Phiên giao dịch chiều 17/4: Mất phanh trong phiên đáo hạn phái sinh, VN-Index thủng mốc 1.200 điểm

Phiên giao dịch chiều 17/4: Mất phanh trong phiên đáo hạn phái sinh, VN-Index thủng mốc 1.200 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cầm cự khá tốt trong phiên sáng và 40 phút giao dịch đầu của phiên chiều, nhưng lực bán giá thấp ồ ạt được tung ra sau đó đã khiến thị trường rơi mạnh, VN-Index mất tiếp gần 23 điểm, xuyên thủng mốc 1.200 điểm.

Trong phiên giao dịch sáng, sau 2 phiên mất 60 điểm, thị trường đã nhúc nhắc hồi phục khi lực cung giá thấp dường như đã cạn kiệt. Tuy nhiên, lực cầu cũng đang yếu khi nhà đầu tư tỏ ra rất thận trọng trong bối cảnh hiện nay khiến VN-Index không thể duy trì đà tăng quá lâu, chỉ sau hơn 1 tiếng giao dịch, thị trường đã trở lại với sắc đỏ quen thuộc trong tuần này, nhưng mức giảm khi đóng cửa là không lớn.

Trong phiên giao dịch chiều, VN-Index cũng chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng 1.210 điểm khi cả bên bán và bên mua đều tỏ ra thận trọng, thăm dò nhau là chủ yếu. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 45 phút, bên nắm giữ một lần nữa là bên mất kiên nhẫn trước. Trước lực bán giá thấp ồ ạt được tung vào trong khoảng thời gian ngắn, trong khi lực cầu yếu khiến VN-Index rơi mạnh, dễ dàng xuyên thủng ngưỡng 1.200 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, ở ngay đường MA100, gần sát dải dưới bollinger. Thanh khoản sụt giảm mạnh so với 2 phiên trước đó khi bên mua không còn đủ dũng khí để bắt đáy.

Chốt phiên, VN-Index giảm 22,67 điểm (-1,86%), xuống 1.193,01 điểm với 137 mã tăng, trong khi có tới 348 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 859,3 triệu đơn vị, giá trị 19.106,4 tỷ đồng, giảm 36,6% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 93 triệu đơn vị, giá trị 2.081 tỷ đồng.

Dù số mã giảm chiếm thế áp đảo, nhưng số mã tăng trần lại có phần nhỉnh hơn số mã giảm sàn với 11 mã so với 3 mã sàn (không kể các mã chứng quyền). Trong các mã tăng trần hôm nay đáng chú ý có PSH khi lực cầu bắt đáy chảy mạnh sau 9 phiên giảm liên tiếp, trong đó có chuỗi 5 phiên giảm sàn liên tiếp. Lực cầu bắt đáy mạnh không chỉ hấp thụ hết lượng dư bán sàn luôn tồn tại trong 5 phiên gần nhất, mà còn hấp thụ hết lượng dư bán ở các mức giá, kéo PSH lên kịch trần 4.690 đồng với thanh khoản lên tới 20,08 triệu đơn vị, mức cao nhất từ trước tới nay, đồng thời còn dư mua trần hơn 1,1 triệu đơn vị.

Một cổ phiếu khác cũng gây chú ý là SMC với phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 11.400 đồng,bất chấp xu hướng giảm mạnh chung của toàn thị trường, thanh khoản cũng tăng mạnh với gần 3 triệu đơn vị và cũng còn dư mua giá trần.

Trong khi đó, QCG tiếp tục đi ngược xu hướng khi có phiên tăng thứ 4 liên tiếp bất chấp các phiên bán tháo của thị trường. Trong phiên hôm nay, QCG cũng leo lên mức kịch trần 16.700 đồng, khớp gần 1,4 triệu đơn vị.

Cổ phiếu này có chuỗi tăng ấn tượng kể từ giữa tháng 3, sau nhịp điều chỉnh nhẹ tuần đầu tháng 4, đã lấy lại đà tăng mạnh từ đầu tuần trước. So với mức giá ngày 14/3, cổ phiếu QCG đã có mức tăng tới 82% chỉ sau hơn 1 tháng.

Một mã đáng chú ý khác là QBS cũng ghi nhận phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp sau chuỗi giảm sàn liên tiếp từ đầu tháng 4 sau thông tin phải rời sàn HOSE.

Các mã còn lại tăng trần nhưng thanh khoản không lớn, chỉ có thêm OGC lên trần 6.000 đồng, thanh khoản hơn nửa triệu đơn vị và còn dư mua trần, còn lại thanh khoản rất thấp.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chỉ có 3 mã đóng cửa ở mức kịch sàn là DXV, DPG và FTS. Trong đó, DPG và FTS có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, xuống lần lượt 46.350 đồng và 53.100 đồng, riêng FTS không còn dư bán sàn.

Trong các nhóm ngành, nhóm ngân hàng chỉ có 3 sắc xanh tại LPB, OCB và SSB, trong đó OCB và SSB chỉ có sắc xanh nhạt, còn LPB tăng tốt 3,34% lên 20.100 đồng.

Ở chiều ngược lại, số giảm mạnh có khá nhiều mã với BID giảm 4,37% xuống 48.100 đồng; CTG giảm gần 4% xuống 32.700 đồng; các mã giảm hơn 3% có VPB, MBB, TPB và SHB; MSB giảm gần 3%, HDB giảm hơn 3%; các mã giảm hơn 1% có TCB, ACB, VIB, STB; còn lại VCB và EIB chỉ giảm nhẹ hơn 0,5%.

