Phiên sáng 28/2: Thị trường giảm sâu, nhà đầu tư tranh thủ bắt đáy

Phiên sáng 28/2: Thị trường giảm sâu, nhà đầu tư tranh thủ bắt đáy

(ĐTCK) Ảnh hưởng từ đà bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới do lo ngại virus Covid-19, chứng khoán Việt Nam cũng giảm sâu trong phiên giao dịch sáng nay (28/2). Tuy nhiên, tận dụng nhịp giảm mạnh này, lực cầu bắt đáy đã tranh thu nhập cuộc, giúp thanh khoản thị trường cải thiện và chặn đà lao dốc của thị trường.

Đại dịch covid-19 tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam cũng không ngoại trừ. Hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng và đã lan rộng sang cả thị trường chứng khoán. Chứng khoán Việt đã đón chuỗi ngày dài giảm sâu sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay.

Tính tính từ thời điểm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu (PHEIC) về đại dịch covid-19 vào ngày 31/01/2020 đến nay, với 19 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã để mất gần 40 điểm, tương ứng giảm hơn 4% và rơi xuống dưới mốc 890 điểm khi kết phiên hôm qua (27/2). Trong đó, có nhiều phiên giảm hơn 10 điểm, đáng kể phiên 24/2, chỉ số này đã cắm đầu đi xuống khi giảm gần 30 điểm.

Bên cạnh áp lực bán trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng là nhân tố tác động tiêu cực tới thị trường khi liên tiếp duy trì trạng thái bán ròng hàng trăm tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, khối ngoại đã bán ròng tới gần 2.730 tỷ đồng, trong đó danh mục bán ra vẫn tập trung chủ yếu là các mã bluechip.

Theo đánh giá của giới phân tích, hoạt động bán ròng của khối vẫn đang tiếp diễn sẽ tạo ra lực cản đáng kể đối với nỗ lực hồi phục của thị trường. Ngoài ra, thị trường có thể sẽ bị biến động mạnh trong phiên cuối tuần 29/2, khi hoạt động tái cơ cấu của các quỹ tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market diễn ra.

MBS đã đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư chưa vội bắt đáy, trong trường hợp vùng đáy kể từ đầu năm không giữ được, vùng hỗ trợ mới có thể ở khu vực 860 điểm (tương ứng với mức đầu năm 2019).

Bước vào phiên sáng cuối tuần và cũng là phiên cuối cùng của tháng 2, thị trường vẫn chưa tìm thấy điểm sáng khi áp lực bán trên diện rộng với sức ép khá lớn đến từ nhóm bluechip khiến VN-Index tiếp tục bị đẩy xuống sát mốc 880 điểm.

Trong khi lực bán lan rộng thì dòng tiền tham gia khá nhỏ giọt. Sau khoảng 45 phút giao dịch, trên sàn HOSE, tổng giá trị giao dịch chưa tới 1.000 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm tỷ trọng 43% nhờ thỏa thuận lớn từ VNM đóng góp 315 tỷ đồng.

Đợt khớp lệnh liên tục bớt tiêu cực hơn khi một số mã trên thị trường đã đảo chiều hồi phục thành công dù biên độ tăng còn khá thận trọng. Nhóm VN30 cũng có điểm le lói sáng khi một số mã đã ngấp ngé mốc tham chiếu, đáng kể là PLX khởi sắc trở lại và tăng gần 2%, hỗ trợ giúp VN-Index thu hẹp biên độ.

Một trong những điểm sáng của thị trường là YEG, tiếp tục đi ngược xu hướng chung. Trong khi các chỉ số vẫn đỏ lửa thì YEG vẫn duy trì đà tăng trần trong phiên sáng nay. Hiện YEG tạm đứng tại mức giá 60.200 đồng/CP, tăng tới hơn 62,7% so với thời điểm kết phiên 31/1/2020.

Ngoài ra, một số mã vừa và nhỏ như DRH, QCG, CLG cũng tạo thêm niềm vui nhỏ cho thị trường khi tiếp tục duy trì sắc tím.

