Phiên giao dịch chứng khoán chiều 20/4: Lực cầu biến mất, thị trường lại rơi sâu

Phiên giao dịch chứng khoán chiều 20/4: Lực cầu biến mất, thị trường lại rơi sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái ngược với phiên sáng, lực cầu gần như biến mất trong phiên chiều, trong khi lực cung giá thấp luôn có khiến VN-Index có thêm phiên giảm sâu, về thử thách vùng hỗ trợ mạnh 1.380 điểm.

Trong phiên sáng, lực cầu bắt đáy khi VN-Index về vùng 1.390 điểm giúp thị trường hồi phục trở lại. Dù đà hồi phục này chủ yếu là nhờ nhóm cổ phiếu VN30, nhưng việc khối lượng giao dịch tăng mạnh hơn rất nhiều so với giá trị giao dịch cho thấy dòng tiền bắt đáy ở các mã vừa và nhỏ đã nhập cuộc.

Điều này cũng được thể hiện rõ trên bảng điện tử khi nhiều mã thị trường như HQC, JVC, DRH, SJF, CII, FIT, HBC, ASM… đã thoát khỏi mức sàn.

Diễn biến trong phiên sáng tạo kỳ vọng về việc thị trường đã tạo đáy và sẽ bứt lên trong phiên chiều. Tuy nhiên, diễn biến của phiên chiều lại mang đến nỗi thất vọng cho nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong phiên sáng.

Dòng tiền bắt đáy của phiên sáng bất ngờ biến mất một cách đột ngột trong phiên chiều, trong khi lực bán lại không hề thuyên giảm, khiến số mã giảm tăng lên như đầu phiên sáng, trong đó số mã giảm sàn tăng lên một cách đột biến, gấp hơn 4 lần so với phiên sáng, tương đương với phiên hôm qua với 99 mã đóng cửa giảm kịch biên độ.

Nhóm VN30, dù VIC, VCB, MSN, PLX và một số mã ngân hàng khác vẫn giữ được nhịp tăng, đặc biệt là MSN, nhưng nhiều mã khác quay đầu giảm khi sắc đỏ từ 3 mã phiên sáng thành 17 mã phiên chiều, trong đó GVR còn giảm kịch sàn. Trong khi có 15 mã chuyển màu từ xanh sang đỏ, khiến số mã tăng giảm từ 24 mã, đóng cửa phiên chiều chỉ còn 9 mã.

Thiếu đi sự hỗ trợ của nhóm VN30, trong khi lực cầu biến mất và lực cung luôn túc trực khiến VN-Index thêm phiên giảm sâu và về vùng 1.380 điểm. Nếu vùng hỗ trợ này không thể đứng vững, vùng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index sẽ là 1.300 - 1.320 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 76 mã tăng và 381 mã giảm (99 mã giảm sàn), chỉ số VN-Index giảm 21,73 điểm (-1,55%), xuống 1.384,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 688,3 triệu đơn vị, giá trị 20.512,2 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 35,5 triệu đơn vị, giá trị 1.100 tỷ đồng.

Nhóm VN30 dù có 9 mã tăng, nhưng phần lớn chỉ nhích nhẹ đã không bù đắp được cho đà suy giảm mạnh ở các mã còn lại.

Điển hình như GVR giảm sàn -7% xuống 32.500 đồng, GAS -6,4% xuống 106.600 đồng; POW -3,3% xuống 13.050 đồng, VHM -3% xuống 66.800 đồng, BVH -2,6% xuống 64.000 đồng, các cổ phiếu khác như TCB -1,5%, VPB -1,7%, TPB -1,9%, còn lại HPG, CTG, VRE, VJC, VNM may mắn chỉ giảm nhẹ.

Trong khi ở chiều ngược lại, MSN là cổ phiếu tăng tốt nhất +3,2% lên 124.300 đồng, SAB +1,8% lên 172.000 đồng, PDR +1%, VCB +0,9%, ACB +0,8%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, diễn biến tương tự phiên hôm qua, khi lực bán ồ ạt đã khiến nhiều mã như GEX, HAG, HQC, HNG, ASM, CII, LPB, SHB, HBC, PVD, APH, VCG, FIT, LCG, FLC, ROS, DPR, CKG…đều giảm về mức giá sàn, và gần như tất cả đều trắng bên mua.

Trong đó, GEX và HNG phiên này dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 23,6 triệu và 22,45 triệu đơn vị khớp lệnh. Còn hai cổ phiếu FLC và ROS vẫn có lượng dư bán giá sàn cao nhất với 14,78 triệu và 13,48 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác với mức giảm sâu như DXG -6,4% ITA -6,4%, BCG -5,9%, LDG -6,7%, CMX -5,3%, TTF -5,6%, PVT -6,5%...ngay cả cặp đôi ngành phân bón, vốn có hiệu suất tốt nhất gần đây cũng giảm mạnh, với DCM -6,7% xuống 41.500 đồng và DPM -6,8% xuống 7.000 đồng.

Sắc đỏ cũng lan rộng đến HSG, TCH, IDI, DIG, KBC, AAA, VIX GMC, VCI, HHS…với mức giảm đa số trên 3%.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu ngành thủy sản là ANV và ACL khởi sắc nhất khi duy trì sắc tím tại 48.750 đồng và 31.000 đồng, cổ phiếu cùng ngành là VHC +4,3% lên 106.400 đồng, AAM +4,8% lên 17.350 đồng.

Trên sàn HNX, lực bán cũng đã được tung ra ồ ạt và đặc biệt sau thời điểm 14h khiến HNX-Index lao dốc không phanh về mức thấp nhất ngày khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 195 mã giảm (46 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 12,65 điểm (-3,22%), xuống 380,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 87,8 triệu đơn vị, giá trị 1.971,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,1 triệu đơn vị, giá trị 360 tỷ đồng.

Bảng điện tử la liệt cổ phiếu nằm sàn, có thể kể đến những cái tên như KLF, TVC, ART, IDJ, BII, APS, DL1, LIG, PVC, KVC, OCH, VIG, DVG PVG, tất cả đều nằm trong top các mã thanh khoản cao nhất sàn, với khối lượng khớp lệnh từ 0,83 triệu đến 5,53 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu còn lại quen thuộc cũng giảm sâu như PVS -9% xuống 27.300 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 7,52 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như IPA -9,5% xuống 39.200 đồng, TAR -9,4% xuống 25.900 đồng, CEO -8,2% xuống 47.000 đồng, HUT -6,4% xuống 24.800 đồng, LAS -5,5% xuống 19.000 đồng, TNG -3,3%, IDC -2,3%, SHS -1,4%.

Sắc xanh le lói tại MBG +3,8% lên 11.000 đồng và cổ phiếu lớn NVB +5,3% lên 39.700 đồng.

Trên UpCoM, lực bán tháo cũng đã xuất hiện ngay khi giao dịch trở lại khiến UpCoM-Index lùi dần và chỉ nhích lên đôi chút so với mức đáy trong ngày ở những phút cuối.

Đóng cửa, với 77 mã tăng và 255 mã giảm (20 mã giảm sàn), UpCoM-Index giảm 1,92 điểm (-1,77%), xuống 106,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,1 triệu đơn vị, giá trị 1.195,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,28 triệu đơn vị, giá trị 75,4 tỷ đồng.

Gần 30 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thì ngoài PAS về được tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó, VHG, CDO và FPL giảm sàn.

Cổ phiếu BSR vươn lên thanh khoản cao nhất với 11,86 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 8,2% xuống 23.400 đồng.

Các cổ phiếu khác như SBS -13,4%, G36 -13,2%, CEN -12,8%, BOT -12,1%, DRI -10,2%, NED -8%, LTG -7,4%, VAB -7,1%...

Trên thị trường phái sinh, với VN30F2204 đáo hạn gần nhất giảm 14,1 điểm (-0,97%), xuống 1.440 điểm, khớp lệnh đạt hơn 225.300 đơn vị, khối lượng mở gần 38.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng nhuốm màu phần lớn, với CSTB2205 phiên này khớp lệnh cao nhất với 1,53 triệu đơn vị, giảm 5,4% xuống 350 đồng/cq.

Ngay phía sau là CSTB2110 với 1,19 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng tăng 100% lên 40 đồng/cq.

Tin bài liên quan