Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn: Nhân lực phải tăng cả chất và lượng

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển và tạo đột phá cho ngành công nghiệp bán dẫn, nhưng trước tiên, nguồn nhân lực cho ngành này cần phải tăng cả chất và lượng.

Nhân lực chất lượng cao thiếu trầm trọng

Sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden với nhiều cam kết và hành động thực tế, Việt Nam kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn lên một tầm cao mới, thay vì gia công như hiện tại. Để có sự chuyển biến về chất và tạo đột phá cho ngành này, thì nguồn nhân lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Số liệu từ Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia cho thấy, Việt Nam hiện có 5.575 kỹ sư thiết kế chip. Nhân lực ngành vi mạch tập trung chủ yếu ở TP.HCM (trên 85%) và một phần ở Hà Nội (khoảng 8%), Đà Nẵng (khoảng 7%). Hiện một số trường đại học đã đào tạo về công nghệ bán dẫn như Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường đại học Công nghệ thông tin và Trường đại học Bách khoa TP.HCM (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM).

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghiệp số của Việt Nam khoảng 150.000 kỹ sư/năm, nhưng hiện mới đáp ứng được 40 - 50%. Trong đó, riêng nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Định hướng chủ yếu là phát triển công nghiệp bán dẫn trong một hệ sinh thái, kết hợp thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành bán dẫn, ưu tiên thu hút các công đoạn có giá trị gia tăng cao và Việt Nam có thể tự lực ở một số công đoạn trong chuỗi công nghiệp bán dẫn (như thiết kế, kiểm thử, đóng gói); kết hợp phát triển bán dẫn, vi mạch và phát triển thiết bị điện tử…

Báo cáo của Công ty Technavio chỉ ra rằng, thị trường bán dẫn Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, với tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng là nguyên nhân trực tiếp giúp các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian qua. Tuy nhiên, ngành này đang thiếu nhân lực chất lượng cao trầm trọng.

PGS-TS. Nguyễn Văn Quy (Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu) cho biết, các báo cáo từ quốc tế đều cho thấy, Việt Nam đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong việc thiết kế, sản xuất chip, vi mạch. Khi khảo sát nhu cầu từ hơn 30 doanh nghiệp để xây dựng chương trình ngành kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano, nhiều công ty lớn như Samsung, LG chia sẻ, mỗi năm, họ sẵn sàng tuyển dụng hàng trăm nhân sự vào vị trí kỹ sư thiết kế, chế tạo, sản xuất chip và linh kiện điện tử.

Rõ ràng, vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là thiếu nguồn nhân lực bán dẫn. Trong đó, rõ nhất là nguy cơ thiếu nguồn kỹ sư phần mềm chip được đào tạo bài bản, đảm bảo vững chắc cho kế hoạch xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất của các “ông lớn” tại Việt Nam. Nếu không khẩn trương có giải pháp, nhân lực ngành bán dẫn sẽ lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”, không theo kịp sự phát triển của ngành.

Làm gì để tăng chất, tăng lượng nhân lực bán dẫn?

Để giải quyết vấn đề vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài, giải pháp hàng đầu hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT đề xuất Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý và cam kết đầu tư đào tạo 30.000 - 50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành. FPT mong muốn, Trường đại học FPT nhận được đầu tư để đào tạo kỹ sư chuyên về thiết kế chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm nâng cao năng lực của lực lượng lao động trong các lĩnh vực quan trọng này.

Nhấn mạnh vai trò của kỹ sư thiết kế trong ngành sản xuất chip, ông Nguyễn Thanh Yên, Quản trị Cộng đồng vi mạch Việt Nam khẳng định, nếu Việt Nam tập trung phát triển mạnh đội ngũ kỹ sư thiết kế, thì chắc chắn sẽ thu “trái ngọt” trong 5 - 10 năm tới.

Theo đề xuất của ông Yên, Nhà nước cần tập trung tối đa nguồn lực đầu tư công cho đào tạo. Ví dụ, các nguồn lực đầu tư của Nhà nước sẽ trực tiếp đưa về các cơ sở đào tạo dưới những hình thức như giảm học phí cho sinh viên đăng ký học các học phần liên quan đến vi mạch, tăng phụ cấp cho thầy, cô giáo đào tạo các môn học thiết kế chip… Hiệu quả đầu tư sẽ được đo bằng số doanh nghiệp vi mạch mới thành lập hàng năm và số sinh viên được đào tạo chuyên ngành về vi mạch ra trường có việc làm hàng năm.

Đóng góp giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM đề xuất tăng cường đầu tư cho đào tạo, khoa học - công nghệ và thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại các nước tiên tiến, đặc biệt là tại Thung lũng Silicon, trở về nước tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.

Ngoài việc mở rộng quy mô và mở mới các chuyên ngành đào tạo về điện tử, vi mạch tại các trường đại học kỹ thuật lớn, cần hướng đến việc mở mới các trường đại học, học viện chuyên sâu về điện tử, vi mạch để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh các ngành này. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, cần thiết phải quan tâm, đầu tư đồng thời cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp các viện nghiên cứu chuyên ngành điện tử, vi mạch trực thuộc các bộ chuyên ngành nhằm góp phần nâng cấp năng lực công nghệ của Việt Nam.

“Song song với việc phát triển nguồn nhân lực trong nước, cần thí điểm các cơ chế, chính sách đột phá trên cơ sở kết hợp đồng thời việc phát huy tinh thần dân tộc, khát vọng cống hiến và đảm bảo các quyền lợi tương xứng về vật chất để thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tại các nước phát triển trở về nước, giúp chuyển giao tri thức vào trong nước. Qua đó, giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao năng lực công nghệ và cho phép Việt Nam có thể đi thẳng, đi nhanh vào các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn”, ông Nguyễn Anh Thi kiến nghị.

Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Trong đó, dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Tin bài liên quan