Theo số liệu của Cục Thống kê, trong tháng 6/2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,46 triệu lượt người, giảm 4,3% so với tháng trước nhưng tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này đã góp phần đưa tổng lượng khách trong 6 tháng đầu năm đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 25,7% so với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, lượng khách nửa đầu 2025 còn cao hơn tổng lượng khách của cả năm 2016 (10 triệu lượt).
![]() |
Khách quốc tế theo tháng, năm 2025 (nghìn lượt). Nguồn: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. |
Phân theo vùng lãnh thổ, châu Á tiếp tục là khu vực chiếm tỷ trọng lớn nhất với 8,41 triệu lượt khách, tăng 21,1%. Lượng khách từ châu Âu đạt 1,34 triệu lượt, tăng 26,5%; châu Mỹ đạt 582.800 lượt, tăng 8,6%; châu Úc đạt 304.200 lượt, tăng 14,1%. Riêng châu Phi là khu vực duy nhất ghi nhận mức sụt giảm nhẹ 0,3%, với 25.200 lượt khách.
Đối với phương tiện di chuyển, khách đến bằng đường hàng không chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam với mức 85,2%, đạt 9,1 triệu lượt người, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, khách đến bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, chiếm 13,1% và tăng 10,9%. Còn lại khách đến bằng đường biển đạt 181.400 lượt người, chiếm 1,7% và tăng 10%.
Về quy mô thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2025, Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 2,7 triệu lượt, chiếm 25,6% tổng lượng khách quốc tế. Hàn Quốc xếp thứ hai với 2,2 triệu lượt, tương đương 20,7%. Riêng hai thị trường này đã chiếm tới 46,3% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm.
Xếp sau là các thị trường: Đài Loan - Trung Quốc (630.000 lượt), Mỹ (449.000 lượt), Nhật Bản (393.000 lượt) và Campuchia (360.000 lượt). Ngoài ra, trong top 10 thị trường lớn nhất còn có Ấn Độ, Úc, Malaysia và Nga.
![]() |
Top 10 thị trường gửi khách hàng đầu 6 tháng đầu năm 2025 (nghìn lượt). |
Về động lực thị trường, trong 6 tháng đầu năm, các thị trường lớn thuộc khu vực châu Á tiếp tục đóng vai trò động lực chính cho tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đáng chú ý, lượng khách từ Trung Quốc tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2024; Ấn Độ tăng 41,0%; Nhật Bản tăng 17,2%.
Tại khu vực Đông Nam Á, nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng khả quan: Philippines tăng 105,1%; Campuchia tăng 55,6%; Lào tăng 35,8%; Indonesia tăng 11,2%; Malaysia và Singapore cùng tăng 5,2%; Thái Lan tăng 4,1%. Riêng thị trường Hàn Quốc ghi nhận mức giảm nhẹ, ở mức 3,2% so với cùng kỳ.
Ở khu vực châu Âu, lượng khách đến Việt Nam tăng mạnh, trong đó Nga là thị trường lớn nhất với 260.000 lượt, tăng 139,3% so với cùng kỳ. Các thị trường truyền thống khác cũng ghi nhận tăng trưởng rõ nét: Anh tăng 19,2%; Pháp tăng 19,1%; Đức tăng 15,3%; Italy tăng 24,0%; Tây Ban Nha tăng 11,5%; Đan Mạch tăng 10,1%; Na Uy tăng 24,1% và Thụy Điển tăng 18,2%.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, kết quả tăng trưởng này đến từ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển, nhất là động lực từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử thông thoáng. Đồng thời, phản ánh nỗ lực cao của ngành du lịch trong tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, đổi mới xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.
Đặc biệt, thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thành công hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài tại châu Âu (Đức, Pháp, Italia, Thụy Sỹ, Ba Lan, Séc); xúc tiến du lịch điện ảnh tại Liên hoan phim Cannes, Pháp; quảng bá du lịch Việt Nam tại hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin ở Đức, Travex ở Malaysia; tăng cường truyền thông du lịch trên các nền tảng số... đã giúp tăng cường sự hiện diện của du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.