Hơn 15% DN hiện nay không biết gì về phòng vệ thương mại

Hơn 15% DN hiện nay không biết gì về phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại: Vì sao doanh nghiệp còn e dè?

(ĐTCK) Bên cạnh nguyên nhân thiếu hiểu biết, còn rất nhiều những rào cản khác dẫn tới việc DN trong nước chưa mạnh dạn sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ chính mình trong cuộc chơi với những đối thủ bên ngoài biên giới.

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, mặc dù ngày càng mở cửa thị trường giao thương với thế giới, nhưng Việt Nam là một trong số các nước sử dụng ít nhất các công cụ phòng vệ thương mại. Kể từ khi pháp lệnh về Phòng vệ thương mại ra đời, Việt Nam mới chỉ 2 lần áp dụng các biện pháp phòng vệ với các sản phẩm là dầu ăn (năm 2012) và thép không gỉ cán nguội (năm 2013).

Ngược lại, theo số liệu của Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh, đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với khoảng 100 vụ kiện phòng vệ thương mại trên đấu trường quốc tế. Trong đó, 57 vụ việc đang có hiệu lực hoặc trong giai đoạn điều tra.

"Hơn 15% DN hiện nay không biết gì về phòng vệ thương mại, gần 64% DN chỉ nghe nói về phòng vệ thương mại chứ không hiểu rõ và chỉ có khoảng 1,8% DN cho biết đã tìm hiểu tương đối kỹ về lĩnh vực này" -  VCCI.

Tại Hội nghị “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức mới đây, ông Tô Thái Ninh, Phó trưởng phòng Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài nhận định, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với mức độ cắt giảm thuế quan ngày càng nhanh và mạnh dẫn tới việc các nước buộc phải sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh không lành mạnh, sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu.

Theo ông Ninh, việc Việt Nam mới chỉ 2 lần áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sau hơn 10 năm có Pháp lệnh Phòng vệ thương mại được lý giải bởi rất nhiều nguyên nhân. Trong đó lý do quan trọng đầu tiên là việc DN không chủ động tìm hiểu về phòng vệ thương mại.

Theo kết quả điều tra của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam(VCCI), hơn 15% DN hiện nay không biết gì về phòng vệ thương mại, bất chấp nỗ lực tuyên truyền của cơ quan quản lý; gần 64% DN chỉ nghe nói về phòng vệ thương mại chứ không hiểu rõ và chỉ có khoảng 1,8% DN cho biết đã tìm hiểu tương đối kỹ về lĩnh vực này.

Không chỉ thiếu thông tin, DN trong nước còn có những nhận thức sai lầm về việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Nhiều DN khi tham gia vào các vụ kiện có tâm lý lo sợ rằng thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ bị công khai, tạo lợi thế cho đối thủ, vì vậy e ngại trong vấn đề này.

“Thực tế, chúng tôi luôn nói với DN rằng, tất cả các thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đều được cơ quan điều tra bảo mật, thông tin chỉ được sử dụng cho mục đích điều tra chứ không được công khai cho bất cứ bên nào”, ông Ninh cho biết.

Một vấn đề khác cản trở việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại của DN Việt Nam là yếu tố liên kết ngành, liên kết giữa các nhà sản xuất. Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng tính cộng đồng của DN nội địa không cao, các DN thường mới quan tâm tới lợi ích cục bộ mà chưa nhận ra tác động của sự gia tăng hàng nhập khẩu có thể tiêu diệt toàn bộ ngành sản xuất, không kể DN lớn hay nhỏ. 

Theo luật sư Đinh Ánh Tuyết (văn phòng luật sư IDVN), sở dĩ yếu tố liên kết ngành quan trọng trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại là vì khi khởi kiện, để đơn kiện được chấp nhận, theo quy định của pháp luật Việt Nam và WTO, những DN đứng đơn phải đại diện cho ít nhất 25% thị phần ngành sản xuất trong nước và được các DN đại diện cho 50% thị phần ủng hộ.

Đánh giá về việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam, bà Nguyễn Hương Giang, Phó trưởng phòng Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài cho rằng khó khăn của DN, ngoài sự kém hiểu biết và nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại là việc bị giới hạn nguồn lực.

Cụ thể, những DN nhỏ và vừa tại Việt Nam không có nguồn kinh phí dự trù cho việc kháng kiện, thiếu kinh nghiệm, chiến lược định hướng rõ ràng. Mặt khác, các rào cản về ngôn ngữ và pháp lý gây nhiều khó khăn cho đối tượng này.

Theo đó, DN Việt cần tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong thời gian diễn ra vụ việc. Khi khởi kiện, DN nên nhờ tới sự giúp đỡ từ hiệp hội, DN thành viên để xây dựng, triển khai chiến lược ứng phó, trao đổi thông tin, hỗ trợ nhân lực… Ngoài ra, cần phối hợp với liên minh có cùng lợi ích tại nước sở tại như các nhà nhập khẩu, người tiêu dùng, nhà phân phối, chế biến (các đối tác tin cậy), chủ động giữ liên lạc với cơ quan nhà nước để nhận được hỗ trợ.

Với việc kháng kiện, bà Giang khuyến nghị DN nên thành lập nhóm và có cán bộ chuyên trách. DN nên thường xuyên theo sát diễn biến tình hình của đối tác nhập khẩu và đặc biệt không gian lận trong và sau cuộc điều tra vì dễ xảy ra hậu quả khó lường.      

Tin bài liên quan