Điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên những đường bay nội địa sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt khó khăn. Ảnh: Đức Thanh

Điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên những đường bay nội địa sẽ giúp các hãng hàng không giảm bớt khó khăn. Ảnh: Đức Thanh

Nới nhẹ trần giá vé trên một số đường bay nội địa

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, theo đó mức tăng trung bình là 3,75% so với khung giá hiện hành.

Gánh nặng chi phí

Sau khi hoàn tất việc tham vấn ý kiến của các hãng hàng không, vào giữa tuần trước, Bộ GTVT đã có Công văn số 7118/BGTVT - VT gửi các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, đề nghị tham gia góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT (Thông tư 17) ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Điểm nổi bật trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17 là việc Bộ GTVT đề xuất nâng mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014 của 4/5 nhóm đường bay, với mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành.

Mức trần giá dịch vụ nói trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ các khoản thu: thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm: giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, thực tế, mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa quy định tại Thông tư 17 đã được áp dụng từ năm 2015. Cho đến nay, các yếu tố hình thành giá đã thay đổi, đặc biệt là sự biến động tăng lớn của giá nhiên liệu bay Jet-A1 và tỷ giá.

Cụ thể, vào tháng 9/2015 - thời điểm Bộ GTVT xây dựng Thông tư 17, mức giá nhiên liệu bay trung bình là 80 USD/thùng Jet A1; trong khi đó, cuối năm 2021, giá nhiên liệu này tăng trên 100 USD/thùng, duy trì ổn định ở mức bình quân 130 USD/thùng trong năm 2022, thậm chí đã đạt ngưỡng 170-175 USD/thùng vào tháng 5/2022.

Mặt khác, hầu hết vật tư, nhiên liệu, tàu bay của các hãng đều phải mua hoặc thuê của nước ngoài, dịch vụ do các hãng nước ngoài cung cấp... đều phải thanh toán bằng USD. Trong khi đó, tỷ giá giữa VND và USD tăng liên tục trong những năm qua đã làm chi phí cho những khoản mục này tăng lên rất nhiều. Theo số liệu thống kê, tỷ giá bình quân năm 2015 là 21.929 VND/USD, năm 2022 bình quân là 23.425 VND/USD, tăng 6,8%.

Trong năm 2023, dự kiến giá nhiên liệu bay được nhiều hãng xây dựng khoảng 112 USD/thùng và tỷ giá là 24.500 VND/USD. Tuy nhiên, rủi ro về giá nhiên liệu năm 2023 vẫn rất khó lường do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và tình hình chính trị thế giới bất ổn.

Với những lý do nói trên, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được quy định tại Thông tư 17 đã không còn phù hợp và cần sớm điều chỉnh khung giá để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam về khung giá vận chuyển hàng không, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, chi phí nhiên liệu hàng không chiếm khoảng 36% chi phí vận chuyển của Hãng.

Giá nhiên liệu trung bình năm 2022 so với năm 2015 (thời điểm mức giá trần hiện tại được áp dụng) tăng khoảng 85%, từ mức giá 67,37 USD/thùng năm 2015, tăng lên mức 124,46 USD/thùng năm 2022 (giá dầu bình quân năm giao dịch tại thị trường Singapore được cập nhật hàng ngày trên hệ thống quản trị thông tin nhiên liệu của Vietnam Airlines), khiến chi phí của Vietnam Airlines tăng khoảng 30,5%.

Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng không có hơn 70% là chi phí bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại bằng VND. So với năm 2015, tỷ giá năm 2022 tăng 6,8%, làm chi phí của Vietnam Airlines tăng tương ứng 4,35%.

Lãnh đạo một hãng hàng không cho biết, nếu tính đúng, tính đủ, chi phí vận chuyển hành khách/km năm 2022 là 2.760 đồng/hành khách/km, cao hơn 43% so với năm 2015 (1.933 đồng/hành khách/km).

“Việc giá trần của 4/5 nhóm đường bay được đề xuất tăng trung bình 3,75% chưa phản ánh hết những gánh nặng chi phí của hãng hàng không tại các đường bay nội địa”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Tác động không lớn tới CPI

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các doanh nghiệp hàng không, khi các hãng bay kinh doanh thuận lợi thì dù có bị thiệt hại một chút về giá vẫn có thể bù đắp được những chi phí phát sinh này.

Tuy nhiên, khi thị trường xuất hiện những yếu tố bất lợi thì việc càng kéo dài mức giá trần lạc hậu như hiện nay càng làm tình hình tài chính của các hãng thêm kiệt quệ, cản trở sự phục hồi toàn thị trường sau dịch Covid-19.

Cần phải nói thêm rằng, ngay từ cuối tháng 3/2023, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Ban Chỉ đạo điều hành giá về chủ trương thực hiện điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trong quý II, quý III/2023.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT, tại Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 10/4/2023, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo: “Đối với các mặt hàng điện, dịch vụ hàng không, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục và các mặt hàng xem xét điều chỉnh giá: các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá để chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên của lãnh đạo Chính phủ, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của phương án điều chỉnh khung giá.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, với phương án điều chỉnh mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa về mức quy định năm 2014 thì sẽ chỉ làm tăng CPI năm 2023 lên khoảng 0,07%.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay, giá dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (bao gồm quốc tế và quốc nội) đều được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không xây dựng và thực hiện kê khai với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường…

“Chính vì vậy, việc điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé, mà ngược lại, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không có thêm dư địa để thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình phù hợp, đáp ứng nhu cầu của hành khách tham gia giao thông bằng đường hàng không”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam phân tích.

Hiện thị trường hàng không đang hồi phục trong thế khó. So với giai đoạn trước Covid-19, các chi phí đầu vào, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng cao, trong khi thị trường quốc tế vẫn phục hồi chậm do chính sách của các nước và sức mua yếu, đặc biệt là giá vé nội địa trung bình thấp hơn 11% so với năm 2019.

Trong văn bản góp ý Dự thảo Thông tư, đại diện Bamboo Airways nhận xét, việc nới mức giá trần là một trong những giải pháp ứng phó ngắn hạn trước biến động quá lớn từ các yếu tố đầu vào tác động đến chi phí khai thác của các hãng hàng không.

“Ngoài giải pháp điều chỉnh nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam có thể xem xét áp dụng cơ chế phụ thu nhiên liệu cho đường bay nội địa. Song, giải pháp dài hạn vẫn là xóa bỏ khung giá dịch vụ vận chuyển, việc điều tiết giá nội địa sẽ do thị trường tự do cạnh tranh quyết định”, đại diện Bamboo Airways nêu quan điểm.

Tin bài liên quan