Nếu không đa dạng kỳ hạn trái phiếu, huy động vốn từ TPCP 2015 dự báo sẽ hụt 90.000 tỷ đồng so với kế hoạch

Nếu không đa dạng kỳ hạn trái phiếu, huy động vốn từ TPCP 2015 dự báo sẽ hụt 90.000 tỷ đồng so với kế hoạch

Phát hành trái phiếu dưới 5 năm, chờ Quốc hội “bấm nút”

(ĐTCK) Thay vì từ năm 2015 chỉ phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn từ 5 năm trở lên theo Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội, Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP theo hướng phát hành một tỷ lệ hợp lý các loại trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm.

Nguy cơ hụt huy động 90.000 tỷ đồng

Trong khuôn khổ phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, trên cơ sở đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất nhiều giải pháp mới.

Đánh giá của Chính phủ cho thấy, 9 tháng đầu năm 2015, việc huy động vốn TPCP kỳ hạn dài đã tạo điều kiện cho ngân sách nhà nước (NSNN) cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng nâng dần kỳ hạn nợ, giảm gánh nặng trả nợ trong ngắn hạn. Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân đã tăng từ 4,84 năm trong năm 2014 lên 8,85 năm trong 9 tháng đầu năm 2015... Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển của thị trường TPCP và công tác huy động vốn cho NSNN.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2015, khối lượng phát hành TPCP mới đạt 127.473 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch và bằng 60,6% so với cùng kỳ năm 2014. Ước tính, nếu không được phát hành đa dạng các kỳ hạn TPCP (các loại trái phiếu có kỳ hạn dưới 5 năm -  PV), thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng, hụt 90.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

Một tác động tiêu cực nữa là năm 2015, trước tình hình thị trường tài chính trong nước và thế giới có nhiều biến động bất lợi, Bộ Tài chính đã phải tăng lãi suất phát hành TPCP để đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho NSNN. Lãi suất phát hành TPCP kỳ hạn 5 năm đã tăng từ 5,4%/năm vào cuối tháng 5/2015 lên 6,6%/năm vào cuối tháng 9/2015.

Dẫu vậy, vẫn có nhiều phiên phát hành TPCP không thành công hoặc khối lượng phát hành đạt thấp. Lãi suất TPCP tăng không những làm tăng chi phí huy động vốn của NSNN, mà còn ảnh hưởng tới lãi suất trên thị trường tiền tệ và thị trường tài chính, đồng thời tác động đến tâm lý NĐT do sự biến động của thị trường.

Do thị trường TPCP đóng vai trò là thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, nên việc không phát hành TPCP kỳ hạn ngắn dẫn đến không có lãi suất chuẩn cho các trái phiếu kỳ hạn ngắn trên thị trường, làm ảnh hưởng đến lãi suất trên thị trường tiền tệ và thị trường tài chính. Việc không phát hành TPCP kỳ hạn ngắn dẫn đến khó khăn trong triển khai các sản phẩm trái phiếu mới như trái phiếu lãi suất thả nổi..., do không có lãi suất tham chiếu trên thị trường.

Trong khi đây là lần đầu tiên Chính phủ báo cáo Quốc hội về những khó khăn do triển khai Nghị quyết 78/2014 của Quốc hội, thì ngay từ đầu năm 2015 đến nay, các thành viên thị trường đã thường xuyên phản ánh về hai khó khăn lớn là: khó huy động vốn cho NSNN, làm khó cho sự phát triển của thị trường trái phiếu. Cụ thể, theo phản ánh của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, việc chỉ phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên làm gia tăng rủi ro thanh khoản cho các NĐT, sản phẩm trên thị trường TPCP không đa dạng, tạo thách thức cho hoạt động huy động vốn của NSNN... 

Chờ Quốc hội quyết

Để khắc phục bất cập trên, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép phát hành TPCP với tất cả các kỳ hạn theo quy định tại Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn. Trên cơ sở chủ trương được Quốc hội phê duyệt, trong điều hành, Chính phủ sẽ tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, dự kiến vào khoảng 60 - 70% tổng khối lượng phát hành tùy tình hình thị trường.

Theo đó, Chính phủ dự kiến kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP là 5,5 năm trong giai đoạn 2016 – 2020... Đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng ý với đề xuất này của Chính phủ, nhưng đề nghị việc phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn chỉ nên ở mức độ hợp lý và áp dụng trong khoảng thời gian nhất định.

Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu quốc tế, với khối lượng khoảng 3 tỷ USD để tái cơ cấu khoản nợ TPCP trong nước giai đoạn 2015 - 2016…

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội yêu cầu phát hành trái phiếu dài hạn để giảm áp lực trả nợ, nhưng hiện việc phát hành trái phiếu dài hạn trên 5 năm khó khăn, nên Chính phủ đề xuất phát hành TPCP loại kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên, ngắn cũng phải 3 năm chứ không thể 1 năm.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ hoàn thiện hai kiến nghị lớn trên, để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10 dự kiến sẽ khai mạc vào tuần tới, để có thể triển khai phát hành TPCP dưới 5 năm từ tháng 11/2015 như mong muốn của Chính phủ.            

Tin bài liên quan