Áp lực bán tiếp tục dâng cao trong nửa cuối phiên sáng khiến thị trường càng lùi sâu hơn và chỉ số VN-Index đã may mắn giữ được mốc 980 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 58 mã tăng và có tới 297 mã giảm, VN-Index giảm 18,1 điểm (-2,01%), xuống 880,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 127 triệu đơn vị, giá trị 2.469,84 tỷ đồng, tăng 46,74% về khối lượng và 34% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,84 triệu đơn vị, giá trị 771,44 tỷ đồng, trong đó riêng VNM thỏa thuận hơn 5,7 triệu đơn vị, giá trị gần 600 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn chỉ có duy nhất PLX có được sắc xanh nhưng đà tăng thu hẹp, chỉ còn nhích nhẹ 0,39% và chốt phiên tại mức giá 51.400 đồng/CP, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Đáng kể, một số mã lớn đóng vai trò lực cản chính như VNM -2,88% xuống 104.300 đồng/CP, BID -3,18% xuống 45.600 đồng/CP, CTG -3,44% xuống 25.300 đồng/CP, GAS -4,18% xuống 75.700 đồng/CP, SAB -2,94% xuống 168.100 đồng/CP, VCB -2,62% xuống 81.800 đồng/CP, TCB -2,64% xuống 22.150 đồng/CP…

Bên cạnh các mã lớn ngành ngân hàng mất điểm, những mã có vốn hóa thấp hơn cũng lần lượt giao dịch trong sắc đỏ. Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm cổ phiếu có sức hấp dẫn hơn trên thị trường khi top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thì có 3 mã thuộc dòng bank. Cụ thể, STB dẫn đầu với lượng khớp 6,97 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 3 và 4 là CTG và MBB lần lượt khớp hơn 4,7 triệu đơn vị và 3,94 triệu đơn vị.

Trong khi hàng trăm các mã lớn bé đều giảm điểm thì vẫn có những mã lội ngược dòng thành công. Đáng kể, các mã QCG, YEG, LGC, L10, NAV, NVL tạm chốt phiên sáng trong sắc tím.

Trên sàn HNX, giao dịch cũng tiêu cực khi sắc đỏ bao phủ bảng điện tử.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 22 mã tăng và có tới 72 mã giảm, HNX-Index giảm 1,48 điểm (-1,35%), xuống 107,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,22 triệu đơn vị, giá trị 350,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị 9,85 tỷ đồng.

Cổ phiếu SHB sau phiên bùng nổ hôm qua đã hạ nhiệt, tuy nhiên đây vẫn là điểm sáng của thị trường khi chốt phiên +3,4% lên 9.100 đồng/CP với khối lượng khớp 13,65 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trong khi đó, nhiều mã lớn khác mất điểm như ACB -3,14% xuống 24.700 đồng/CP, PVS -3,9% xuống 14.800 đồng/CP, VCS -2,76% xuống 66.900 đồng/CP; PVI, PVB, VCG, SHS, SLS… cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Trên UPCoM, dù thanh khoản cải thiện nhưng đà giảm cũng nới rộng hơn về cuối phiên do áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,54 điểm (-0,97%), xuống 54,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,85 triệu đơn vị, giá trị 102,2 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần về lượng và tăng 83,35% về giá trị so với phiên sáng qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể, chỉ hơn 600 triệu đồng.

Cổ phiếu nhỏ KSH giao dịch sôi động nhất với hơn 2 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công và chốt phiên tạm đứng tại mốc tham chiếu 500 đồng/CP.

Đứng ở vị trí tiếp theo, các mã LPB, BSR và VIB đều có khối lượng giao dịch 1-1,5 triệu đơn vị, tuy nhiên, chốt phiên cả 3 mã này đều mất điểm.

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn sụt giảm là nhân tố chính đẩy thị trường đi xuống như GVR -2,42% xuống 12.100 đồng/CP, VGI -1,8% xuống 27.200 đồng/CP, ACV -3,23% xuống 50.900 đồng/CP, VEA -1,5% xuống 40.100 đồng/CP…

Tin bài liên quan