UBCK sẽ sớm có hướng xử lý vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành tăng vốn.

UBCK sẽ sớm có hướng xử lý vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành tăng vốn.

Phát hành tăng vốn: Đường nào cũng vướng

(ĐTCK) Hiện có khoảng 100 mã cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn HOSE và HASTC đang giao dịch dưới mệnh giá, trong số này không ít doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn để vượt qua giai đoạn "cấp cứu" hiện nay. Trong khi phát hành ra công chúng là phương án rất khó khăn, có doanh nghiệp đã chọn cách phát hành riêng lẻ và tìm được đối tác đàm phán, nhưng lại vướng quy định… không được bán giá thấp.

Năm 2008, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã hai lần điều chỉnh phương án tăng vốn lên 350 tỷ đồng bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu, nhưng đều không thành công. Đợt 1, chào bán cho cổ đông theo tỷ lệ 2:1 với giá 20.000 đồng/CP; đợt 2, điều chỉnh tỷ lệ phát hành 3:2 với giá 10.000 đồng/CP. Kết thúc đợt chào bán, TCM chỉ tăng vốn được từ 207 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng.

Ông Đinh Công Hùng, Tổng giám đốc TCM cho biết, một số dự án đã được Công ty triển khai đầu tư, nay doanh nghiệp phải cố gắng tăng vốn để cân đối dòng tiền, dù khó khăn cũng phải tìm cách thực hiện. Không chào bán được cho cổ đông hiện hữu, TCM đã tìm được một số đối tác sẵn sàng rót vốn vào Công ty và đang trong quá trình đàm phán.

Hiện thị giá của TCM chỉ vỏn vẹn 6.700 đồng/CP. Theo Luật Doanh nghiệp 2005, trường hợp ĐHCĐ uỷ quyền cho HĐQT quyết định thời điểm, phương thức và giá chào bán cổ phần trong số cổ phần được quyền chào bán, thì giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán hoặc giá trị được ghi trong sổ sách của cổ phần tại thời điểm gần nhất. Trường hợp của TCM, hiện trị giá sổ sách cao hơn giá thị trường, nếu đàm phán được giá bán cổ phần cho đối tác trên 6.700 đồng/CP (giả thiết hai bên đạt được thỏa thuận ở thời điểm hiện tại - PV) thì không có gì đáng nói. Trường hợp khó khăn hơn, đối tác chỉ chấp nhận rót vốn dưới thị giá (nếu không NĐT thà mua trên sàn) thì xử lý ra sao?

TCM đã có công văn gửi UBCK để được giải đáp trong tình huống trên. Ngoài TCM, theo một cán bộ UBCK, Tribeco và một số công ty khác cũng đề nghị được giải đáp trong tình huống tương tự. Theo một vị giám đốc DN niêm yết, công ty nào cũng muốn phát hành tăng vốn được giá cao, có thặng dư, nhưng điều kiện thị trường hiện quá khó khăn, trong khi nhu cầu tăng vốn là cấp thiết. Phát hành cổ phiếu với giá thấp, trước mắt cổ đông hiện hữu có thể thiệt thòi, nhưng doanh nghiệp có vốn có thể qua được giai đoạn khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất. "Trong những giải pháp xấu, buộc phải chọn giải pháp ít xấu nhất", vị giám đốc chia sẻ.

Lật lại Luật Doanh nghiệp, chỉ có Điều 87 quy định về chào bán và chuyển nhượng cổ phần trong CTCP, trong đó cũng chỉ quy định thẩm quyền của HĐQT (như trên), ngoại trừ một số trường hợp được đặc cách, như cổ phần chào bán lần đầu tiên cho những người chào bán cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ ở công ty; cổ phần chào bán cho người môi giới hoặc người bảo lãnh. Trong trường hợp này, số chiết khấu hoặc tỷ lệ chiết khấu cụ thể phải được sự chấp thuận của số cổ đông đại diện cho ít nhất 75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; các trường hợp khác và mức chiết khấu trong các trường hợp đó do điều lệ công ty quy định.

Trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn về vốn như hiện nay, đồng thời lại tìm được đối tác muốn đầu tư vào công ty, quan điểm của cơ quan quản lý là tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, UBCK cho biết, sẽ sớm có hướng xử lý cho những trường hợp trên. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp chỉ hạn chế giá phát hành khi HĐQT được ĐHCĐ uỷ quyền, vì thế những trường hợp chào bán cho đối tác với giá dưới thị giá và dưới giá trị sổ sách cần có nghị quyết của ĐHCĐ chấp thuận phương án chào bán với mức giá cụ thể. Để tránh trường hợp cổ phần bị bán quá rẻ, ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông hiện hữu, UBCK yêu cầu lãnh đạo công ty công bố rõ đối tác mua cổ phần để cổ đông giám sát tính minh bạch trong các thương vụ mua - bán.

Tăng vốn khi TTCK khó khăn là phương án "cực chẳng đã", song với nhiều doanh nghiệp, giải pháp này còn khả thi và đỡ sức ép hơn vay mượn ngoài thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp khi khó khăn là cần thiết, song với những trường hợp như vậy, điều quan trọng hơn cả là cơ quan quản lý cần có những cơ chế để việc tăng vốn được thực hiện một cách minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cổ đông nhỏ lẻ.