Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành có đến 70% được ngân hàng thương mại mua

Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành có đến 70% được ngân hàng thương mại mua

Quản chặt trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo giới chuyên gia, việc nhận diện được kẽ hở trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, bền vững trong tương lai.

Cần nhìn nhận đúng về trái phiếu doanh nghiệp

Dẫn số liệu tỷ lệ đóng góp khoảng 22% vào tổng lượng cung vốn toàn nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được nhìn nhận là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, nhất là cho doanh nghiệp.

Theo TS. Lực, vai trò của ngân hàng chỉ là cung ứng vốn ngắn hạn, bởi bản chất của ngân hàng là huy động vốn của người dân để cho vay, trong đó chủ yếu là vốn ngắn hạn. Tuy vậy, trong tổng số 1,4 - 1,5 triệu tỷ đồng tín dụng cung ứng mỗi năm, có tới 45% trong đó là vốn trung, dài hạn.

Nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn, ước tính giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng mỗi năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn Nhà nước chỉ chiếm 25 - 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài, từ đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển cũng góp phần phát triển lành mạnh, cân đối hơn hệ thống tài chính. Ngoài ra, thị trường này phát triển sẽ giúp đa dạng hoá kênh đầu tư, đa dạng hoá sản phẩm tài chính, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp hay tổ chức khác, hạn chế tình trạng vàng hoá, đô-la hóa nền kinh tế.

“Làm thế nào để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh là vấn đề cần được quan tâm, thúc đẩy. Nói cách khác là chúng ta kiến tạo thị trường, song phải kiểm soát rủi ro”, ông Lực nhấn mạnh.

TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nêu quan điểm, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153/2020 về trái phiếu doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm của dư luận sau những sự vụ “nóng” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua. Điều này cho thấy việc hoàn thiện chính sách là hết sức cần thiết. Thực tế, để có một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, các nước trên thế giới cũng phải trải qua nhiều quá trình điều chỉnh quy định pháp luật.

“Siết” để thị trường phát triển lành mạnh hơn

Khuyến nghị được đưa ra từ TS. Lê Đạt Chí, cần có sự chấn chỉnh trong việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp bất động sản. Bởi thực tế cho thấy, lượng trái phiếu các doanh nghiệp ngành này phát hành trong thời gian qua chiếm tới 60% tổng lượng trái phiếu phát hành toàn thị trường, trong khi đó, chỉ có khoảng 5 - 6 doanh nghiệp bất động sản có năng lực mạnh.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là trong đại dịch Covid-19, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Do đó, lượng vốn tín dụng của ngân hàng tăng trưởng cũng được xem là một trong những giải pháp đẩy mạnh vốn ra thị trường. Thế nhưng, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành có đến 70% người mua là các ngân hàng thương mại. Điều này sẽ khó tránh rủi ro.

Trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản phát hành trong thời gian qua không chỉ có “3 không”, mà còn có cả “5 không”, “6 không”.

Th.s Nguyễn Anh Vũ, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM

Theo TS. Lê Đạt Chí, trước mắt, cần quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm trong khoảng thời gian ngắn, đi cùng với các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời, cần chú trọng phát triển thị trường chứng khoán chưa chính thức (OTC), quy định điều kiện bán chứng khoán lần đầu và quy định về mua đi bán lại của các doanh nghiệp niêm yết. Đây là những điều kiện quan trọng để tạo ra dòng chảy vốn tốt hơn. Chính việc mua đi bán lại trái phiếu sẽ tạo thuận lợi cho các thành phần tham gia cũng như cơ quan giám sát.

Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về rủi ro của các đợt phát hành trái phiếu ‘3 không” (không xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh phát hành) và nếu đợt phát hành có đơn vị thứ 3 bảo lãnh (chẳng hạn như ngân hàng) và có tài sản đảm bảo thì sẽ tạo ra sự an toàn cho người mua trái phiếu. Tuy nhiên, Th.s Nguyễn Anh Vũ, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, tài sản đảm bảo cũng không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp, mà chủ yếu là phải nắm được dòng tiền và năng lực tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Vì thế, trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản phát hành trong thời gian qua không chỉ có “3 không”, mà còn có cả “5 không”, “6 không”. Ngoài “3 không” ở trên, thì còn một số “không” khác như: doanh nghiệp không có năng lực tài chính, không có dòng tiền minh bạch và không sử dụng hiệu quả dòng tiền thu về.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á nhận định, lượng trái phiếu phát hành của doanh nghiệp trong thời gian qua chủ yếu là riêng lẻ và thuộc về lĩnh vực bất động sản. Trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng chủ yếu do ngân hàng thương mại mua và phân phối qua kênh bán lẻ của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thường dao động từ 10 - 13%/năm, trong khi đó lãi suất tiền gửi tiết kiệm được ngân hàng áp dụng chỉ có 5 - 6%/năm, vì thế, nhiều giao dịch viên của ngân hàng tư vấn cho khách hàng nếu không muốn dùng tiền tiết kiệm mua trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao thì có thể gửi tiết kiệm rồi dùng chính sổ này thế chấp vay tiền mua trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất cao hơn rất nhiều.

Trong khi đó, chi phí phát hành trái phiếu của doanh nghiệp còn cao hơn cả mức lãi suất phát hành 12-13%/năm, thậm chí chi phí phát hành lên đến 15%, chủ yếu là chi phí bảo lãnh và chi phí phân phối qua hệ thống ngân hàng để có thể tiêu thụ hết. Có một thực tế hiện nay là, trong điều kiện phát hành trái phiếu còn dễ dãi, các tập đoàn bất động sản lớn không đứng ra phát hành, mà chủ yếu thông qua các công ty con vừa được thành lập để triển khai dự án mới. Trong khi đó, chất lượng của trái phiếu và năng lực của doanh nghiệp không được đảm bảo, dẫn đến rủi ro cho người mua trái phiếu, nhất là đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vì thế, bên cạnh việc nhìn nhận vai trò quan trọng của thị trường trái phiếu, cần bắt đúng “bệnh” của nó, từ đó có kiến nghị cơ quan quản lý, khuyến nghị nhà đầu tư để thị trường phát triển lành mạnh hơn.

TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital cũng nêu quan điểm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ khoảng 5 năm qua và đây thực sự là điều đáng mừng. Với việc “siết” lại thị trường trái phiếu, ông Tuấn khuyến nghị nên chủ yếu để thị trường tự điều tiết, thay vì siết quá chặt, hoặc kiểm soát quá lỏng. Một trong những giải pháp cơ bản vị chuyên gia đưa ra là, cần phải có các đơn vị đánh giá tín nhiệm để đánh giá tín nhiệm của các doanh nghiệp trước khi phát hành trái phiếu.

Nêu thực tế Việt Nam đang có quá ít công ty xếp hạng tín nhiệm, năng lực của họ cũng chưa bảo đảm năng lực thị trường hiện nay, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, cần cân nhắc cho phép thành lập nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm hơn, rút ngắn thời gian xếp hạng để không làm mất cơ hội của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan