Quan hệ nhà đầu tư thời… mạng xã hội

Quan hệ nhà đầu tư thời… mạng xã hội

(ĐTCK) Các mạng xã hội Facebook, Myspace, Zing me… dường như đã trở nên quá quen thuộc đối với giới trẻ Việt Nam. Các cộng đồng mạng ngày một rộng lớn và tạo được tính lan tỏa rất cao. Cũng chính vì thế, mạng xã hội đang trở thành một kênh để doanh nghiệp chủ động giới thiệu về công ty, sản phẩm hay đối với các DNNY thì còn phục vụ thêm công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) của mình.

Mạng xã hội rộng lớn

Mạng xã hội là dịch vụ kết nối và thông tin giữa các thành viên cùng sở thích, mối quan tâm trên internet, không phân biệt không gian hay thời gian. Mạng xã hội, với những tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và xã luận… đã và đang đổi mới hoàn toàn cách cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần cuộc sống mỗi ngày của hàng trăm triệu người dùng khắp thế giới.

Hiện có hơn 1 tỷ người dùng internet ở châu Á, trong đó Việt Nam là nước có tỷ lệ sử dụng internet tăng nhanh nhất. Châu lục đông dân nhất này cũng là nơi có số người tham gia mạng xã hội nhiều nhất, chiếm tới 50% thế giới. Chỉ riêng mạng Facebook, mỗi tháng đã có hơn 10 triệu người châu Á gia nhập mới.

Với độ phủ rộng và tốc độ lây lan nhanh như vậy, mạng xã hội đang được các doanh nghiệp sử dụng làm phương tiện cho công việc marketing cũng như quan hệ nhà đầu tư của mình.

Nhiều rủi ro

Tiện dụng là thế nhưng chính tốc độ lây lan nhanh của mạng xã hội lại là một rủi ro, trong trường hợp thông tin về doanh nghiệp thiếu tích cực, sai sự thật.

Hiện nay, dân số trẻ dễ dàng tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng phát tán tràn lan trên phương tiện này. Thông thường, các hành vi tiêu dùng của giới trẻ thường hướng vào những thông tin trên mạng xã hội và nhanh chóng bị cuốn theo những gì được chia sẻ tại đây.

Hiểu được tâm lý đó, các đối thủ cạnh tranh không ngại “chơi xấu” để lôi kéo khách hàng, thậm chí chê bai, chế giễu cách làm mới của doanh nghiệp khác khi họ cố gắng tạo ra sự khác biệt. Một ví dụ gần đây là một công ty bảo hiểm nhân thọ từng bị chính nhân viên của mình nói xấu trên mạng xã hội. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco (TRA) bày tỏ sự quan tâm tới việc sử dụng mạng xã hội để giúp bán hàng tốt hơn, nhưng bà cũng chia sẻ lo ngại rằng, những quy định công bố thông tin là rất nghiêm ngặt trong ngành dược, trong khi chúng hoàn toàn có thể bị làm sai lệch trên các mạng xã hội.

Tốc độ lây lan thông tin nhanh với cơ chế đa tuyến trên các mạng xã hội có thể gây nên tác hại lớn, khó kiểm soát từ những thông tin sai lệch đó, đối với sức khỏe người tiêu dùng và thương hiệu doanh nghiệp, bà Thuận băn khoăn.

Nhưng có thể tận dụng

Tại hội thảo “Danh tiếng doanh nghiệp trong thời đại số hóa” do Vietnam Holding vừa tổ chức tại TP. HCM, các diễn giả cho rằng, truyền thông bằng mạng xã hội có những ưu thế vượt trội, nhưng doanh nghiệp cũng có thể gặp nguy cơ xảy ra khủng hoảng nếu không có chiến lược bài bản.

Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Tập đoàn Masso cho biết, đây là kênh truyền thông có tính lan tỏa rất cao, nhưng chi phí thấp so với cách quảng cáo truyền thống. Các DNNY và DN sắp cổ phần hóa nên tận dụng mạng xã hội để làm tốt công tác IR, bởi NĐT ở bất cứ nơi đâu cũng đều có thể đọc thông tin về DN thông qua mạng xã hội. Nếu thông tin minh bạch, đầy đủ, thể hiện được tính chuyên nghiệp, DN sẽ được nhà đầu tư quan tâm hơn.

Ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketting Việt Nam, thành viên HĐQT CTCP Hoa Sen (HSG) chia sẻ, trong thời gian diễn ra sự kiện Nick Vujic đã có sự tranh luận rất lớn trong cộng đồng mạng. Ban tổ chức đã phải theo dõi sát sao “động thái cư dân mạng” và tìm cách xử lý. Qua sự kiện này, HSG chú trọng hơn tới mạng xã hội và có cách xử lý theo luật chơi riêng của nó. Nếu có kế hoạch cụ thể, nghiêm túc thì sẽ đạt được thành công đáng kể, nhưng nếu không kiểm soát tốt thông tin thì sẽ thất bại nhanh chóng, ảnh hưởng rất lớn đến danh tiếng công ty.

Cách mà HSG quản lý thông tin là “theo dõi” các mạng xã hội một cách thường xuyên, nhất là với những thành viên là đối tác, cổ đông, nhà đầu tư của HSG. Thông qua Facebook, blog, HSG chủ động tạo những thông tin tích cực, đồng thời tìm những thông tin tiêu cực để kịp thời ngăn chặn, đính chính.

Theo ông Thẳng, các doanh nghiệp nên thành lập một ban chuyên giải quyết các vấn đề mang tính tiềm tàng từ mạng xã hội, có công cụ để đo lường phản hồi của thành viên mạng. Từ những thông tin đó, doanh nghiệp có thể thực hiên tốt hơn công tác IR, cũng như có chiến lược truyền thông phù hợp.

Tin bài liên quan