Trong khi đó, nhóm công ty chứng khoán toàn bộ giảm giá. Ngoài FTS giảm sàn, còn có BSI giảm 6,14% xuống 53.500 đồng, CTS giảm 5,79% xuống 37.450 đồng, VCI giảm 5,65% xuống 45.100 đồng, ORS giảm 5,02% xuống 14.200 đồng; có 3 mã giảm hơn 4% là AGR, HCM và VIX; VND cũng giảm 3,73% xuống 19.350 đồng, SSI giảm 2,27% xuống 34.400 đồng…

Nhóm bất động sản ngoài QCG tăng trần, có thêm TDH tăng tốt 6,23% lên 3.750 đồng, UDC tăng 3,12% lên 3.300 đồng, cùng 9 mã khác tăng nhẹ, 4 mã đứng tham chiếu, còn lại là giảm. Trong đó, FIR, DXG, CCL và NTL giảm từ hơn 5% tới gần 6%. NVL cũng giảm 4,44% xuống 15.050 đồng, DIG giảm 4,32% xuống 28.800 đồng, PDR giảm 3,95% xuống 28.000 đồng…

Nhóm thép ngoài hiện tượng SMC có thêm HMC tăng 1,28% lên 11.900 đồng, cùng TNI đứng giá, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, giảm mạnh nhất là HSG giảm 3,61% xuống 20.000 đồng, POM giảm 2,97% xuống 2.940 đồng, NKG giảm 2,75% xuống 23.000 đồng, HPG giảm 1,23% xuống 28.000 đồng…

Về thanh khoản, SHB là mã có thanh khoản tốt nhất với 32,44 triệu đơn vị, tiếp đến là VIX khớp 32,31 triệu đơn vị, NVL 30,71 triệu đơn vị, DIG 26,64 triệu đơn vị, MBB 23,98 triệu đơn vị, HAG 20,55 triệu đơn vị, cũng đóng cửa giảm mạnh 5,95% xuống 11.850 đồng.

Sàn HNX cũng chịu ảnh hưởng từ đợt bán tháo trên sàn HOSE, nhưng HNX-Index thoát mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,63 điểm (-1,15%), xuống 226,2 điểm với 73 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 86,7 triệu đơn vị, giá trị 1.701,4 tỷ đồng, giảm 37,4% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,7 triệu đơn vị, giá trị 136,2 tỷ đồng.

Top 5 mã có thanh khoản tốt nhất HNX hôm nay đều đóng cửa giảm, trong đó SHS giảm 3,63% xuống 18.600 đồng, khớp 20,1 triệu đơn vị; CEO giảm 4,04% xuống 19.000 đồng, khớp 8 triệu đơn vị; PVS giảm 3,26% xuống 38.600 đồng, khớp 6,71 triệu đơn vị; MBS giảm 5,26% xuống 27.000 đồng, khớp 4,83 triệu đơn vị và HUT giảm nhẹ nhất 0,58% xuống 17.100 đồng, khớp 3,48 triệu đơn vị.

Thị trường UPCoM cũng có diễn biến tương tự 2 sàn niêm yết khi chỉ số chính của giảm trong nửa cuối phiên chiều, nhưng mức giảm khiêm tốn hơn rất nhiều 2 sàn niêm yết.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,48 điểm (-0,55%), xuống 88,15 điểm với 129 mã tăng và 128 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47 triệu đơn vị, giá trị 506,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,3 triệu đơn vị, giá trị 69,9 tỷ đồng.

Phiên hôm nay bất ngờ đến từ AAH khi có giao dịch sôi động, vượt qua BSR với thanh khoản vượt trội so với phần còn lại khi khớp tới 17,35 triệu đơn vị. Tuy nhiên, về giá thì là một ngày giao dịch đáng quên khi AAH bị đẩy xuống mức kịch sàn 3.700 đồng.

Trong khi đó, BSR hôm nay khớp 7,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,59% xuống 18.600 đồng. ABB khớp 1,7 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 7.800 đồng. 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu còn lại là AAS, VGI, DDV và VAB lại đều đóng cửa tăng giá.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh tháng 4 và hợp đồng đáo hạn hôm nay giảm nhẹ hơn thị trường cơ sở và 2 hợp đồng đáo hạn kế tiếp. Cụ thể, VN30 giảm 21,96 điểm (-1,78%), xuống 1.210,74 điểm, còn VN30F2024 giảm 15,4 điểm (-1,25%), xuống 1.214,6 điểm với 244.121 hợp đồng được chuyển nhượng, giá trị 28.857 tỷ đồng; khối lượng mở 30.219 hợp đồng.

Thị trường chứng quyền hôm nay có giao dịch khá sôi động với 12 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chủ yếu là do SSI phát hành. Ba mã có thanh khoản tốt nhất đều do SSI phát hành là CSTB2322 với 4,18 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 62,5% xuống 30 đồng; CVPB2309 khớp 3,56 triệu đơn vị, đóng cửa giảm kịch sàn 66,67% xuống 10 đồng; CHPG2331 khớp 3,09 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,46% xuống 620 đồng.

Thị trường trái phiếu riêng lẻ hôm nay có 6,09 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị 2.224,8 tỷ đồng, trong đó HQN12102 của Hưng Thịnh Quy Nhơn có giao dịch lớn nhất với 1,32 triệu đơn vị, giá trị 132,7 tỷ đồng. Về giá trị thì các trái phiếu ngân hàng của HDB, ABB, VIB có giá trị lớn nhất trên dưới 300 tỷ đồng, nhưng khối lượng giao dịch chỉ dưới 400 đơn vị mỗi mã.

Tin bài liên quan