Động lực kéo VN-Index vượt 1.300 điểm thời gian qua được đánh giá ở nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Động lực kéo VN-Index vượt 1.300 điểm thời gian qua được đánh giá ở nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Phía sau các cuộc phát hành tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Câu chuyện tăng vốn hậu đại hội cổ đông 2021 đang trở thành yếu tố ảnh hưởng đáng kể tới thị giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp.

Kéo đẩy thị giá cổ phiếu

Tuần qua, game tăng vốn, chuyển sàn vẫn được coi là cú huých lớn cho việc kéo giá ở nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Nhiều nhà đầu tư quyết định mua cổ phiếu ABB của ABBank ở vùng giá 18.000 đồng/cổ phiếu với thông tin ngân hàng này chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%, tăng vốn 20% với giá bán 11.500 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt ở thời điểm trước đây 1 tuần vẫn trong vùng giá 18.000 - 19.000 đồng/cổ phiếu, đến cuối tuần qua đã tăng vọt lên 23.000 đồng/cổ phiếu, khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng.

Lý do đua lệnh giá trần bất chấp các chỉ số tài chính của cổ phiếu này “gây thất vọng” được một số nhà đầu tư chia sẻ là BVB sẽ tăng vốn, chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên HOSE.

Cổ phiếu VPB của VPBank cũng được nhà đầu tư “rỉ tai” nhau mức giá mục tiêu 80.000 đồng/cổ phiếu, với tin đồn SMBC (Nhật Bản) thoái vốn tại Eximbank sẽ quay sang mua cổ phiếu VPBank phát hành thêm.

Tuần trước, khi có thông tin được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ, cổ phiếu CTG của VietinBank tăng thêm 6%.

Không chỉ có nhóm cổ phiếu ngân hàng “đánh sóng mạnh” với các phương án tăng vốn, phát hành thêm, bán cổ phần cho đối tác ngoại, ở nhiều doanh nghiệp khác, thị giá cổ phiếu cũng bứt phá ngay sau khi thông tin về phương án phát hành thêm được công bố như trường trường hợp cổ phiếu DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng.

DIG công bố phát hành 75 triệu cổ phần riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn thị giá cổ phiếu trên sàn là 28.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đó.

Giá cổ phiếu DIG đã vọt khỏi ngưỡng cản 30.500 đồng/cổ phiếu và bùng nổ về khối lượng khớp lệnh để hướng tới vùng giá mới trên 33.000 đồng/cổ phiếu theo nhận định của nhiều nhà đầu tư. Dù tên tuổi các nhà đầu tư mua cổ phần phát hành thêm được công bố gồm 4 lãnh đạo doanh nghiệp và một cổ đông lớn hiện hữu, không ít cổ đông của doanh nghiệp nhìn nhận, đây là điểm cộng cho triển vọng của DIG khi lãnh đạo và cổ đông lớn tăng tỷ lệ sở hữu, sẽ tâm huyết và đóng góp lớn hơn cho doanh nghiệp.

Đó chỉ là những câu chuyện riêng lẻ trên thị trường để thấy biến động thị giá cổ phiếu có liên quan lớn đến động thái các doanh nghiệp phát hành thêm tới đây.

Thúc đẩy sự vận động của dòng tiền

Động lực kéo thị trường vượt 1.300 điểm thời gian qua được đánh giá ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và sức nóng của nó có vẻ còn tiếp tục. Sau khi có nghị quyết đại hội đồng cổ đông và được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn, thời điểm ngân hàng tăng vốn nhiều khả năng sẽ rơi vào nửa cuối năm 2021.

Thống kê sơ bộ có khoảng 16 ngân niêm yết và đăng ký giao dịch đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Cụ thể, vốn điều lệ tại các ngân hàng này theo kế hoạch tăng 82,7 nghìn tỷ đồng, trong đó 61,8 nghìn tỷ đồng (75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu, 18,3 nghìn tỷ đồng (22%) từ phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu và 2,6 nghìn tỷ đồng (3%) thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình chọn lựa cho người lao động (ESOP).

Trên thực tế, từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước thắt chặt việc các ngân hàng trả cổ tức tiền mặt.

Thay vào đó, cơ quan này khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC. Ngoại lệ duy nhất trong việc việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Mặt khác, cổ tức cổ phiếu của các ngân hàng này trong năm 2021 được hỗ trở bởi Nghị định 121/2020/NĐ-CP, cho phép Chính phủ bơm vốn vào các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nhà nước trên 50%.

Như vậy, việc tăng vốn của các ngân hàng thực chất không khiến một lượng tiền lớn rút ra khỏi thị trường; trái lại, khi thị giá cổ phiếu được chia tách xuống mức dễ nhìn hơn, có thể thu hút thêm nhà đầu tư bỏ vốn vào kênh chứng khoán thông qua mua cổ phiếu ngân hàng, tạo lực đẩy cho một chu kỳ mới.

Câu chuyện tăng vốn của ngành chứng khoán cũng được bàn đến mỗi khi nhà đầu tư săm soi cổ phiếu.

Năm công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất đang lên kế hoạch tăng vốn, trong đó 6,4 nghìn tỷ đồng đến từ phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và/hoặc trái phiếu chuyển đổi và 813 tỷ đồng thông qua ESOP.

Điều này giúp các công ty chứng khoán mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt là hoạt động cho vay ký quỹ với giới hạn theo luật định là hai lần vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận của công ty chứng khoán do đó có thể gia tăng tích cực.

Một ngành khác được nhìn nhận sẽ sôi động hơn trong thời gian tới là bất động sản. Qua mùa đại hội cổ đông năm nay, dễ thấy các công ty bất động sản chú trọng phát hành tăng vốn chủ sở hữu hơn là phát hành trái phiếu.

Nếu như năm 2020, các công ty bất động sản huy động vốn qua kênh trái phiếu đạt 191 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm, thì từ đầu 2021 đến nay, giá trị phát hành mới của các công ty bất động sản đạt 53 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, đã có ít nhất gần chục công ty bất động sản lên kế hoạch tăng vốn năm 2021, với số tiền dự kiến ban đầu là 18,7 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ, phát hành quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi và 434 tỷ đồng thông qua cổ phiếu ESOP.

Điểm khác ở nhiều cuộc phát hành năm nay là mức độ cần vốn cấp thiết, đồng thời với những cơ hội tăng trưởng của doanh nghiệp phát hành khá cụ thể. Khi pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu của các doanh nghiệp, ít nhất là trong năm 2021.

Tin bài liên quan