Pháp lên kế hoạch trở thành trung tâm AI của châu Âu

Pháp lên kế hoạch trở thành trung tâm AI của châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng thống Macron cho biết, Pháp không có gã khổng lồ AI như Mỹ, nhưng Pháp muốn tạo ra hai hoặc ba ông lớn trong lĩnh vực công nghệ AI.

Phát biểu tại VivaTechnology, một sự kiện kinh doanh thường niên giới thiệu sự đổi mới công nghệ của Pháp, châu Âu và toàn cầu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra kế hoạch huy động vốn để hỗ trợ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và công bố khoản đầu tư trị giá hơn 7 tỷ euro cho các công nghệ hàng đầu của Pháp.

Các quốc gia trên thế giới đang tìm cách định vị mình là trung tâm AI, bởi vì công nghệ này được coi là một cuộc cách mạng, do đó công nghệ AI có tầm quan trọng chiến lược đối với các chính phủ trên toàn cầu. Bên cạnh đó, AI được cho là có tác động đến các ngành công nghiệp từ tài chính cho đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Gần đây, sự cạnh tranh xung quanh AI đã được khơi dậy bởi sự lan truyền của chatbot ChatGPT của Công ty OpenAI của Mỹ. “Tôi nghĩ đất nước chúng tôi đứng số một về ngành trí tuệ nhân tạo AI ở lục địa châu Âu và chúng tôi cần phải tăng tốc”, Tổng thống Macron chia sẻ với CNBC.

AI là cụm từ phổ biến của các công ty tại hội nghị công nghệ hàng năm của Pháp Viva Tech, từ các công ty mới thành lập đến các công ty công nghệ lâu đời, cùng với các công ty từ các lĩnh vực đa dạng như mỹ phẩm và ngân hàng.

Cả Tổng thống Macron, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Kỹ thuật số Jean-Noel Barrot đã tham dự sự kiện này, thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ đối với sự thúc đẩy công nghệ AI của Pháp.

Ông Macron cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu, Pháp có vị trí thuận lợi trong lĩnh vực AI nhờ khả năng tiếp cận nhân tài và các công ty khởi nghiệp hình thành xung quanh công nghệ này".

Pháp hy vọng sẽ bắt kịp Mỹ - quốc gia đang dẫn đầu về công nghệ AI. Theo Tổng thống Pháp, Mỹ đứng đầu trong việc phát triển công nghệ AI vì đây là một thị trường nội địa khổng lồ.

"Tôi hy vọng khoảng cách của chúng ta sẽ được thu hẹp bằng cách đầu tư nhiều hơn, phát triển hơn nữa và tăng tốc hơn nữa", ông Macron kỳ vọng.

Anton Dahbura, đồng Giám đốc Viện Johns Hopkins cho biết, Pháp chắc chắn có cơ hội trở thành nước dẫn đầu ngành AI ở châu Âu, nhưng đất nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Đức và Anh. Trong đó, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak cũng đã đưa ra lời kêu gọi nước Anh trở thành một trung tâm AI toàn cầu.

Dahbura cho rằng, để đạt được thành công, Pháp sẽ cần sử dụng AI để xây dựng trên các lĩnh vực kinh tế mà nước này đã có thế mạnh, chẳng hạn như sản xuất và dược phẩm.

Tổng thống Macron cho biết, Pháp không có gã khổng lồ AI như Mỹ, nhưng Pháp muốn tạo ra hai hoặc ba ông lớn trong lĩnh vực công nghệ AI. Công ty khởi nghiệp Mistral AI mới thành lập được 4 tuần của Pháp đã huy động được 105 triệu euro để tài trợ cho công ty. Một số công ty khởi nghiệp địa phương khác đã trưng bày sản phẩm của họ tại Viva Tech.

Một phần trong nỗ lực trở thành trung tâm AI của Pháp, dẫn đến quy định xung quanh công nghệ. Nghị viện châu Âu bật đèn xanh cho Đạo luật AI của EU, một quy định đầu tiên có ảnh hưởng sâu rộng về trí tuệ nhân tạo.

Pháp thường được coi là người đề xuất quy định chặt chẽ về công nghệ, nhưng nước này đã gặp vấn đề với các phần của Đạo luật AI của EU liên quan đến AI tổng quát. Pháp cho rằng đạo luật này là quá nghiêm ngặt.

Barrot, Bộ trưởng Kỹ thuật số của Pháp, cho biết: "Lo lắng của tôi trong vài tuần gần đây là Nghị viện EU có lập trường khá mạnh mẽ về các quy định liên quan đến AI".

Pháp mong muốn có một quy định toàn cầu về AI được thông qua bởi nhóm G7, cũng như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Pháp coi Mỹ vừa là đối thủ vừa là đồng minh. Các doanh nghiệp của Pháp và châu Âu sẽ cố gắng cạnh tranh với những gã khổng lồ của Mỹ như Microsoft và Google.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết: "Cạnh tranh luôn là điều tốt. Chúng tôi có mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ, nhưng chúng tôi cũng muốn tiếp cận với các công ty AI của riêng mình. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc có một sự cạnh tranh công bằng giữa Mỹ và châu Âu cũng như sự hợp tác trên một số thiết bị chính là tốt cho Mỹ và tốt cho châu Âu".

Tin bài liên quan