền số. Con số này không chỉ ấn tượng mà còn cho thấy sự thâm nhập sâu rộng của tiền số vào đời sống tài chính hàng ngày của người dân.

Đáng chú ý hơn là tiền đã chiếm tới 14% tổng danh mục đầu tư của họ - một tỷ lệ khá cao so với khuyến nghị thông thường của các chuyên gia tài chính về việc chỉ nên đầu tư 5-10% vào tài sản có độ rủi ro cao.

Phân tích theo độ tuổi, nhóm 40 tuổi dẫn đầu với 31% tỷ lệ tham gia, tiếp theo là nhóm 30 tuổi (28%) và 50 tuổi (25%). Những số liệu trên tương đối bất ngờ vì theo định kiến thông thường, tiền số trước đây vốn luôn được xem là tài sản hấp dẫn đối với giới trẻ.

Một trong những phát hiện đáng chú ý nhất từ nghiên cứu này là sự thay đổi trong động lực đầu tư. Thay vì chỉ tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng như trước đây, nhiều người Hàn Quốc giờ đây coi tiền số như một phần trong chiến lược tài chính dài hạn.

Đặc biệt, trong nhóm 50 tuổi, tới 78% cho biết họ sử dụng tài sản mã hóa để "tích lũy tiền", và 53% đang "chuẩn bị cho việc nghỉ hưu" thông qua đầu tư tiền mã hóa. Đây là một sự chuyển đổi tư duy đáng kể, từ việc coi tiền số như "công cụ đầu cơ" sang "kênh đầu tư dài hạn".

Thói quen đầu tư cũng đã trưởng thành hơn. Tỷ lệ những người thực hiện mua định kỳ đã tăng từ 10% lên 34%, trong khi giao dịch trung hạn tăng từ 26% lên 47%. Ngược lại, tỷ lệ giao dịch ngắn hạn (thường được coi là "đầu cơ") đã giảm.

Bitcoin tiếp tục duy trì vị thế thống trị với 60% nhà đầu tư Hàn Quốc nắm giữ trong danh mục. Tuy nhiên, khi kinh nghiệm tăng lên, nhiều người đã bắt đầu đa dạng hóa sang các sản phẩm khác như altcoin và stablecoin.

Điều thú vị là NFT và security token vẫn chưa thực sự "cất cánh" ở Hàn Quốc, với 90% nhà đầu tư vẫn tập trung chủ yếu vào các đồng coin truyền thống.

Cách thức thu thập thông tin cũng đã thay đổi tích cực. Thay vì dựa vào "tin đồn" như trước đây, người Hàn Quốc giờ đây ngày càng sử dụng các sàn giao dịch chính thức và nền tảng phân tích chuyên nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư.

Một con số gây ấn tượng mạnh từ nghiên cứu là 70% người được khảo sát muốn tăng đầu tư vào thị trường tiền số trong tương lai. Đây có thể được hiểu như niềm tin vào tiềm năng của thị trường, nhưng cũng có thể phản ánh sự "liều lĩnh" trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

42% người được khảo sát cho biết họ sẽ đầu tư nhiều hơn nếu các tổ chức tài chính truyền thống tham gia sâu hơn vào thị trường tiền số. Điều này cho thấy người dân vẫn mong muốn có sự "đảm bảo" từ hệ thống tài chính chính thống.

Thú vị là chỉ 35% coi "bảo vệ pháp lý mạnh hơn" là yếu tố quan trọng để tăng niềm tin. Điều này có thể phản ánh thực tế rằng môi trường pháp lý về crypto ở Hàn Quốc đã tương đối rõ ràng so với nhiều quốc gia khác.

Một trong những "điểm đau" lớn nhất mà nghiên cứu chỉ ra là quy định chỉ cho phép liên kết một tài khoản ngân hàng với sàn giao dịch tiền số. 70% nhà đầu tư cho biết họ sẽ ưu tiên ngân hàng chính của mình nếu hạn chế này được dỡ bỏ.

Quy định này ban đầu được đưa ra với mục đích chống rửa tiền và bảo vệ người tiêu dùng, nhưng thực tế lại tạo ra nhiều bất tiện và có thể đẩy một số hoạt động giao dịch ra "ngoài vòng pháp luật".

Mặc dù lạc quan về tương lai, 56% nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn lo lắng về biến động thị trường. Điều này cho thấy họ không hoàn toàn "mù quáng" trước rủi ro, mà vẫn có nhận thức tương đối tỉnh táo về bản chất của thị trường crypto.

Lo lắng về rủi ro sàn giao dịch và gian lận cũng được nhiều người nhắc đến, đặc biệt trong số những người còn do dự về việc đầu tư thêm.

"Tuyệt vọng" hay "cơ hội"?

Ông Eli Ilha Yune, Giám đốc sản phẩm tại Anzaetek, đã đưa ra một góc nhìn khá "cay đắng" về hiện tượng đầu tư tiền số ở Hàn Quốc. Theo ông, sự bùng nổ của tiền số không phải do "lạc quan về công nghệ blockchain" mà chủ yếu xuất phát từ "tuyệt vọng tài chính".

Yune chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp thanh niên Hàn Quốc hiện ở mức 6,6% - gấp đôi mức trung bình quốc gia. Trong bối cảnh nền kinh tế từng "thần tốc" giờ đây đã "đình trệ", nhiều người trẻ không thể mua được nhà đất và cũng không thấy lợi nhuận từ các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán.

"Tiền số đã trở thành lựa chọn đầu tư khả thi duy nhất cho thế hệ trẻ Hàn Quốc," Yune nhận định. Ông cũng lưu ý rằng nhiều nhà đầu tư trẻ, dù hiểu công nghệ blockchain, nhưng lại không nắm rõ về cơ sở hạ tầng và rủi ro thực sự.

Có thể thấy, Chính phủ Hàn Quốc đang đứng trước thách thức lớn trong việc cân bằng giữa khuyến khích đổi mới và bảo vệ người tiêu dùng. Các quy định hiện tại, như hạn chế liên kết ngân hàng và yêu cầu xác minh danh tính nghiêm ngặt, tuy có tác dụng kiểm soát rủi ro nhưng cũng tạo ra rào cản cho sự phát triển của thị trường.

Yoon Sun-young từ Viện Nghiên cứu Tài chính Hana nhận định: "Nhà đầu tư mong đợi sự thể chế hóa pháp lý và mở rộng vai trò của ngành tài chính hiện có." Điều này cho thấy nhu cầu về một khung pháp lý toàn diện hơn, không chỉ "cấm đoán" mà còn "hướng dẫn" và "bảo vệ".

Tin bài liên quan