Ông Trương Gia Bình: "Doanh nghiệp và ngân hàng nên ngồi xuống, bàn sâu về giải pháp trả nợ khả thi"

(ĐTCK) Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, vẫn có khá nhiều phàn nàn về việc khó tiếp cận nguồn vốn này. Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) đã có những đánh giá riêng.
Ông Trương Gia Bình: "Doanh nghiệp và ngân hàng nên ngồi xuống, bàn sâu về giải pháp trả nợ khả thi"

Theo ông Bình, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội… ứng phó với dịch Covid-19.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có Thông tư chỉ đạo đưa ra các giải pháp như yêu cầu các NHTM triển khai tích cực các chương trình miễn, giảm lãi suất, giảm phí, cử nhân viên trực tiếp tới doanh nghiệp khảo sát khó khăn, cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ gốc… Đây là những hành động kịp thời, thiết thực của ngành Ngân hàng để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Về chương trình hỗ trợ 300 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp mà các NHTM đang triển khai, ông có bình luận gì?

Qua việc chủ động tìm hiểu gói hỗ trợ này, tôi thấy có một vấn đề cần làm rõ để các doanh nghiệp hiểu đúng, qua đó sẽ tiếp cận tốt hơn chương trình của Chính phủ, NHNN.

Gói tín dụng 300 nghìn tỷ đồng không phải gói cứu trợ kinh tế trích từ ngân sách nhà nước, mà là gói tín dụng thông thường - lấy nguồn vốn chính từ tiền gửi của người dân và doanh nghiệp mà các ngân hàng đang phải trả lãi huy động - để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể… bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cơ chế, quy trình cho vay cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, chỉ là thủ tục nhanh gọn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn mức lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 2,5%/năm.

Số liệu mà Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN công bố cho thấy, đến cuối tháng 3/2020, 30% gói này đã được giải ngân, tiếp cận tới 47 ngàn khách hàng, trong đó có cả các hộ nông nghiệp số.

Với gói tín dụng này, một số doanh nghiệp phàn nàn là khó tiếp cận, theo ông vấn đề ở đây là gì?

Tôi nghĩ, nên có sự công bằng, toàn diện từ hai phía khi đánh giá về câu chuyện xoay quanh chủ đề tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp.

Về phía ngân hàng, việc triển khai các gói tín dụng hỗ trợ này không chỉ là sự chia sẻ lợi nhuận mà còn là thách thức không nhỏ bởi ảnh hưởng của dịch bệnh có thể khiến doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, thậm chí dẫn đến khủng hoảng tài chính và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Đây chính là áp lực rất lớn cho các NHTM nên quá trình triển khai sẽ có sự thận trọng nhất định để đảm bảo nhiều mục tiêu giải quyết được cùng lúc, vừa hỗ trợ các SME vừa hạn chế tối đa các rủi ro nêu trên.

Để vay được vốn, doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại (kết quả kinh doanh sụt giảm) do dịch Covid-19, mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ. Đây là vấn đề không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được ngay, nhất là các SME với năng lực còn nhiều hạn chế.

Hiện tại, một số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành nông nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của xã hội mong muốn tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn với gói tín dụng này.

Theo tôi, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực có thể hấp thu nguồn vốn từ gói tín dụng này, bởi là lĩnh vực thiết yếu và tiềm năng tăng trưởng lớn trong bối cảnh dịch bệnh cũng như sau dịch.

Bởi vậy, Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) sẽ tích cực làm việc với các ngân hàng để thúc đẩy việc cấp vốn cho các doanh nghiệp hội viên trong thời gian tới, thông qua vai trò Hiệp hội để tháo gỡ vấn đề “khó” cho các bên.

Về nguyên lý vốn ngân hàng đáp ứng chủ yếu cho nguồn vốn lưu động, vốn ngắn hạn, tuy nhiên hiện nay, doanh nghiệp cứ thiếu vốn là nghĩ đến ngân hàng. Ông có ý kiến gì để thay đổi quan điểm về cơ cấu vốn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp để phát triển bền vững?

Trong bối cảnh Covid-19, doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể đề xuất với NHTM xem xét lại cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhận thức nhằm quản lý, sử dụng vốn hiệu quả và có trách nhiệm, kế hoạch sản xuất kinh doanh phải tập trung vào thế mạnh của doanh nghiệp, tìm các cách thức chuyển đổi sáng tạo để nắm bắt “cơ” trong “nguy”, giảm bớt ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên tìm nguồn vốn trung và dài hạn trên thị trường vốn, như vậy sẽ đa dạng hóa được nguồn vốn, giảm phụ thuộc và áp lực vào vốn ngân hàng.

Việc doanh nghiệp còn ít sự chủ động, thói quen tìm kiếm các dòng vốn trung và dài hạn xuất phát từ thực trạng còn hạn chế của thị trường tài chính tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong Nghị quyết số 1/NQ-CP năm 2020, Chính phủ đã đặt ra vấn đề này như là một trong các mục tiêu trọng tâm, ưu tiên để cải thiện và thị trường vốn cũng đã có những bước tiến nhất định để đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp.

Tôi nghĩ ở góc độ doanh nghiệp, các ngân hàng cũng cần thắt chặt kiểm soát chi phí hoạt động, thường xuyên rà soát để kịp thời điều chỉnh các kịch bản hành động. Tăng cường ứng dụng nền tảng số, thanh toán không tiếp xúc, hạn chế sử dụng tiền mặt, đảm bảo và tạo niềm tin cho khách hàng vào tính an toàn, bảo mật của việc giao dịch online...

Có ý kiến kiến nghị NHNN sử dụng công cụ tái cấp vốn có thể giúp các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, theo ông liệu có được hay không?

Tôi cho rằng, còn sớm để bàn về công cụ này của NHNN. Vấn đề chính bây giờ là doanh nghiệp và Ngân hàng thương mại nên ngồi xuống, bàn sâu về giải pháp trả nợ khả thi.

Tin bài liên quan