Năm 2014 là năm đầu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội

Năm 2014 là năm đầu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội

Quốc hội thông qua chỉ tiêu GDP năm 2014 tăng 6,2%, bội chi 5%

(ĐTCK) Chiều 10/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015 và dự toán ngân sách 2015

Năm 2015, GDP tăng 6,2%

Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 đã đạt mục tiêu tổng quát, đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014. Từ đầu nhiệm kỳ, đây là năm đầu tiên đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội là 5,8%, đồng thời là năm thứ 3 liên tục xuất siêu, dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng.

Nghị quyết cũng đánh giá, tình hình vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định hơn.

Năm 2015, Quốc hội yêu cầu Chính phủ triển khai 7 nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để đạt được kế hoạch đề ra. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế. Tập trung hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã duyệt.

Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước qua việc rà soát bộ máy tổ chức, xóa bỏ chồng chéo chức năng đặc biệt là thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan và tín dụng ngân hàng.

Tăng dư nợ tín dụng phù hợp tạo điều kiện tiếp cận vốn cho các thành phần kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. 

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định. Bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn hỗ trợ cho ngư dân...

Các chỉ tiêu cơ bản năm 2015:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%.

Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.

Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%.

Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%.

Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường.

Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%.

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 82%.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Năm 2015, sẽ không giảm thuế?

Cũng trong buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua dự toán ngân sách 2015. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách là 911.100 tỷ đồng, nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn, thì tổng số thu là 921.100 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% GDP.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ; phân bổ chi ngân sách nhà nước tập trung, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát; quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách.

Đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; thu hồi kịp thời các khoản thu được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; giảm nợ đọng thuế.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ không đề xuất, ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế.

Tiếp tục thu vào ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2015 và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

Thu vào ngân sách nhà nước 75% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2015; số tiền còn lại (25%) để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tin bài liên quan