Nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và thế giới.

Nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn trước nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và thế giới.

Nỗi sợ hữu hình trên thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực tỷ giá, bất ổn địa chính trị trên thế giới, cộng với con số lợi nhuận quý III của một số doanh nghiệp kém xa dự báo đã khiến nỗi sợ về một cú sập của thị trường chứng khoán lớn dần. Chỉ cần diễn biến “bán kỹ thuật” của nhà đầu tư ngoại tham gia mua trái phiếu của Vingroup có quyền hoán đổi cổ phiếu Vinhomes đã thúc đẩy hiệu ứng bán tháo trên toàn sàn.

Tâm lý mong manh

Tâm lý thị trường trong phiên giao dịch thứ Năm tuần trước đã chuyển biến nhanh từ thận trọng sang bi quan, sợ hãi trước một thông tin chưa được định lượng rủi ro. Đó là việc một số nhà đầu tư quốc tế tham gia vào giao dịch Vingroup phát hành trái phiếu hoán đổi đã bán cổ phần Vinhomes để hoàn tất giao dịch đầu tư vào trái phiếu (thực hiện hedging).

Nhiều tin đồn trên thị trường về việc có một lượng lớn cổ phiếu “họ Vin” sẽ bị bán ra được truyền đi và nhà đầu tư lo sợ nhóm cổ phiếu Vin nếu tiếp tục giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến chỉ số chung, tác động tiêu cực đến xu hướng giá nhiều cổ phiếu khác và có thể kích hoạt một làn sóng call margin mới.

Nguồn tin tin cậy cho biết, đây là việc bán hedging giữa các nhà đầu tư với một số lượng hạn chế và Vinhomes không phát hành thêm cổ phần mới nên không có pha loãng; nhà đầu tư trái phiếu hoán đổi đã tìm được nhà đầu tư cho đa số khối lượng cổ phiếu cần bán, nên ảnh hưởng đến thị trường được đánh giá sẽ ngắn hạn và không đáng kể.

Phiên sập mạnh 26/10 là minh chứng cho thấy tâm lý mong manh của thị trường trong giai đoạn này.

Theo đại diện DATX, giá trị giao dịch trung bình của thị trường ở mức 19.312,85 tỷ đồng/phiên trong 30 phiên gần nhất đã giảm về 12.689,33 tỷ đồng/phiên trong một tuần gần nhất cho thấy dòng tiền lớn rút ra khỏi thị trường. Tỷ lệ tiền mặt trong tài khoản nhà đầu tư tăng dần từ 11,7% ngày 28/9 lên 87,5% ngày 26/10 cảnh báo rủi ro cho thấy thị trường luôn ở trạng thái khá tiêu cực.

Nhận định về phiên giao dịch VN-Index mất gần 50 điểm, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC Chi nhánh TP.HCM cho rằng, xuất phát từ một số nguyên nhân chính: Biến động xấu trên thị trường thế giới, cụ thể là các chỉ số chứng khoán thế giới đều giảm mạnh và thủng hỗ trợ, Dollar Index tiếp tục tăng và gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Còn ở trong nước là áp lực từ nhóm cổ phiếu “họ Vin” từ đầu phiên, kèm với đó việc thủng hỗ trợ 1.080 điểm khiến VN-Index bị bán tháo.

Áp lực margin cũng là một trong những yếu tố ông Huy cho rằng, cần phân tích khi lý giải về phiên sập mạnh này, khi margin quý III đã tăng 15.000 tỷ đồng.

Theo dữ liệu của Vietstock Finance, dù thanh khoản thị trường giảm, giá cổ phiếu trong xu hướng giảm nhưng tổng cho vay cầm cố chứng khoán (margin) trên thị trường lại tăng lên. Tính đến ngày 24/10/2023, dư nợ margin của 71 công ty chứng khoán đã tăng 16.400 tỷ đồng so với cuối quý II, tương đương tăng 11%. Còn so với đầu năm, các công ty chứng khoán đã cho vay thêm gần 44.500 tỷ đồng, tương đương tăng 36%.

Từ góc nhìn của ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), lo lắng hiển hiện trên thị trường hiện nay là xung đột vũ trang giữa Israel và Hamas làm gia tăng bất ổn địa chính trị. Nếu cuộc chiến này lan rộng ra các nước xung quanh sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát bùng lên trở lại, khi giá dầu có thể tăng mạnh do đứt gãy nguồn cung, từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo kịch bản tiêu cực nhất của Bloomberg, giá dầu có thể vượt 150 USD/thùng, lạm phát từ đó tăng 1,2 điểm phần trăm và tăng trưởng toàn cầu mất đi 1 điểm phần trăm.

