Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đã trình bày Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đã trình bày Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần thời gian để khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải

Mở đầu phiên chất vấn cuối cùng của Quốc hội Khoá XIII vào sáng nay, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đã trình bày Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban TVQH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Đối với lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020.

Trong đó, xác định mục tiêu, quan điểm, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế và 10 nhóm giải pháp, trong đó đã nêu 58 nhiệm vụ cụ thể ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2015.

“Sau hơn 3 năm thực hiện, việc tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được kết quả bước đầu, tác động toàn diện tới phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; số lượng hộ nghèo giảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; nguồn nhân lực và khoa học công nghệ có bước phát triển”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Cụ thể, về tổ chức thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đến thời điểm này nhiều luật liên quan đến đầu tư công đã được ban hành như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Xây dựng.

Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý đất đai.

Việc tổng hợp, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 được quản lý theo hướng ngày càng chặt chẽ. Các bộ ngành, địa phương đã chú trọng đến việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, thẩm định nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và vốn trái phiếu chính phủ trước khi phê duyệt quyết định đầu tư.

Trong bố trí vốn kế hoạch hàng năm, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các bộ ngành, địa phương đã rà soát, sắp xếp danh mục các công trình, dự án theo mục tiêu ưu tiên đầu tư, tập trung bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành, bàn giao, đi vào sử dụng; dự án chuyển tiếp, đang triển khai dở dang; dự án trọng điểm, cấp bách, có hiệu quả, có sức lan tỏa lớn; dự án có khả năng hoàn thành trong năm kế hoạch; bố trí hoàn trả vốn ứng trước; hạn chế tối đa việc khởi công các dự án mới. Chuyển đổi hình thức, nguồn vốn đầu tư hoặc giãn tiến độ thực hiện sau năm 2015 đối với dự án không có khả năng cân đối nguồn ngân sách nhà nước.

"Nhìn chung quá trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp đầu vào đối với tăng trưởng còn hạn chế; còn phải có thời gian để khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải và nợ đọng xây dựng; việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm" - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc bố trí vốn trái phiếu chính phủ hàng năm cho các dự án cơ bản đã thực hiện theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban TVQH.

Theo đó, đã quản lý chặt chẽ hơn việc bố trí vốn đầu tư, cơ bản thực hiện theo đúng mức vốn kế hoạch được giao, kiểm soát tốt hơn việc tạm ứng vốn và nợ đọng xây dựng cơ bản. Việc phân bổ vốn được thực hiện theo kế hoạch trung hạn từ năm 2016 trở đi sẽ giúp các bộ ngành, địa phương chủ động hơn trong quản lý, sử dụng nguồn vốn được giao.

“Tuy nhiên, nhìn chung quá trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp đầu vào đối với tăng trưởng còn hạn chế; còn phải có thời gian để khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải và nợ đọng xây dựng; việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm”, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắng nhìn nhận.

Liên quan đến lĩnh vực xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, ông Phúc cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch và chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp; lựa chọn một số khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015; rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp cho phù hợp hơn, giảm diện tích và loại bỏ các khu công nghiệp kém hiệu quả, không đưa vào quy hoạch các khu công nghiệp trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định.

“Chính phủ kiên quyết thu hồi các dự án kém hiệu quả, không chấp hành quy định về môi trường, triển khai không đúng tiến độ; ban hành nhiều cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển khu kinh tế với quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương, góp phần thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 8/2015, qua 9 kỳ họp của Quốc hội và 40 phiên họp của Ủy ban TVQH, Chính phủ đã triển khai thực hiện đầy đủ nội dung của 15 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban TVQH về giám sát chuyên đề; 7 nghị quyết Quốc hội và 6 thông báo kết luận của Ủy ban TVQH về chất vấn và trả lời chất vấn; nhận và trả lời 1.585 phiếu chất vấn bằng văn bản; trả lời 1.147 chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp Quốc hội, tại các phiên họp Ủy ban TVQH.

Tin bài liên quan