Quản trị tốt: Cần vượt trên sự tuân thủ

Quản trị tốt: Cần vượt trên sự tuân thủ

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Quản trị công ty không chỉ là vấn đề thể chế, mà còn là yếu tố quan trọng trong kinh doanh và phát triển bền vững của chính doanh nghiệp. Các cuộc khủng khoảng về tài chính ở khu vực và trên thế giới đều có nguyên nhân từ quản trị doanh nghiệp yếu kém.

Tại Việt Nam, chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp tuy đã được cải thiện những năm gần đây, nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta đang chứng kiến nhiều tranh chấp nội bộ, đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp gần đây mà nguyên nhân là do quản trị yếu kém.

Quản trị tốt… cũng là tiền

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, quản trị công ty tốt không chỉ giúp tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, mà còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu xung đột, tranh chấp nội bộ.

Báo cáo đánh giá quản trị công ty niêm yết năm 2019 đã thể hiện rõ lợi ích của quản trị tốt khi giúp ngăn ngừa rủi ro, vận hành ổn định hệ thống, kiểm soát tốt hơn chi phí, nhờ vậy mà doanh nghiệp tập trung nhiều hơn cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, tiến tới phát triển bền vững.

Thực tiễn hoạt động của các công ty niêm yết cho thấy mức trung bình lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị tốt cao hơn mức trung bình lợi luận của các doanh nghiệp thuộc nhóm quản trị kém (xem Bảng 1).

Báo cáo kết quả Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch năm 2020 của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, điểm công bố thông tin và minh bạch có mối quan hệ tích cực với kết quả kinh doanh được đo bằng ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) và ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản). Kết quả cũng cho thấy rằng, mỗi 1% tăng của điểm công bố thông tin và minh bạch đồng nghĩa với việc ROA tăng 0,1% và ROE tăng 0,12%.

TS. Phan Đức Hiếu , Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
TS. Phan Đức Hiếu , Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Tuy vậy, ở Việt Nam hiện nay, vấn đề quản trị công ty trở nên đáng báo động cả về nhận thức, thực tiễn và hậu quả. Những vụ việc tranh chấp nội bộ gần đây trong ngành cà phê, hay những vụ án trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng… đều có nguyên nhân rất lớn từ quản trị doanh nghiệp yếu kém.

Thiếu một khung khổ quản trị tốt trong doanh nghiệp đã làm cho mâu thuẫn trong gia đình trở thành tranh chấp trong doanh nghiệp, tranh chấp giữa các doanh nghiệp và làm suy yếu hoạt động của doanh nghiệp. Quản trị công ty yếu kém sẽ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được xung đột lợi ích, một cổ đông lớn chi phối toàn bộ hoạt động của công ty và bộ máy quản trị, quản lý bị vô hiệu, cổ đông nhỏ bị lạm dụng và chiếm đoạt lợi ích, có thể dẫn đến sụp đổ doanh nghiệp.

Quản trị vì luật…

Cũng cần phải lưu ý rằng, ngoài thiếu nhận thức về quản trị, việc thực hiện quản trị công ty ở Việt Nam vẫn còn mang hình thức đối phó, tuân thủ các yêu cầu quy phạm nhiều hơn là tự nguyện cam kết nâng cao quản trị vì chính lợi ích của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Nghị định 71/2017/NĐ-CP đã cho thời gian 3 năm để các công ty niêm yết chuẩn bị việc tách bạch chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc/Tổng giám đốc, nhưng đến hạn vẫn có doanh nghiệp bày tỏ sự “băn khoăn”, một số khác thì thực hiện mang tính hình thức để đảm bảo không vi phạm luật, thậm chí có công ty còn chưa tách bạch các chức vụ này, trong khi lâu nay đây là thông lệ tốt và phổ biến trên thế giới.

Theo Báo cáo kết quả Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch năm 2020 của HNX, các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn đã tập trung nhiều hơn vào thực hiện các tiêu chí tuân thủ với tỷ lệ đạt điểm dành cho các tiêu chí tuân thủ là 62,08%. Trong khi đó, việc thực thi các tiêu chí mang tính thông lệ vẫn còn thấp và dưới mức trung bình, đạt 33,75%.

Báo cáo đánh giá quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam năm 2019 cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp thậm trí còn chưa đáp ứng được yêu cầu tuân thủ pháp luật, việc áp dụng thực tiễn quốc tế tốt là vô cùng hạn chế.

… và cần vượt trên sự tuân thủ

Một trong những thay đổi lớn nhất sau khủng khoảng do Covid-19 là các quốc gia đã tập trung hơn vào nâng cao và thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt. Theo khảo sát của OECD năm 2019, kể từ khi ban hành Bộ nguyên tắc tốt về quản trị doanh nghiệp năm 2015, có 84% trong số 49 nước được khảo sát đã tiến hành sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán để nâng cấp khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp theo nguyên tắc tốt nhất.

Theo xu hướng này, Việt Nam cũng đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Chứng khoán. Cả hai luật này đồng thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 với trọng tâm sửa đổi là nâng cao khung khổ quản trị theo nguyên tắc và thông lệ quản trị tốt của khu vực và thế giới.

Rõ ràng, quản trị tốt trước hết vì lợi ích của chính doanh nghiệp. Quản trị tốt không phải chỉ là áp dụng đúng luật một cách hình thức hay khiên cưỡng, thậm chí ngay cả khi buộc phải thực thi luật thì cũng nên coi đó là một cơ hội cải thiện quản trị và làm vì lợi ích của doanh nghiệp.

Thực tế từ các quốc gia phát triển cho thấy, mức độ cao nhất của quản trị công ty chính là vượt trên sự tuân thủ. Điều này có nghĩa doanh nghiệp không chỉ thực hiện đúng và đủ quy định của luật, mà còn áp dụng nguyên tắc quản trị theo thông lệ quốc tế tốt và ở mức cao hơn luật.

Tin bài liên quan