“Với riêng Việt Nam, ở diễn biến hiện tại, tác động trực tiếp của cuộc chiến này lên nền kinh tế là không đáng kể, thậm chí, nhóm dầu khí còn được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, nếu như cuộc chiến này leo thang sang cả khu vực Trung Đông, kinh tế Việt Nam sẽ không tránh khỏi các tác động tiêu cực, do nền kinh tế nước ta có độ mở rất cao”, ông Linh nhận định.

Thông tin về xung đột quân sự theo nhiều chuyên gia chứng khoán là nỗi lo ngại mà nhà đầu tư cần thật sự theo dõi, để dự tính được những ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán nói chung và nhóm cổ phiếu dầu khí nói riêng.

Phiên bán tháo 26/10 cũng là ngày Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo phương thức đấu thầu lãi suất. Kết quả, toàn bộ 6 thành viên tham gia đều trúng thầu với tổng khối lượng đạt 8.250 tỷ đồng, gấp gần 14 lần phiên 25/10. Câu chuyện phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục là gánh nặng tâm lý thị trường khi giá cổ phiếu chưa chiết khấu đủ sâu. Dẫu vậy, cho đến thời điểm này, nhiều chuyên gia phân tích đều cho rằng, việc phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước không hàm ý một nguy cơ đảo chiều chính sách tiền tệ.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhấn mạnh, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước không nhằm mục đích thắt chặt, hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện hành mà chỉ là giải pháp tạm thời và ngắn hạn để hấp thụ thanh khoản dư thừa của hệ thống trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ tỷ giá và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong nước. Lượng hấp thụ sẽ được quay trở lại thị trường sau khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt.

Thực tế quan sát trên thị trường cho thấy, lãi suất huy động và cho vay vẫn đang duy trì xu thế giảm. Lãi suất tiền gửi tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong tháng 9/2023. Tính đến ngày 10/10/2023, trung bình lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống mức 5,4%/năm, giảm 0,5%/năm so với cuối tháng 8 và giảm 2,4%/năm so với cuối năm 2022. Lãi suất tiền gửi đã chạm mức đáy của giai đoạn đại dịch Covid-19, do thanh khoản hệ thống dư thừa trong bối cảnh nhu cầu tín dụng yếu.

Nhưng có lẽ, nỗi lo lớn và thiết thực nhất của thị trường và của nền kinh tế chung hiện tại nằm trong ý mà ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI chia sẻ trên mạng xã hội là “dòng tiền dư thừa trong bank”. Nền kinh tế, doanh nghiệp không hấp thụ được nguồn vốn là thực trạng mà các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần tập trung tháo gỡ.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Phân tích Dragon Capital chia sẻ, thanh khoản của nền kinh tế chưa có biểu hiện ở cung tăng trưởng tín dụng thấp và cung tiền. Theo ông Tuấn, lạm phát vừa qua tăng chủ yếu do tăng giá dịch vụ giáo dục, còn về cơ bản, cung tiền không chạy thì không có lạm phát. Lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp nhưng mức lãi suất cho vay lẫn lãi tiền gửi mới về bằng mức giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Lợi tức trái phiếu doanh nghiệp đi xuống, nhưng không có thanh khoản. Vì thế, ông Tuấn cho rằng, lãi suất còn dư địa giảm tiếp và kỳ vọng sẽ có một đợt giảm lãi suất nữa vào tháng 11 nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

“Đối với tôi, tỷ giá hay lạm phát không phải vấn đề quan trọng, mà quan trọng là tăng trưởng kinh tế và cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm để các chính sách hỗ trợ thẩm thấu vào nền kinh tế”, ông Tuấn nói.

Kết quả kinh doanh quý III/2023 được các công ty rải rác công bố đến cuối tuần qua, với nhiều con số thấp hơn so với dự báo của các công ty chứng khoán đưa ra trước đó cũng như kỳ vọng của giới đầu tư phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư tiêu cực hơn.

Thận trọng đứng ngoài

Phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường chứng khoán đóng cửa trong sắc xanh nhưng thanh khoản chỉ ở ngưỡng 13.000 tỷ đồng, điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn thận trọng.

Không ít nhà đầu tư lo ngại, có khả năng diễn ra một đợt call margin của các ông chủ doanh nghiệp, cổ đông lớn giống như năm ngoái nếu thị trường tiếp tục diễn biến xấu đi. Vì thế, thời điểm này, không ít nhà đầu tư chọn cách đứng ngoài quan sát để định lượng hết rủi ro của những sự kiện mới phát sinh.

