Ông Charlie Munger, Phó Chủ tịch của Berkshire Hathaway (bên phải)

Ông Charlie Munger, Phó Chủ tịch của Berkshire Hathaway (bên phải)

Phó tướng của Warren Buffett cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản thương mại ở Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Charlie Munger đã cảnh báo rằng, một cuộc khủng hoảng tín dụng đã siết chặt lĩnh vực bất động sản thương mại của Mỹ và các nhà đầu tư phải đối mặt với sự kết hợp khó khăn giữa cạnh tranh khốc liệt và áp lực giảm giá tài sản.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Financial Times, Charlie Munger, Phó Chủ tịch của Berkshire Hathaway cho biết: “Ngày nay, mọi ngân hàng trong nước đều thắt chặt hơn đối với các khoản cho vay bất động sản so với 6 tháng trước”.

Ông cho rằng, các ngân hàng có thể rút lại việc cho vay đối với lĩnh vực này vì họ cho rằng nó quá rủi ro. Nhiều ngân hàng đã phải chịu nhiều thiệt hại với danh mục cho vay do giá bất động sản giảm, trong đó các tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm là những vấn đề đặc biệt khó giải quyết.

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank trong những tuần gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tín dụng rộng lớn hơn. Những ngân hàng sau khi phải đối mặt với viễn cảnh bị rút tiền gửi nhiều hơn, giáng những đòn mới vào danh mục cho vay và danh mục đầu tư trái phiếu của họ, đã cố gắng củng cố sức khoẻ tài chính một phần bằng cách cắt giảm các khoản cho vay và áp đặt các yêu cầu khắt khe hơn.

Lĩnh vực bất động sản thương mại được nhiều người xem là đặc biệt dễ bị tổn thương trước khủng hoảng tín dụng. Các nhà đầu tư bất động sản phụ thuộc rất nhiều vào nợ và càng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi lãi suất tăng. Hơn nữa, giá bất động sản đang chịu áp lực từ xu hướng làm việc từ xa và lợi tức cao hơn từ trái phiếu và tài khoản tiết kiệm làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro hơn.

Charlie Munger cho rằng, việc đầu tư ngày nay đang khó khăn hơn so với vài năm trước. Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã tăng lãi suất từ mức gần như bằng 0 lên khoảng 5% trong năm qua hoặc có thể lâu hơn trong nỗ lực kiềm chế lạm phát lịch sử. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đang siết chặt người tiêu dùng và doanh nghiệp bằng cách tăng chi phí đi vay. Điều đó cũng kéo giá tài sản đi xuống, làm xói mòn lợi nhuận của doanh nghiệp và kéo nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Đồng thời, việc triển khai các ứng dụng giao dịch không có hoa hồng và sự gia tăng mạnh về số lượng các nhà đầu tư tổ chức giàu tiền mặt đã khiến việc đạt được lợi nhuận vượt trội trong lĩnh vực này trở nên khó khăn hơn so với trước đây.

“Vào đúng thời điểm thị trường này trở nên khó khăn hơn, ngày càng có nhiều người cố gắng tham gia vào. Có quá nhiều vốn cổ phần tư nhân, quá nhiều người mua và điều đó khiến mọi người tham gia vào một cuộc chơi rất khó khăn”, ông cho biết.

Triển vọng u ám của nhà đầu tư tỷ phú Charlie Munger đưa ra cũng lặp lại lời cảnh báo gần đây của Warren Buffett rằng: "Thế giới ngoài kia còn khó khăn hơn đối với nhiều doanh nghiệp".

Warren Buffett, Giám đốc điều hành Berkshire cũng lưu ý rằng, lợi suất trái phiếu cao hơn có nguy cơ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và bất động sản, đồng thời cả lạm phát và suy thoái kinh tế đều có thể "gây ra nhiều rắc rối".

Tin bài liên quan