Phòng, chống Covid-19: Cơ chế đặc thù không phải để hợp thức hoá sai phạm

0:00 / 0:00
0:00
Việc sử dụng biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách theo Nghị quyết 30 không phải là áp dụng tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Việc sử dụng biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách theo Nghị quyết 30 không phải là áp dụng biện pháp đặc thù một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tiếp tục phiên họp thứ 22, sáng 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Theo báo cáo của đoàn giám sát, trong 3 năm 2020-2022, tổng số tiền đã huy động để phòng, chống dịch Covid-19 là 236.452,549 tỷ đồng. Tổng số ngân sách nhà nước đã phân bổ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân là 131.259.371 triệu đồng.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát, trong đó cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phải hoàn thành trước 31/12/2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói ông cảm thấy rất băn khoăn về nhận định “hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch chưa đủ để điều chỉnh đối với một dịch bệnh chưa có trong tiền lệ như Covid-19, do đó tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch”.

"Tôi đồng tình với các đồng chí hệ thống pháp luật còn những chỗ chưa hoàn thiện, đồng bộ nhưng chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và điều hành cụ thể. Như thế này hoá ra đổ hết cho hệ thống pháp luật chúng ta không đồng bộ và nhiều khoảng trống. Chỗ nào các đồng chí cũng bảo là “khoảng trống”, ông Phương nhìn nhận.

Lưu ý huy động nguồn lực bao gồm cả huy động xã hội hoá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nói thêm việc thanh quyết toán, nhất là nguồn ngoài nhà nước. Hiện còn bao nhiêu chưa được thanh quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả., lượng vắc-xin thừa, quá hạn cụ thể là bao nhiêu?, quá trình giám sát có thấy khúc mắc gì không?

Theo Chủ tịch Quốc hội có hai sai phạm rất lớn trong lĩnh vực này là chuyến bay giải cứu và vụ Việt Á. "Huy động nguồn lực là cả cái đó, chuyến bay giải cứu cũng là huy động nguồn lực, cũng là phòng chống dịch chứ không phải nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát này đâu. Nhưng cả báo cáo này không nhắc gì đến việc này cả", Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Băn khoăn nhiều về những kiến nghị, đề xuất của đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn của các đề xuất này.

Ông Huệ nói rõ, Nghị quyết 30 đã quy định cho phép thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách, tuy nhiên, những biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách này cũng được quy định cụ thể ở các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan ban hành, và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chấp hành theo những biện pháp đã được quy định.

Việc sử dụng biện pháp đặc thù, đặc biệt, đặc cách theo Nghị quyết 30 không phải là áp dụng biện pháp đặc thù một cách tùy tiện, không phải là hợp thức hóa sai phạm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, điều kiện tiên quyết để kiểm soát được dịch là sau khi có vắc xin. Sau chiến dịch ngoại giao vắc xin, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đi đâu cũng tranh thủ ngoại giao vắc xin. Báo cáo nói có 150 triệu liều. Nhưng có ý kiến cho rằng thời gian đầu ta chưa tiếp cận được vắc xin, vậy phải làm rõ nguyên nhân từ đâu? Có thể do cơ chế chính sách hoặc do tổ chức thực hiện, ông Thanh nêu vấn đề.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu.

Vì trước đây phương tiện thông tin đại chúng nói cơ chế tiếp cận vắc xin rất rủi ro, phải tạm ứng trước số tiền rất cao và có thể đến thời hạn không nhận được vắc xin, cơ chế của ta không chấp nhận rủi ro đó, có phải nguyên nhân đó không?, ông Thanh nêu câu hỏi.

Theo Chủ nhiệm Thanh, bên cạnh cơ chế chính sách là vấn đề thủ tục. Có hay không câu chuyện có doanh nghiệp đề nghị nhập 5 triệu liều nhưng thủ tục không cho phép? Chỗ này có hay không đoàn giám sát cần báo cáo giải trình thêm, ông Thanh đề nghị.

Báo cáo nói ngân sách bỏ ra 4,6 tỷ đồng để chủ động nghiên cứu vắc xin, vậy giờ kết quả ra sao? Khó khăn vướng mắc thế nào, theo ông Thanh cũng cần làm rõ.

Liên quan đến những vi phạm, ông Thanh nói đã rà trong báo cáo kết quả giám sát dài 90 trang, 419 footnote. Tổng cộng 110 trang dày dặn nhưng chỉ có hơn 3 dòng nói về chỗ kit test và Việt Á. "Có lẽ nội dung này ra Quốc hội rất nhiều đại biểu sẽ nói, đề nghị Đoàn giám sát bổ sung liều lượng để đáp ứng vấn đề cử tri quan tâm", ông Thanh phát biểu.

Tin bài liên quan