Nối trọn yêu thương và những số phận “đặc biệt”, không ngừng nỗ lực đóng góp giá trị lao động cho xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mỗi tập phát sóng của chương trình “Nối trọn yêu thương” là một câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực vượt lên nghịch cảnh phi thường của những nhân vật đến từ đời thực. Dù xuất phát điểm với đôi tay hay bàn chân không lành lặn nhưng những nhân vật dưới đây đã lan tỏa tinh thần “không gì là không thể” với giá trị lao động đích thực tạo ra cho xã hội.

Giữ gìn nét đẹp nghề dệt may truyền thống

Từ nhỏ đam mê nghề truyền thống dệt may thổ cẩm, bà H’Yar Kbour (xã Dray Sáp, huyện Krong Ana, tỉnh Đắk Lắk) đã say mê tìm hiểu, học từ ông bà ngoại và mẹ. Nhưng biến cố ập đến, năm 5-6 tuổi H’Yar Kbour bị đau chân đi chữa chạy khắp nơi đều không khỏi. Không lâu sau đó, đôi chân của bà liệt dần.

“Tôi rất buồn và xấu hổ. Nhưng tôi nghĩ đó là số phận nhưng mình không thể ngồi một chỗ chịu đựng. Thế là tôi quyết tâm đi học chữ năm lên 10 tuổi. Tôi không buồn phiền nữa mà tự động viên mình cố gắng”, H’Yar Kbour tâm sự.

Vừa học chữ, H’Yar Kbour vừa học dệt may. Sự cố gắng của H’Yar Kbour được nhiều người biết đến, họ tìm đến học nghề, mua hàng.“Tôi rất muốn gìn và phát triển nét đẹp truyền thống của dân tộc mình, vì vậy tôi đi thuyết phục các chị em trong buôn làng đến làm cùng nghề”, H’Yar Kbour nói.

Bà H’Yar Kbour (tỉnh Đắk Lắk) nỗ lực giữ lửa nghề dệt truyền thống dù đôi chân bị liệt từ nhỏ.

Bà H’Yar Kbour (tỉnh Đắk Lắk) nỗ lực giữ lửa nghề dệt truyền thống dù đôi chân bị liệt từ nhỏ.

Cái nắng, cái gió khắc nghiệt của vùng đất đại ngàn không thể cản bước người phụ nữ Ê Đê giàu nghị lực. Trên khắp các con đường của buôn làng đều in đậm dấu chân của bà H’Yar Kbour. Bà đi tới từng nhà, vận động bà con giữ lấy nghề truyền thống. Năm nay 60 tuổi, bà vẫn bền bỉ, kiên trì trên hành trình của mình.

Song hành cùng nỗ lực của bà H’Yar Kbour có sự quan tâm của Hội Liên Hiệp Phụ nữ Buôn K’La. Bà H’BLA, Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ Buôn K’La (xã Dray Sáp, huyện Krong Ana, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ tổ hợp tác dệt thổ cẩm buôn Kla đã ra đời được hơn 3 năm. Người tổ trưởng H’Yar Kbour dù khuyết tật nhưng luôn nhiệt huyết giữ lửa nghề truyền thống. Ngôi nhà nhỏ của bà H’Yar Kbour trở thành nơi gặp gỡ của những người phụ nữ Ê Đê, giúp họ tự tin hơn và có được thu nhập từ chính nghề truyền thống.

Phát triển nghệ thuật làm tranh giấy xoắn

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bị liệt teo chân phải sau một cơn sốt nặng thuở nhỏ nhưng Trần Thụy Thúy Vy (TP.HCM) chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết cơ thể mà đó còn là động lực để cô vượt khó học tập, lao động và trở thành một nghệ nhân có đôi tay tài hoa sáng tác tranh giấy xoắn. Năm 30 tuổi, cô bắt đầu đi học Đại học với suy nghĩ “không bao giờ là muộn” và Thúy Vy đã nỗ lực học tập và thực sự đã làm những điều tưởng chừng như không thể.

Thúy Vy có bàn tay khéo và có năng khiếu về thẩm mỹ, hội họa. Khi đi học, để có thêm tiền trang trải, cô đã đi vẽ thêm. Cô cũng tham gia các cuộc thi vẽ tại trường và đạt được giải Nhất một cuộc thi với sản phẩm giấy xoắn, đây cũng là tiền đề để Thúy Vy khởi nghiệp về sau này.

Trần Thụy Thúy Vy và cơ sở tranh giấy xoắn truyền nghề cho nhiều phụ nữ khuyết tật.
Trần Thụy Thúy Vy và cơ sở tranh giấy xoắn truyền nghề cho nhiều phụ nữ khuyết tật.

Từ thế mạnh ấy, năm 2013 Thúy Vy mở cơ sở tranh giấy xoắn Alice Quilling (Quận 4, TP.HCM) truyền nghề và tạo việc làm cho những phụ nữ khuyết tật.

Cô nói: “Ban đầu tôi chỉ có ý định muốn giúp phụ nữ khuyết tật, sau khi làm việc nhiều năm, tôi nhận ra ai cũng cần công việc phù hợp với sức khỏe của họ, từ đó cơ sở của tôi mở rộng cho nhiều người”.

