Phiên giao dịch sáng 29/9: Không thể chống đỡ

Phiên giao dịch sáng 29/9: Không thể chống đỡ

(ĐTCK) Áp lực bán dù không quá mạnh, nhưng do dòng tiền quá yếu ớt đã không thể chống đỡ, khiến thị trường tiếp tục giảm điểm trong phiên sáng nay.

Động thái hạ lãi suất đồng USD ngày hôm qua (28/9) cho thấy sự quyết tâm trong việc duy trì ổn định tỷ giá từ ít nhất là từ thời điểm hiện tại cho đến cuối năm nay của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, thị trường lại đón nhận thông tin này theo hình thái chẳng mấy tích cực. Tâm lý thận trọng vốn đã tồn tại trong suốt thời gian qua, nay lại càng được dịp phát huy. Vì vậy dòng tiền vào thị trường càng bị hạn chế khiến thanh khoản càng suy giảm.

Bên cạnh đó, việc khối ngoại liên tục bán ròng cũng tạo sức ép lớn lên thị trường. Điều này đã được chứng minh vào cuối phiên hôm qua khi khối này gia tăng sức ép, nhất là tại các mã lớn, khiến thị trường giảm khá sâu.

Tuy nhiên, đánh giá diễnbiến này, nhiều CTCK cho rằng, mặc dù VN-Index giảm khá mạnh nhưng chưa đủ tín hiệu để có thể phá vỡ xu thế đi ngang tích lũy được hình thành trong khoảng 3 tuần vừa qua.

“VN-Index tiếp tục thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 575 điểm tuần thứ ba liên tiếp. Điều này không quá ngạc nhiên khi chưa có nhiều tin tức hỗ trợ đủ mạnh để giúp thị trường leo lên các mốc điểm cao hơn. Mặc dù giảm điểm, VN-Index vẫn chưa phá vỡ vùng hỗ trợ 560 điểm, do đó chưa phá vỡ trạng thái tích lũy đi ngang được thiết lập hơn nửa tháng nay”, CTCK BSC đánh giá.

Quay trở lại phiên giao dịch sáng 29/9, không có gì lạ khi các chỉ số tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, áp lực bán mạnh khiến VN-Index giảm mạnh ngay từ đầu phiên.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 5,05 điểm (-0,89%) xuống 559,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 2,97triệu đơn vị, trị giá 49,51 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, đà giảm trên 2 chỉ đã được nới rộng thêm. Áp lực bán mạnh khiến nhóm VN30 không còn mã nào tăng, trong khi HNX30 chỉ còn BII tăng tối thiểu.

VNM giảm 2.000 đồng, MSN giảm 1.500 đồng, GAS giảm 600 đồng, VCB giảm 700 đồng, PVD giảm 400 đồng, NTP giảm 3.600 đồng, PLC giảm 300 đồng, ACB giảm 300 đồng....

Không chỉ nhóm cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đang chịu áp lực chung của thị trường nên đa phần là giảm điểm, nhưng mức giảm không mạnh. Thị trường giảm sâu, nhưng sức cầu vẫn rất thận trọng nên thanh khoản khá yếu.

FLC đang dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với 1,89 triệu đơn vị được khớp và giảm 100 đồng. Tương tự, KLF có thanh khoản mạnh nhất HNX với 0,65 triệu đơn vị được khớp và cũng đang giảm 1 bước giá.

Dần về cuối phiến, lực cầu không còn thận trọng như ở đầu phiên mà đã mạnh dạn hơn, tập trung tại các mã lớn có cơ bản tốt trong khi giá đã xuống thấp và mạnh nhất vẫn là ở nhóm cổ phiếu thị trường. Điều này, không chỉ giúp các mã này thu hẹp bớt đà giảm, qua đó giảm áp lực lên thị trường, mà còn khiến thanh khoản tăng đáng kể so với phiên trước. Mặc dù vậy, đây vẫn chỉ là mức thanh khoản rất thấp.

Kết thúc phiên sáng, với chỉ 39 mã tăng và 133 mã giảm, VN-Index giảm 3,61 điểm (-0,64%) xuống 561,27 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 3,01 điểm (-0,52%) xuống 579,41 điểm với 21 mã giảm và 2 mã tăng.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 51,86 triệu đơn vị, giá trị 881,43 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với hơn 6 triệu đơn vị giá trị 144 tỷ đồng, đáng chú ý có 3,5 triệu cổ phiếu HQC trị giá 18,9 tỷ đồng; 1 triệu cổ phiếu KDC trị giá 24,9 tỷ đồng; 0,4 triệu cổ phiếu HSG trị giá 16 tỷ đồng và 1 triệu trái phiếu BID1_106 trị giá 82 tỷ đồng.

Tương tự, với 42 mã tăng và 113 mã giảm, HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,85%) xuống 77,49 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 1,64 điểm (-1,13%) xuống 143,23 điểm với 2 mã tăng và 22 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,166 triệu đơn vị, giá trị 211,1 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,756 triệu đơn vị, giá trị 24,47 tỷ đồng.

Dù các mã lớn đã thu hẹp bớt đà giảm, nhưng độ rộng thị trường phiên sáng nay vẫn co lại rất hẹp khi số mã giảm gấp khoảng 4 lần số mã tăng.

Nhóm VN30 có HSG đã tăng nhẹ trở. MSN và VNM chỉ còn giảm 1.000 đồng. SSI giảm 300 đồng và khớp 2,7 triệu đơn vị. PVD cũng chỉ còn giảm tối thiểu, PVT về đến tham chiếu, trong khi GAS vẫn giảm 600 đồng.

Nhóm ngân hàng thu hẹp mạnh đà giảm, góp phần đáng kể giúp VN-Index hãm bớt đà rơi. Ngoài STB tăng trở lại, VCB cũng chỉ còn giảm 100 đồng, trong khi BID, MBB, EIB về tham chiếu. CTG vẫn giảm 300 đồng và khớp 1,7 triệu đơn vị. MBB cũng khớp 1,06 triệu đơn vị.

Trong khi đó, dòng tiền vẫn được duy trì tốt ớ nhóm cổ phiếu thị trường như FLC, ITA, DLG, FIT, HAI, GTN.... giúp các mã này cải thiện khá về điểm số.

FLC dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với 4,5 triệu đơn vị và về mốc tham chiếu 6.500 đồng/CP. Tương tự là DLG và khớp được 2,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, ngoại trừ NTP vẫn giảm 3.600 đồng, PVB giảm 400 đồng và PLC giảm 500 đồng, các mã giảm cũng chỉ ở mức 1-2 bước giá. ACB đã về được mốc tham chiếu 19.300 đồng.

HNX vẫn giữ mức thanh khoản èo uột, cả sàn cũng chỉ có 2 mã khớp trên 1 triệu đơn vị là VND và KLF, trong đó dẫn đầu là VND với 1,94 triệu đơn vị. Cả 2 mã này cũng đều giảm điểm nhẹ.

Tin bài liên quan