Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có tính đến vấn đề xử lý, bảo vệ môi trường sẽ được hỗ trợ

Cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có tính đến vấn đề xử lý, bảo vệ môi trường sẽ được hỗ trợ

Quy định mới mở đường cho vật liệu không nung

(ĐTCK) Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng chính thức có hiệu lực từ ngày 26/5/2016, được đa phần doanh nghiệp đánh giá, là “mở đường” cho ngành vật liệu xây dựng phát triển, đặc biệt là vật liệu không nung.

Đánh giá về tác động của Nghị định mới đối với nhóm ngành xi măng, ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả cho biết, quy định tại Nghị định 24a khuyến khích tái tạo năng lượng với xi măng là tận dụng nhiệt khí thải lò nung, khuyến khích các nhà sản xuất, ngoài đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam, cũng đăng ký chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Quy định này giúp các doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững hơn.

Trên thực tế, xi măng được xem là “bánh mỳ của ngành xây dựng”, nên việc quản lý, phê duyệt quy hoạch đều do Chính phủ quyết định và tiêu chí của các dự án đầu tư xi măng được kiểm duyệt gắt gao hơn so với các nhóm ngành khác.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng phải phù hợp với các quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cho phép các doanh nghiệp thực hiện các dự án nằm ngoài quy hoạch, nhưng vẫn phải bảo đảm các quy định khác về môi trường, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp nhận.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng, Nghị định 24a có tác động mạnh đến nhóm ngành sản xuất vật liệu không nung. Cụ thể, Nghị định quy định về cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các dự án nghiên cứu, phát triển đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường… Đặc biệt, đối với vật liệu xây dựng không nung và các dự án sử dụng phế thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất, luyện kim…

Ông Phan Văn Chi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thiên Tự Phước cho biết: “Công ty đang nghiên cứu sản xuất vật liệu xây dựng không nung để cung cấp cho địa bàn Lâm Đồng. Hiện quy định của Chính phủ đã rõ ràng và có ưu tiên cho sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ tro xỉ của nhà máy nhiệt điện. Vấn đề còn lại của doanh nghiệp là tìm được loại máy có công nghệ phù hợp với quy mô đầu tư”.

Hiện thị trường có các loại sản phẩm vật liệu không nung như gạch bê tông khí chưng áp, bê tông bọt khí và xi măng cốt liệu. Trong đó, nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu cho rằng, khả năng sản phẩm gạch xi măng cốt liệu sẽ trụ vững trên thị trường nếu tính năng của nó tương đồng với gạch đỏ truyền thống. Được biết, Tập đoàn Xuân Thành đang đầu tư sản xuất khoảng 200 triệu viên gạch xi măng cốt liệu mỗi năm. Ngoài lợi thế về nguồn xi măng sẵn có, nguồn tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, Tập đoàn Xuân Thành đã lựa chọn công nghệ của nhà sản xuất chế tạo máy trong nước là Công ty Trung Hậu, nên theo quy định tại Nghị định 24a, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm.

Dù có hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng, nhưng Nghị định 24a chỉ “mở đường” cho các doanh nghiệp đầu tư bài bản, đặc biệt là vấn đề xử lý môi trường, tận dụng phế thải, tiết kiệm tài nguyên. Những điểm mới tại Nghị định 24a cũng là cơ sở để các tỉnh, thành xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Tại TP. HCM, ngay sau khi Nghị định 24a được ban hành, dù chưa có hiệu lực, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng lập Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng TP. HCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, UBND TP. HCM cũng chỉ đạo UBND các quận 2, 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi phối hợp với Sở Xây dựng xem xét, xử lý nghiêm vi phạm đối với các cơ sở không phối hợp thực hiện chương trình điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan