Nếu DN không tuân thủ CSR sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.

Nếu DN không tuân thủ CSR sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới.

Nóng bỏng vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Trách nhiệm xã hội của DN tuy là vấn đề không hề mới trên thế giới nhưng vẫn giữ nguyên tính nóng bỏng đối với DN, nhà đầu tư, với người tiêu dùng và toàn xã hội.

Trách nhiệm xã hội của DN là gì?

Có rất nhiều định nghĩa về trách nhiệm xã hội của DN (Corporate Social Responsibility - CSR). Trong số đó, Uỷ ban Kinh tế thế giới về phát triển bền vững định nghĩa: "Trách nhiệm xã hội của DN là một cam kết kinh doanh nhằm cư xử đạo đức và đóng góp cho sự phát triển kinh tế cùng với việc nâng cao chất lượng sống của người lao động và gia đình họ cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội". DN muốn phát triển bền vững luôn phải tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên và phát triển cộng đồng.

 

Vấn đề thường nhật ở các nước phát triển

Trên thế giới, những người "khổng lồ" đang chi rất nhiều tiền để trở thành một hình mẫu kinh doanh lý tưởng, và để trở nên có trách nhiệm với xã hội. Điển hình, Hãng điện dân dụng Best Buy đã áp dụng chương trình tái chế sản phẩm; Starbucks, hãng cà phê có mặt khắp ngóc ngách của hành tinh, đã bắt tay vào hàng loạt hoạt động cộng đồng; Evian, hãng nước khoáng nổi tiếng của Pháp, phân phối sản phẩm  trong những chai nước thân thiện với môi trường; General Electrics sử dụng 2 tỷ USD/năm để nghiên cứu  công nghệ bảo vệ môi trường mới. Phó phòng Quan hệ cộng đồng của Best Buy, Paul Prahl đã phát biểu: "Chúng tôi sẽ thành công trên thị trường nếu chúng tôi chịu trách nhiệm xã hội". Ở nhiều công ty, báo cáo trách nhiệm xã hội còn đi kèm với các báo cáo thường niên.

Ngoài việc đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhân viên, bảo vệ môi trường và phát triển các sản phẩm tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường, các công ty còn xây dựng quỹ  từ thiện nhằm đóng góp vào sự phát triển của xã hội và cộng đồng. Ngân hàng Thế giới và Hãng dược phẩm Merck đã đưa ra sáng kiến nhằm phát triển nguồn quỹ lên 50 triệu USD, trong đó có cả việc tặng sản phẩm Mectizan để giúp 28 nước châu Phi loại trừ bệnh tật. Các tỷ phú cùng với quỹ của công ty cũng đóng góp rất nhiều vào việc làm từ thiện như Bill Gates hay Warren Buffett.

Ở các nước phát triển, chi phí trách nhiệm xã hội dành cho việc nghiên cứu và phát triển chiếm nhiều hơn so với chi phí dùng làm từ thiện, mặc dù chi phí làm từ thiện cũng không hề nhỏ.

 

Trách nhiệm xã hội: không "mới" nhưng vẫn "lạ" ở Việt Nam

Chỉ một vài dẫn chứng về trách nhiệm xã hội của DN là quá ít nhưng cũng đủ để hình dung về tầm quan trọng của vấn đề này đối với thế giới. Còn tại Việt Nam thì sao? Trên thực tế, vấn đề trách nhiệm xã hội của DN không còn quá mới, nhưng không quá mới không có nghĩa là đã cũ. 

Từ năm 2005, Việt Nam đã có giải thưởng "CSR hướng tới sự phát triển bền vững" được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương cùng các hiệp hội da giày, dệt may tổ chức, nhằm tôn vinh các DN thực hiện tốt công tác CSR trong bối cảnh hội nhập. Năm 2006 đã có 50 DN ngành dệt may và da giày tham dự. Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, "CSR trở thành một trong những yêu cầu đối với DN, nếu DN không tuân thủ CSR sẽ không thể tiếp cận được với thị trường thế giới". Tuy nhiên, ở Việt Nam , việc thực hiện CSR còn tương đối khó khăn. Trước hết, đó là sự hiểu biết của DN về CSR chưa đầy đủ, DN chỉ hiểu đơn thuần là làm từ thiện, mà chưa hiểu rằng việc thực hiện CSR là từ ngay trong DN. Thứ hai, đó là do DN thiếu nguồn tài chính và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực CSR, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ.

Việc đánh giá thực hiện CSR quy định trong bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct hay Code of Ethics) và các tiêu chuẩn như SA8000, WRAP, ISO 14000..., tuy nhiên các tiêu chuẩn này không phải là thoả thuận giữa các chính phủ hay quy định của các công ước quốc tế, vì vậy ràng buộc chỉ là giữa các nhà xuất nhập khẩu hoặc do chính DN tự đặt ra. Chúng ta đã có nhiều DN sản xuất sạch như: sản xuất rau sạch, nuôi trồng thủy sản sạch, sản xuất than sạch... Nhưng những việc làm này mang tính bắt buộc hoặc tự phát hơn là tự nguyện, gắn liền với hoạt động kinh doanh và hình ảnh của DN.

Ở nước ta có nhiều doanh nhân làm từ thiện gắn với hình ảnh của DN, ngoài ra các DN và doanh nhân cũng có nhiều hoạt động ủng hộ thiên tai, bão lụt và các cuộc vận động lớn của xã hội. Và tất cả mới chỉ dừng lại ở đó.

Như vậy, trách nhiệm xã hội của DN là vấn đề tất yếu đi liền với kinh doanh ở các nước phát triển. Trong khi đó, ở Việt Nam , các DN phần lớn chỉ thực hiện do mang tính bắt buộc hay từ thiện tâm của người đứng đầu. Đó là hai quan niệm kinh doanh hoàn toàn khác nhau. Vậy thực hiện CSR có lợi gì đối với DN? Và DN Việt Nam có cần tự nguyện thực hiện CSR giống như DN ở các nước phát triển? Xin đề cập tới các vấn đề này ở kỳ sau "Lợi ích của việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN".