ODA Nhật Bản chỉ ngưng giải ngân hợp đồng bị phát hiện tiêu cực

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, các dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản đang triển khai không bị ảnh hưởng sau những quyết định của phía Nhật Bản liên quan đến nghi án đưa nhận hối lộ tại Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn I.
ODA Nhật Bản chỉ ngưng giải ngân hợp đồng bị phát hiện tiêu cực

Thưa ông, đang có những thông tin chưa rõ ràng liên quan đến các dự án ODA của Nhật Bản sau cuộc họp Việt Nam - Nhật Bản về các giải pháp tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các dự án giao thông - vận tải sử dụng ODA vào ngày 2/6. Xin ông cho biết, phía Nhật Bản đã thông tin như thế nào về việc này?

Tại cuộc họp mới nhất liên quan đến vụ việc nghi vấn Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ vào ngày 2/6 tại Hà Nội, đại diện các cơ quan của Việt Nam và Nhật Bản đã thống nhất các cách xử lý trước mắt như sau:

Một là, đối với các hợp đồng bị phát hiện có tiêu cực theo báo cáo từ bên thứ ba của Công ty JTC, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ ngưng giải ngân.

Đối với các hợp đồng khác của JTC và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, phía Việt Nam tiếp tục tiến hành điều tra.

Hai là, đối với các dự án mới có liên quan đến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, phía Nhật Bản sẽ phê duyệt sau khi phía Việt Nam thực hiện ba điều kiện: tiến hành điều tra sự thật liên quan đến vụ việc tiêu cực; xử lý các cá nhân có liên quan; và thông qua xây dựng các biện pháp phòng ngừa phát sinh những vụ việc tương tự.

Ba là, đối với các dự án mới khác, phía Nhật Bản sẽ phê duyệt trên cơ sở phía Việt Nam cam kết thực hiện điều tra liên quan nêu trên và xây dựng biện pháp phòng ngừa phát sinh vụ việc tương tự.

Có thể hiểu là, các dự án ODA của Nhật Bản khác sẽ không bị ảnh hưởng?

Đúng vậy. Cũng phải nói rõ, hiện tại, chỉ có hợp đồng bị phát hiện tiêu cực nêu trong báo cáo của Ủy ban độc lập của JTC mới bị JICA ngưng giải ngân. Các dự án khác, bao gồm viện trợ không hoàn lại và ODA vốn vay, không có sự tham gia của JTC vẫn tiếp tục triển khai và tiến hành giải ngân như bình thường.

Tuy nhiên, quyết định này của Nhật Bản đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam trong việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa?

Nói đúng ra, đây là một nhân tố thúc đẩy Việt Nam đẩy nhanh trong việc hoàn thiện thể chế để phòng chống tiêu cực, minh bạch hơn nữa việc thực hiện các dự án, đảm bảo việc sử dụng hiệu quả đồng vốn ODA, đảm bảo thực thi các cam kết của Việt Nam với các đối tác phát triển.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nỗ lực nhiều trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cũng như giải ngân có hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA. Chỉ tính riêng các dự án ODA vốn vay Nhật Bản, trong tài khóa 2013 đã giải ngân 162,08 tỷ yên (bao gồm cả vốn vay chương trình), đạt 20,3%. Đây là mức cao nhất trong số các quốc gia sử dụng ODA vốn vay của Nhật Bản, cũng như cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng như ban hành Quy tắc Đạo đức và ứng xử trong đấu thầu đối với các dự án ODA Nhật Bản, Quy chế Thí điểm về sự tham gia của bên thứ ba trong đấu thầu các dự án ODA Nhật Bản, hợp tác với JICA hậu kiểm một số gói thầu tại một số dự án ODA Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng sẽ xây dựng quy trình thanh, kiểm tra các dự án ODA nói chung, đặc biệt là dự án ODA Nhật Bản. Đồng thời, tiếp tục lấy ý kiến sửa đổi, hoàn thiện các quy định có liên quan, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. đồng thời Luật Đấu thầu sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014) và Luật Đầu tư công sắp được Quốc hội thông qua nhằm minh bạch hóa công tác đấu thầu, tài chính doanh nghiệp.

Ngay sau đây, phía Việt Nam sẽ có động thái gì tiếp theo để thực hiện các điều kiện mà phía Nhật Bản đưa ra đối với 3 loại dự án được nhắc tới trong kết luận trên?

Không phải đợi đến bây giờ, Chính phủ Việt Nam, cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc ngay khi phía Nhật Bản cung cấp thông tin về nghi vấn JTC đưa hối lộ. Cho đến nay, đã tạm giữ 6 cá nhân nghi vấn liên quan đến vụ việc. Bộ Công an đang tiếp tục làm việc với các cá nhân có liên quan khác.

Các cơ quan có liên quan của Việt Nam và Nhật Bản đã hợp tác tích cực để điều tra và nhằm xử lý nghiêm minh những cá nhân và tổ chức liên quan đến vụ việc nêu trên. Đại diện các cơ quan liên quan hai bên cũng đã có những buổi họp để nhằm đưa ra những giải pháp ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng trong việc thực hiện các dự án sử dụng ODA. Buổi họp ngày 2/6 là buổi họp gần đây nhất.

Trong kế hoạch, chúng tôi đã thống nhất tiếp tục đối thoại trong thời gian sớm nhất, có thể ngay cuối tháng 6, để có thể nhanh chóng giải quyết các vấn đề đã đặt ra. Mục tiêu là không để các tồn tại ở một vài dự án ảnh hưởng đến quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Từ khi Chính phủ Nhật Bản chính thức nối lại việc cung cấp ODA cho Việt Nam tháng 11/1992 cho đến hết tài khóa 2013 (tháng 3/2014), tổng số tín dụng, bao gồm cả ODA vốn vay và tín dụng đặc biệt đồng yên, tín dụng Miyazawa mà phía Nhật Bản đã cam kết là khoảng 2.320 tỷ yên (tương đương 24 tỷ USD ), đang được sử dụng  đầu tư các công trình và chương trình phát triển kinh tế lớn của Việt Nam...

Tin bài liên quan