PVTrans: 20 năm vượt sóng vươn xa

PVTrans: 20 năm vượt sóng vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xuất phát điểm ban đầu là một công ty vận tải biển với số vốn khiêm tốn, sau 20 năm hoạt động, Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí Việt Nam (PV Trans, mã chứng khoán PVT) đã vươn lên trở thành công ty vận tải biển số 1 Việt Nam, đem lại lợi nhuận hàng năm hơn 1.000 tỷ đồng.

Năm 2002, Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam (tiền thân của PVTrans) ra đời với số vốn 200 tỷ đồng, sở hữu một con tàu vận tải dầu thô và khoảng gần 100 cán bộ, công nhân viên. Sứ mệnh mà PVTrans được trao là vận tải dầu khí, đặc biệt là vận tải dầu thô, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Vượt qua nhiều sóng gió, thách thức, Công ty đã vươn lên mạnh mẽ sau 20 năm gây dựng và trưởng thành. Để đến bây giờ, nhắc đến PVTrans là nhắc đến doanh nghiệp số 1 Việt Nam trong lĩnh vực vận tải biển.

Công ty cũng vừa được vinh danh trong Top 10 đơn vị vận tải hàng hoá hàng đầu Việt Nam. Hiện PVTrans có 11 công ty thành viên, hai công ty liên kết, đội tàu gồm 36 chiếc và số lượng nhân viên đã tăng gấp 21 lần so với ngày đầu, mang về lợi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng hàng năm.

PVTrans cũng được biết tới là doanh nghiệp vận tải hàng lỏng số 1 Việt Nam, chiếm lĩnh 100% thị phần vận tải dầu thô và LPG trong nước, khoảng 30% thị phần vận tải xăng dầu tại thị trường nội địa, được các tổ chức uy tín trong và ngoài nước đánh giá cao về năng lực và tiềm năng tăng trưởng.

Trên thị trường chứng khoán, PVT là một trong những cổ phiếu ngành dầu khí được nhà đầu tư ưa thích. Đánh giá về triển vọng tăng trưởng của PVT, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VCSC) nhận định, sản lượng và giá thuê của tàu chở dầu sẽ tiếp tục phục hồi trong các quý tiếp theo, PVT có thể tăng giá thuê ngày của tàu chở dầu thô, sản phẩm dầu/hoá chất và tàu chở hàng phù hợp với phí vận chuyển hàng hoá quốc tế. VCSC dự báo tăng trưởng EPS cốt lõi năm 2022 đạt 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ đóng góp cả năm từ một tàu vận tải khí rất lớn mới (VLGC) và tàu chở hóa chất cũng như giá tàu chở dầu phục hồi 5%.

SSI Research đánh giá môi trường kinh doanh trong thời gian tới khá thuận lợi cho PVTrans. Nhu cầu đối với tàu chở dầu tăng mạnh, do các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Nga cho thấy phần lớn thế giới đã chuyển hướng sang nguồn năng lượng từ các thị trường khác, làm tăng nhu cầu vận chuyển xa hơn đối với ngành. Trong khi đó, các tàu chở dầu mất 18 - 24 tháng để đóng mới, vì vậy, giá cước vận tải nhìn chung sẽ có xu hướng tăng trong 1 - 2 năm tới. Nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm dầu dự kiến cũng tăng mạnh. Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại từ đầu năm 2022, điều này sẽ kéo theo nhu cầu đi lại và vận chuyển cao hơn.

Năm 2022, PVTrans đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng. Đây là kế hoạch khá khiêm tốn so với những gì mà doanh nghiệp đã đạt được trong năm 2021 vừa qua. Giới phân tích nhìn nhận PVT có thể cán đích thành công kế hoạch này khi riêng quý I đã đạt doanh thu 2.022 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 194 tỷ đồng (hoàn thành lần lượt 31% và 40% kế hoạch). Ngoài ra, Công ty Chứng khoán SSI nhận định PVTrans có thể thu được 139 tỷ đồng lợi nhuận từ việc thanh lý tàu chở dầu Athena.

PVTrans không ngừng đầu tư mở rộng và đổi mới đội tàu. Đến cuối năm 2022, đội tàu có thể đạt 40 tàu. Hầu hết các tàu này đều được ký hợp đồng thuê có kỳ hạn và hoạt động trên thị trường quốc tế từ 1 - 2 năm. Theo đó, lợi nhuận của các tàu này khá ổn định bất kể biến động của giá dầu. Biên lợi nhuận của PVT được kỳ vọng sẽ ổn định như những năm trước.

Để có được vị thế doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực logistics ngày hôm nay, cán bộ công nhân viên PVTrans đã nỗ lực ngày đêm không ngừng nghỉ đưa những chuyến tàu vượt sóng cả, cập bến an toàn đem đến sự tăng trưởng hàng năm.

Không ngừng mở rộng hoạt động khai thác các tuyến quốc tế và từng bước tham gia chuỗi vận chuyển cung ứng toàn cầu, PVTrans tiếp tục là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực vận tải biển, tăng trưởng bền vững và là niềm tự hào của doanh nghiệp vận tải Việt Nam trên trường quốc tế.

Tin bài liên quan