Phải quen với khái niệm tăng trưởng trong khả năng có thể

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần sáng sủa, nhưng theo PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn.
PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM

PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM

“Chúng ta phải quen với khái niệm tăng trưởng trong khả năng có thể, phù hợp với tình hình thực tiễn, thay vì tăng trưởng bằng mọi giá”, ông Trung nhấn mạnh.

Ông có nhận thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh đang sáng sủa lên?

Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 6 khởi sắc hơn tháng 5, tháng 7 tiếp tục khởi sắc hơn tháng 6. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, ước tính, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 7/2023 tăng 3,9% so với tháng trước đó và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước. Tính chung 7 tháng năm 2023, IIP giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, IIP 7 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chính khiến IIP trong 7 tháng đầu năm chưa phục hồi là nhiều ngành công nghiệp trọng điểm sản xuất các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục giảm, như gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; giấy và sản phẩm từ giấy....

Với tình hình như vậy, ông dự báo thế nào về tăng trưởng GDP trong năm nay?

Để đạt được tốc độ tăng trưởng 6%, thì GDP quý III phải tăng 6,8%, quý IV tăng 9% và 6 tháng cuối năm tăng 8%. Còn muốn GDP tăng 6,5% như mục tiêu đặt ra, thì 2 quý cuối năm phải tăng tương ứng 7,4% và 10,3%; 6 tháng cuối năm tăng 8,9%.

Như vậy, để đạt mức tăng trưởng 6% cũng rất khó. Trong suốt thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta bình quân khoảng 6,5%/năm, quy mô nền kinh tế hiện tại lớn hơn rất nhiều so với 5-10 năm trước, nên để đạt được tốc độ tăng trưởng cao như trước đây là điều rất khó nếu không có cơ chế, chính sách hoặc thay đổi từ bên ngoài mang tính đột phá.

Tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế cao rất quan trọng vì chúng ta tạo thêm được thế và lực mới trên bản đồ kinh tế thế giới, nhưng quan trọng hơn là phải ổn định được các cán cân kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, tỷ giá... Chỉ như vậy mới tạo được niềm tin cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp, lẫn gián tiếp. Tức là, phải quen với việc kinh tế tăng trưởng phù hợp với thực tế, với thực lực.

Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành với mục tiêu rất rõ ràng là hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng GDP cao nhất có thể. Điều này tiềm ẩn rủi ro tới các cán cân kinh tế vĩ mô, thưa ông?

So với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, lãi suất vay vốn ngân hàng của doanh nghiệp Việt Nam rất cao. Vì vậy, việc liên tiếp hạ lãi suất điều là phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, vì dù có giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay, thì hiện tại, chi phí vay vốn của doanh nghiệp Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước khác.

Với dư địa giảm lãi suất không còn nhiều, tôi cho rằng, ngoài các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa... được hưởng mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn bình quân trên thị trường, thì các đối tượng còn lại phải vay theo lãi suất thị trường, phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm và độ rủi ro của từng khách hàng, chứ không phải hạ lãi suất là tất cả các đối tượng đều được hưởng.

Như vậy là không công bằng?

Theo quy luật, ảnh hưởng của các nhà băng bao giờ cũng có độ trễ so với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng tìm mọi cách cứu doanh nghiệp, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng phục hồi, mà có tỷ lệ không nhỏ phải đóng cửa, phá sản, ngừng hoạt động vĩnh viễn. Nếu những doanh nghiệp này là khách hàng vay vốn ngân hàng, thì hậu quả là nợ xấu gia tăng, lợi nhuận của ngân hàng giảm mạnh do phải trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu. Hậu quả tiếp theo là sau đó, ngân hàng không thể giảm được lãi suất, khiến ngay cả các doanh nghiệp tốt, hoạt động hiệu quả, hay cả những lĩnh vực, khu vực được ưu tiên cũng khó có thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.

Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể hạ tiếp lãi suất trong điều kiện có thể, đồng thời tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại được tự quyết định lãi suất cho vay (trừ lĩnh vực, khu vực được ưu tiên), tùy thuộc vào mức độ rủi ro và uy tín của khách hàng. Có như vậy mới hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời không ảnh hưởng tới các cán cân kinh tế vĩ mô khác.

Thế còn tỷ giá thì sao, thưa ông, khi USD đang mất giá so với nhiều ngoại tệ mạnh khác và có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên phá giá đồng nội tệ ở mức độ nào đó để hỗ trợ xuất khẩu?

Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm nay ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước, do sức cầu trên thị trường thế giới quá đuối, chứ không phải do VND (so với USD) được đánh giá cao hơn thực tế. Trong nhiều năm trở lại đây, tỷ giá đồng nội tệ so với USD của nhiều nước trên thế giới chao đảo, biến động rất mạnh, thì tỷ giá VND/USD vẫn ổn định. Việc giữ ổn định được tỷ giá là thành công rất lớn của Việt Nam, nhờ đó, Việt Nam bảo đảm được các cán cân kinh tế vĩ mô, không tăng nợ nước ngoài.

Chỉ số giá USD tháng 7/2023 giảm 1,71% so với tháng 12/2022 và chỉ tăng 1,04% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 7 tháng năm 2023, chỉ số giá USD tăng 2,39% đã cho thấy, VND rất ổn định, tỷ giá rất ổn định.

Tôi cho rằng, cần phải kiên định giữ ổn định tỷ giá, bởi tỷ giá ổn định mới tạo được lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và người dân, nhờ đó giúp ổn định các cán cân kinh tế vĩ mô.

Tin bài liên quan