Những sản phẩm tỉ mỉ chỉn chu từ giấy xoắn thể hiện sự khéo léo của nhiều người khuyết tật, mở ra cơ hội cho họ khẳng định khiếm khuyết cơ thể chỉ là một điều bất tiện. Thúy Vy đã có lựa chọn vì cộng đồng thay vì lựa chọn cơ hội cho riêng mình.

Đứng lên giúp mình, giúp người

Một tai nạn lao động đã cướp đi đôi tay của Lê Văn Tuấn (xã Tào Sơn, huyện miền núi Anh Sơn, Nghệ An). Vay mượn tiền của anh em họ hàng, Tuấn và gia đình chữa trị khắp nơi nhưng đôi tay không trở lại. Nợ vẫn mang mà sức khỏe không tốt hơn, Tuấn từng có lúc nghĩ sẽ đi hiến tạng để trả nợ. Tự ti, mặc cảm với đôi tay ám ảnh trong Tuấn, nhưng nhìn cảnh cha mẹ già yếu và khoản nợ vẫn treo đó, Tuấn lấy quyết tâm sống tốt hơn, tìm một công việc phù hợp để làm.

“May mắn tôi có người anh dạy cho miễn phí về công nghệ thông tin, sửa chữa điện thoại. Hàng ngày 4h sáng tôi bắt xe khách từ quê đến thành phố Vinh, Nghệ An học nghề”, anh Tuấn chia sẻ. Sự chăm chỉ nỗ lực của anh cũng đến ngày hái quả, anh mở được cửa hàng sửa chữa điện thoại ở quê nhà, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và trả nợ. Ngoài ra, Tuấn còn giúp đỡ những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn học nghề, giúp họ có cơ hội việc làm.

Anh Lê Văn Tuấn (Nghệ An) khởi nghiệp với cửa hàng sửa chữa điện thoại, dạy nghề cho nhiều lao động địa phương
Anh Lê Văn Tuấn (Nghệ An) khởi nghiệp với cửa hàng sửa chữa điện thoại, dạy nghề cho nhiều lao động địa phương

Anh Đào Duy Bách, Bí thư Đoàn xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An chia sẻ: “Anh Tuấn là người luôn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để vươn lên, tinh thần và nghị lực của anh là tấm gương cho mọi người. Anh còn giúp đỡ, dạy nghề cho nhiều người trong xã”.

Sau khi xuất hiện trong chương trình Nối trọn yêu thương phát sóng trên kênh VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam, nghị lực phi thường khi đương đầu với số phận khắc nghiệt cùng tinh thần quyết tâm tạo giá trị cho xã hội của anh Lê Văn Tuấn, Trần Thúy Vy, bà H’Yar Kbour đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến cộng đồng. Không chỉ tạo ra thu nhập cho bản thân, họ còn tạo việc làm, tạo cơ hội thay đổi cuộc sống cho những người xung quanh, cùng nhau tôn vinh nét đẹp lao động theo cách riêng của mình.

Đồng hành cùng chương trình “Nối trọn yêu thương” từ năm 2019 tới nay, Công ty Tân Hiệp Phát mong muốn tôn vinh, lan tỏa về con người có nghị lực phi thường, bản lĩnh vượt qua nghịch cảnh tạo nên giá trị có ích cho xã hội.

Với phương châm hoạt động và phát triển gắn với giá trị cốt lõi có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, trong gần 30 năm qua, Công ty Tân Hiệp Phát là đơn vị luôn tích cực trong các dự án phụng sự xã hội với nhiều hoạt động có quy mô và tầm ảnh hưởng sâu rộng. Từ đầu tư xây cầu hỗ trợ người dân khắp các tỉnh thành miền Tây có điều kiện giao thương, phát triển kinh tế cho đến trao tặng hàng ngàn con bò giúp hàng ngàn hộ gia đình thoát khỏi cảnh khó khăn. Cùng với đó là nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” luôn được Tân Hiệp Phát chú trọng, thể hiện sự biết ơn đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình chính sách, những người có công với cách mạng.

Đặc biệt, Tân Hiệp Phát luôn đặt trẻ em ở trung tâm trong hành trình phụng sự xã hội của mình với các chương trình khuyến học, khuyến tài, bảo trợ lâu dài để các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể tới trường. Trong năm 2023, Tân Hiệp Phát đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tại 4 tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, Chu Lai, Hà Nam tổ chức chương trình "Nối trọn yêu thương - Nâng bước tới trường" trao tặng 600 phần học bổng, tổng giá trị 1,2 tỷ đồng động viên các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập. Năm 2022, Tân Hiệp Phát cũng đã tiếp nhận bảo trợ lâu dài cho 50 trẻ em mồ côi do Covid-19 đến năm các em 18 tuổi, cùng với đó là hoạt động thăm hỏi, động viên tinh thần mỗi dịp lễ Tết.

Đối với chương trình “Nối trọn yêu thương”, đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Truyền hình Nhân Đạo gặp gỡ, tiếp thêm động lực cho nhiều nhân vật có hoàn cảnh đặc biệt hơn nữa và không ngừng lan tỏa tinh thần “không gì là không thể” của các nhân vật cũng như của công ty đến cộng đồng vì một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Tin bài liên quan