Theo các chuyên gia, thị trường điều chỉnh ban đầu do yếu tố định giá, sau đó giảm sâu hơn do các yếu tố ngoài thị trường, hiện nhiều cổ phiếu đang có mức giá rất tốt để đầu tư.

Theo các chuyên gia, thị trường điều chỉnh ban đầu do yếu tố định giá, sau đó giảm sâu hơn do các yếu tố ngoài thị trường, hiện nhiều cổ phiếu đang có mức giá rất tốt để đầu tư.

Giao dịch chứng khoán: Chế ngự nỗi sợ, nắm bắt cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường luôn bị chi phối bởi lòng tham và nỗi sợ hãi. Cú sụt giảm 15% của VN-Index lần này lại khiến bài học cũ trở thành mới.

Trái chiều cảm xúc F0 - Fn

Thị trường giảm điểm nhanh và mạnh khiến nhà đầu tư sợ hãi, nhất là khi họ đang sử dụng đòn bẩy tài chính.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận xét, áp lực từ việc giá trị danh mục giảm nhanh do giao dịch ký quỹ (margin) khiến nhà đầu tư sợ hãi hơn bình thường. Sự sợ hãi trong giai đoạn vừa qua khiến nhiều người có hành động bán tháo, như phiên đầu tuần qua (25/4), hàng trăm mã cổ phiếu giảm giá sàn, bao gồm không ít mã cơ bản, vốn hóa lớn.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Azfin Việt Nam nhìn nhận, nỗi sợ trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc đến từ ba yếu tố. Đầu tiên là nhà đầu tư có thể nhìn thấy tài khoản của mình giảm giá trị từng giây, từng phút, nên nỗi sợ trên thị trường chứng khoán mạnh hơn trên thị trường bất động sản hay các thị trường đầu tư vật lý khác như vàng.

Ví dụ, ở kênh đầu tư bất động sản, nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm giữ lô đất trong 5 - 7 năm, nhưng với kênh chứng khoán thì ít có người nắm giữ danh mục lâu như vậy, bởi vì biến động giá tài sản hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của họ.

Thứ hai là hiện nay, hệ thống Internet, kinh tế số, mạng xã hội phát triển, các hội nhóm đầu tư nở rộ, nên nỗi sợ kết hợp với sự lan tỏa của đám đông có tác động rất lớn.

“Ví dụ, tôi và các anh ở đây chỉ ngồi trao đổi với nhau thôi thì nỗi sợ rất bình thường, nhưng khi lên mạng xã hội mà thấy hàng ngàn người đăng nhận định thị trường sắp sập, nỗi sợ sẽ bị nhân lên nhiều”, ông Phục nói tại Talk show Chọn danh mục số thứ 2, do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức ngày 28/4/2022.

Thứ ba là số lượng nhà đầu tư mới (F0) rất lớn, họ chưa có kinh nghiệm trải qua các đợt điều chỉnh mạnh của thị trường nên giá trị tài khoản sụt giảm là họ đau xót, hoang mang, lo sợ.

Với các nhà đầu tư lâu năm (Fn) thì sao? Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các nhà đầu tư này nhìn chung rất bình tĩnh.

“Tôi thấy bình thường, quen rồi, bởi trải qua nhiều lần thị trường biến động mạnh. Thị trường đang bị nhiễu động ngắn hạn, tôi sẽ chờ tín hiệu ổn định hơn để tăng cường giải ngân, tập trung vào các cổ phiếu nằm trong tầm ngắm từ trước, hiện có giá chiết khấu khoảng 30%”, một Fn nói.

Ông Phục cho hay, từ năm 2007 đến nay có khoảng 3 - 4 lần thị trường chứng khoán sụt giảm từ 10 - 33%. Một năm thường có vài lần thị trường điều chỉnh, vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Vì vậy, các nhà đầu tư có kinh nghiệm thấy điều này là bình thường và có sự chuẩn bị tâm lý cũng như cách ứng phó từ trước.

Một là, có kiến thức vững vàng về cổ phiếu và đầu tư để biết rằng họ đang nắm cổ phiếu tốt hay xấu. Hai là cách quản trị danh mục khi thị trường biến động mạnh. Ba là, khi giá bất ngờ lao dốc, cần bình tĩnh phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, từ đó đưa ra quyết định hợp lý, hiệu quả hơn so với việc vội vàng ra quyết định.

Chế ngự nỗi sợ, nắm bắt cơ hội

Nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn đang lo ngại thị trường bước vào xu hướng giảm trung và dài hạn, sau khi đi ngang kéo dài quanh vùng đỉnh. Thị trường giảm nhanh và sâu từ ngày 5/4/2022 đến nay mà chưa xuất hiện các tin tức hỗ trợ đủ mạnh, khiến họ tin vào kịch bản này.

Ông Ngọc cho biết, VN-Index có gần 3 tháng dao động ở vùng đỉnh, 1.480 - 1.530 điểm, thanh khoản ở mức cao.

