Quỹ bình ổn giá xăng dầu thiếu công khai, minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
Theo Uỷ ban Tài chính, Ngân sách, những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong tổ chức quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chậm được khắc phục, gây lãng phí.
Lần đầu tiên ông Lê Quang Mạnh, tân Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Lần đầu tiên ông Lê Quang Mạnh, tân Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Thông tin này được Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội nêu tại Báo cáo thẩm tra kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, trình bày trong phiên họp sáng 23/5 của Quốc hội.

Đây cũng là lần đầu tiên ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách vừa được Quốc hội bầu chiều 22/5 trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Ông Mạnh nêu rõ, những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong tổ chức quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chậm được khắc phục.

Cụ thể là chậm rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý để quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước. Việc rà soát, sắp xếp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH chưa được quan tâm. Chưa đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Báo cáo thẩm tra đầy đủ dẫn kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế cho thấy, Quỹ bình ổn giá xăng dầu do doanh nghiệp quản lý nhưng lại được trích lập và sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước; nguyên tắc trích lập, chi sử dụng Quỹ chưa rõ ràng, không có cơ sở thuyết phục để quy định mức trích lập, mức chi cho từng sản phẩm xăng, dầu tại mỗi kỳ điều hành, dẫn đến tác dụng “ngược” trong một số trường hợp.

Việc quản lý, sử dụng Quỹ còn thiếu công khai, minh bạch, chưa chặt chẽ, rõ ràng; việc sử dụng Quỹ không đạt được các mục tiêu đề ra, chưa thể hiện đúng bản chất của Quỹ, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh,

Qua giám sát tại các địa phương, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý hầu hết có quy mô nhỏ, được thành lập bằng các văn bản dưới luật. Mỗi quỹ có quy định về quy chế, điều lệ hoạt động riêng; một số quỹ ở địa phương nhưng do cơ quan trung ương quản lý nên địa phương khó đánh giá được hiệu quả hoạt động.

Có quỹ khó huy động nguồn vốn, mức huy động thấp, không đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động; một số quỹ có tính chất, nhiệm vụ, mục tiêu và đối tượng phục vụ giống nhau; một số quỹ không tự đảm bảo được kinh phí hoạt động, quy định về chế độ, định mức chi quản lý không thống nhất... Việc duy trì nhiều quỹ tại địa phương trong khi hiệu quả hoạt động của hầu hết các quỹ không cao dẫn đến phân tán, lãng phí nguồn lực.

Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh còn nhấn mạnh, việc lập dự dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế; quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn một số hạn chế; số chi chuyển nguồn lớn làm lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Ông Mạnh "điểm danh" nhiều lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư như việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”; việc phân bổ, giao vốn đầu tư công trung hạn chưa đảm bảo tiến độ; chất lượng chuẩn bị dự án thấp…

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra nêu rõ, Nghị quyết số 43 năm 2022 của Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp với thời gian thực hiện chủ yếu trong năm 2022 và 2023 nhằm mục tiêu nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết; dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ trong quá trình xây dựng một số chính sách chưa sát thực tế; công tác tổ chức thực hiện một số chính sách chậm, kết quả không đạt như dự kiến.

Báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn chứng, gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại có kết quả triển khai rất thấp. Đến cuối tháng 3/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chỉ đạt 327 tỷ đồng, tương đương 0,82% tổng nguồn lực (40.000 tỷ đồng).

Theo nghị trình, sáng 25/5 Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại tổ.

Tin bài liên quan