Tuy vậy, sau một giai đoạn giảm điểm đến ngưỡng hỗ trợ lớn, đã có sự phân hóa về nhận định xu hướng thị trường. Có những nhà đầu tư đã xuống tiền mua lại cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong danh mục. Phiên thị trường giảm mạnh, ngày 26/10, khối lượng khớp lệnh tăng hơn gấp đôi so với phiên ngày 25/10 là một minh chứng.

Thực tế là trong gần 2 tháng thị trường điều chỉnh, nhiều nhà đầu tư đã tìm cơ hội bắt đáy, nhưng đáy liên vẫn tục “thủng” và giá trị tài khoản đã thâm hụt không ít.

Khuyến nghị được ông Bùi Văn Huy đưa ra, với lực bán hiện tại, chỉ số VN-Index hoàn toàn có thể giảm thêm và vùng 1.020 - 1.030 điểm sẽ là vùng dự kiến cân bằng trong tình huống xấu.

“Đây là vùng có thể mua với tư duy đầu tư trung và dài hạn. Với mọi hành động ở vùng này, việc sử dụng margin rất nên được tiết chế”, ông Huy nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, yếu tố rủi ro với thị trường chứng khoán trong nước vẫn còn nhiều, nhưng không phủ nhận thị trường đã vào giai đoạn quá bán và mức định giá trở nên hấp dẫn hơn trong dài hạn.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Phân tích Dragon Capital

Nếu so sánh tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng thì không có độ lệch lớn như thời điểm quý III và quý IV/2022, khiến ngân hàng phải bán ra rất nhiều ngoại tệ để bình ổn tỷ giá.

Hiện nay, sự chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường không có và trong tầm nhìn trung hạn thì chỉ số đồng USD có xu hướng đi xuống, bởi lãi suất của Mỹ đang ở vùng đỉnh, nên tỷ giá không phải nỗi lo trung hạn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Finpeace

Diễn biến thị trường thế giới không tích cực. Các chỉ số chứng khoán lớn sau khi tạo vùng cao xấp xỉ đỉnh lịch sử đã hình thành một khu vực phân phối và bắt đầu phá vỡ một vài ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Cụ thể, Fr40, Us500 đã phá một vài hỗ trợ ngang tại khu vực cao. Ngoài ra, chỉ số sức mạnh USD cũng đang đi vào vùng biến động mạnh, điều này khiến tỷ giá các nước ngoài Mỹ đều đang chịu áp lực lớn về giá trị và rủi ro biến động.

Một số mã trụ cột trong VN30, đại diện cho các doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng lên chỉ số chung đã vỡ khu vực hỗ trợ mạnh. Vị trí của các hỗ trợ này thấp hơn hẳn so với các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, điều này cho thấy cung cầu ngắn hạn đang không đánh giá cao về định giá doanh nghiệp niêm yết hiện tại. Về định giá, có thể thấy 2 điểm chính: Một là, kết quả kinh doanh quý III không hấp dẫn; Hai là, kỳ vọng tăng trưởng doanh nghiệp có nhiều khó khăn, khi nhìn vào khả năng hấp thụ vốn vay ngân hàng đang ở mức thấp.

Khó khăn tại một số nhóm cụ thể:

Chứng khoán: Các công ty lớn tăng vốn quá nhiều. Nhìn về hiệu quả kinh doanh cho các chu kỳ tiếp theo, gánh nặng hiệu quả sẽ rất khó khăn.

Bất động sản: Cần nguồn vốn mới từ cổ đông để xây dựng lại nền tảng kinh doanh mới. Khả năng tăng vốn hiện vẫn là một dấu hỏi lớn.

Nhà đầu tư cần giữ một tỷ trọng tiền mặt lớn ở giai đoạn hiện tại. Pha giảm đang diễn ra khá nhanh và mạnh, khối lượng giao dịch lớn tại các phiên giảm điểm.

Sóng tăng lớn tiếp theo cần có thời gian để xây nền tảng, do đó, nhà đầu tư nên giao dịch chậm lại, để nhận diện tín hiệu rõ ràng hơn.

Giao dịch ngắn hạn cần hạn chế tối đa tư duy bắt đáy. Mọi sóng tăng trong lịch sử đều có thời gian xây nền tảng tối thiểu 1-2 tuần. Việc vội vàng bắt đáy không những gây áp lực thua lỗ, mà còn gây ảnh hưởng tâm lý để bạn có thể nắm chắc cổ phiếu trong sóng tăng sau.

Tin bài liên quan