Đó là vùng phân phối xảy ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái sẽ tăng lãi suất và xu hướng lãi suất dự kiến kéo dài. Tại Việt Nam, lãi suất vẫn ổn định, nhưng khoảng một tháng gần đây, lãi suất qua đêm tăng lên - một trong những tín hiệu lãi suất sẽ tăng.

Xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam thường đi sau thị trường Mỹ 1 - 2 tháng. Khi thị trường giảm điểm, vùng đỉnh càng rõ ràng hơn.

Thị trường điều chỉnh ban đầu do yếu tố định giá, sau đó giảm sâu hơn bởi nỗi sợ hãi của nhà đầu tư tăng lên do các yếu tố ngoài thị trường, liên quan đến những động thái khởi tố vụ án, sai phạm trên thị trường chứng khoán, tin đồn bắt bớ lan truyền trong các hội nhóm trên mạng xã hội...

Ông Ngọc cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 4/2022 giảm thái quá, mức chiết khấu 15% của VN-Index đã đưa giá rất nhiều cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30 về vùng hấp dẫn, có thể đầu tư dài hạn. Đợt điều chỉnh này có mức độ lớn, nhưng sẽ không khiến thị trường bước vào xu hướng giảm. Thị trường sẽ sớm cân bằng và hồi phục. Thực tế, cuối tuần qua, chỉ số giảm nhẹ đầu phiên sáng, sau đó duy trì sắc xanh cho đến cuối phiên chiều.

Ông Phục nhấn mạnh, thị trường chứng khoán có phiên “bay” 70 điểm, nhưng các doanh nghiệp niêm yết liệu có bị ảnh hưởng? Khi nhà đầu tư tách bạch được giữa thị trường ảo và thị trường thực thì lúc đó sẽ đưa ra được những quyết định giao dịch sáng suốt.

Nếu thị trường tiếp tục giảm, nhà đầu tư nên đặt câu hỏi, thị trường sẽ tồn tại hay ngày mai bất ngờ sụp đổ và biến mất?

“Thị trường chắc chắn tồn tại và về lâu dài tuân thủ theo quy luật giá trị, tức là cái gì giảm xuống quá rẻ rồi sẽ bật tăng mạnh mẽ”, ông Phục nói.

Lãnh đạo Azfin Việt Nam chia sẻ, tin tưởng vào quy luật giá trị nên vào tháng 3/2020, Công ty đã tham gia mua rất nhiều cổ phiếu và tính đến cuối năm 2020, có những mã tăng giá tính bằng lần.

Trong phiên giảm mạnh thứ Hai tuần qua, nhiều cổ phiếu giá trị bị bán tháo, thấp hơn mức giá mà không ít nhà đầu tư kỳ vọng sẽ mua được ở mức giá tốt trước đó cả chục phần trăm. Đây là cơ hội cho những người đang có vị thế tiền mặt lựa chọn mua vào.

Định giá P/E của nhóm VN30 đang ở mức 13,9 lần, thấp hơn mức trung bình 6 năm qua là 17 lần và tương đương giai đoạn đặc biệt khó khăn 2011 - 2013.

Với các cổ phiếu trong VN30, định giá P/E của nhóm này đang ở mức 13,9 lần, thấp hơn mức trung bình 6 năm qua là 17 lần và tương đương giai đoạn 2011 - 2013, là giai đoạn rất khó khăn của kinh tế Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp.

Trong khi đó, hiện nay là giai đoạn tốt cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông Phục đồng quan điểm với dự báo của các tổ chức quốc tế rằng, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nhóm VN30 năm nay có thể tăng trưởng từ 20 - 25%.

Theo đó, P/E đến hết năm 2022 của VN30 chỉ khoảng 11 lần, tương đương mức định giá tháng 3/2020 (10,7 lần), khi thị trường lần đầu tiên bị tác động bởi dịch Covid-19. Với tầm nhìn dài hạn trên 1 năm, VN30 hiện tại rất hấp dẫn để đầu tư, bởi xu hướng tăng dài hạn chưa bị phá vỡ, có thể từ quý III/2022, muộn nhất là giữa năm 2023, thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong khi đó, ông Ngọc đánh giá, thị trường chứng khoán trong 2 năm qua có xu hướng tăng, nên với đợt điều chỉnh hiện tại, tâm lý nhiều nhà đầu tư vẫn thận trọng, hoài nghi về khả năng tạo đáy và phục hồi, khiến thanh khoản thấp, dù thị trường đã có vài phiên bật tăng (VN-Index trong 4 phiên gần nhất tăng tổng cộng 50 điểm, lên 1.366,8 điểm). Thanh khoản thấp còn do lượng bán ra được tiết giảm.

“Quá trình tạo đáy, hồi phục sẽ diễn ra trong nghi ngờ, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 có khả năng kiểm nghiệm vùng đáy. Xác nhận được vùng đáy, tâm lý nhà đầu tư sẽ lạc quan hơn và dòng tiền quay trở lại”, ông Ngọc dự báo.

Tin bài liên quan