Phiên sáng 23/1: Sắp lên đỉnh, VN-Index bị đẩy lùi trở lại

Phiên sáng 23/1: Sắp lên đỉnh, VN-Index bị đẩy lùi trở lại

(ĐTCK) Với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index đã leo lên sát mức đỉnh cũ 690 điểm. Tuy nhiên, ngay khi sắp chạm đỉnh, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại.

Tuần qua, tâm lý nghỉ Tết Nguyên đán tiếp tục chi phối dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. Diễn biến này đã duy trì trong khoảng 1 tháng qua và càng gần đến đến ngày lễ, dòng tiền càng được rút dần để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết, do vậy thị trường giao dịch khá ảm đạm. Mặc dù vậy, so với tuần trước đó, VN-Index vẫn tăng điểm, với động lực chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số mã vốn hóa lớn.

Trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch với chỉ 3 phiên giao dịch, trạng thái giao dịch trầm lắng có lẽ sẽ vẫn được duy trì, cùng với đó là kỳ vọng khả năng VN-Index có thể vượt qua mốc đỉnh của năm 2016 là 690 điểm.

Kỳ vọng này đang khá “sáng” khi nhóm cổ phiếu tạo lực đỡ chính cho VN-Index là ngân hàng và vốn hóa lớn đang có được đà tăng khá tích cực.

Các mã ngân hàng trên HOSE gồm VCB, CTG, BID, MBB, STB đều có được sắc xanh. Với nhóm vốn hóa lớn, các mã VNM, ROS, BVH, HPG cũng đang tăng điểm, trong đó VNM khá nổi trội kể từ khi được khối ngoại mua ròng trở lại ở tuần giao dịch vừa qua hiện đang tăng 2.000 đồng lên 129.000 đồng/CP. Ngược lại, các mã GAS, SAB, VIC… đang là lực cản của chỉ số.

BID khớp được hơn 1,3 triệu đơn vị và năm trong số ít mã có thanh khoản tốt nhất thị trường.

HQC đang là điểm sáng nhất thị trường khi tăng kịch trần từ sớm, đạt mức giá 2.010 đồng/CP, khớp lệnh hơn 1,6 triệu đơn vị và vẫn còn dư mua trần hơn 4,67 triệu đơn vị. Phiên tăng trần này có lẽ xuất phát từ thông tin đăng ký mua vào 50 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Hoàng Quân, tổ chức có liên quan đến Chủ tịch HQC Trương Anh Tuấn. Trước đó, cổ phiếu HQC đã trượt dốc không phanh kể từ tháng 11/2016, khiến giá cổ phiếu giảm từ mức gần 6.000 đồng/CP về dưới mức 2.000 đồng/CP như hiện nay.

Ngoài BID và HQC, HAG và DXG cũng đang khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.

Trái với HOSE, HNX giảm điểm ngay khi mở cửa. Áp lực là không mạnh, song do ảnh hưởng của các mã lớn như ACB, NTP hay PVC, DBC, HUT… đang giảm điểm, cùng với đó là sức cầu vô cùng yếu.

Dần về cuối phiên, áp lực bán đã gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechips, tuy nhiên, với sự ổn định của các mã ngân hàng, VN-Index vẫn giữ được sắc xanh nhẹ. Trong khi đó, HNX tiếp tục giảm điểm khi sức cầu không có sự cải thiện.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 23/1, với 114 mã tăng và 111 mã giảm, VN-Index tăng 1,09 điểm (+0,16%) lên 687,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,13 triệu đơn vị, giá trị 1.024,7 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,92 triệu đơn vị, giá trị 107,4 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 2,254 triệu cổ phiếu ITA ở mức giá trần, giá trị 9,4 tỷ đồng.

Ngược lại, với 57 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,45%) về 82,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,22 triệu đơn vị, giá trị 102,2 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 6 tỷ đồng chủ yếu đến từ thỏa thuận của 1,11 triệu cổ phiếu SHB, giá trị 5,22 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là lực đỡ chính của VN-Index. Ngoại trừ MBB quay đầu giảm điểm, các mã BID, CTG, VCB, STB vẫn tăng điểm. BID và CTG đều có giao dịch mạnh, khớp lệnh lần lượt hơn 2 triệu và 1 triệu đơn vị.

ROS cũng có thanh khoản cao với 1,3 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 900 đồng lên 127.400 đồng/CP.

Trong khi đó, các mã VIC, BVH, MSN, SSI, SAB… đồng loạt giảm điểm, qua đó níu chân chỉ số. SSI khớp lệnh 1,1 triệu đơn vị.

nhóm cổ phiếu thị trường, HAG vươn lên dẫn đầu thanh khoản với 2,4 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, dòng tiền tiếp tục phân hóa và chỉ tập trung tại số ít mã khác như HNG, FLC, HQC, DXG, OGC.

DXG khớp lệnh chỉ sau HAG với 2,1 triệu đơn vị được khớp và tăng khá tốt lên 13.050 đồng/CP. DXG mới công bố kết quả kinh doanh 2016 khả quan với lợi nhuận ròng là 537 tỷ đồng, EPS đạt 3.964 đồng/CP.

HQC giữ vững sắc tím, song thanh khoản không thể cải thiện nhiều do cung đã cạn. Kết phiên khớp 1,66 triệu đơn vị và dư mua trần 4,66 triệu đơn vị.

Trái ngược hoàn toàn, hai mã CDO và ATG vẫn chìm trong chuỗi ngày đen tối với phiên giảm sàn thứ 34 và 27 liên tiếp, lượng dư bán sàn lớn, lần lượt là 5,059 triệu và 2,098 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, KLF là mã duy nhất có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị (1,228 triệu) và tăng mạnh 5% lên 2.100 đồng/CP.

Trong khi đó các mã lớn như ACB, HUT, LAS, CEO, DBC, PVS, PVC… vẫn chìm trong sắc đỏ, nên HNX-Index nới rộng hơn đà giảm.

Tin bài liên quan