Ảnh Internet

Ảnh Internet

Quỹ ETF VFMVN30 không chia lợi tức 2014

(ĐTCK) Đại hội nhà đầu tư của Quỹ hoán đổi danh mục ETF VFMVN30 ngày 19/3 đã thông qua báo cáo năm 2014 và kế hoạch hoạt động năm 2015 của Quỹ. Đại hội Quỹ ETF đầu tiên này thu hút 14 nhà đầu tư tham dự.

Kết thúc năm 2014, sau gần 3 tháng hoạt động, nhiều cổ phiếu trong danh mục đầu tư của Quỹ ETF VFMVN30 giảm mạnh, trong đó, giảm nhiều nhất là cổ phiếu ngành năng lượng và bảo hiểm, lần lượt giảm 24,6% và 24,2%. Cổ phiếu ngành thực phẩm, giải khát và thuốc lá có mức giảm 10,7%.

Có 4 ngành đi ngược xu hướng thị trường chung, gồm ngân hàng (+0,2%), hàng hóa công nghiệp (+1,8%), ô tô và phụ tùng ô tô (+2,1%), tiện ích công cộng (+14,4%). Tuy nhiên, mức đóng góp vào lợi nhuận của Quỹ chỉ đạt 0,4% do tỷ trọng từng ngành trong danh mục thấp.

Tại ngày 31/12/2014, giá trị tài sản ròng (NAV)/chứng chỉ quỹ ETF VFMVN30 giảm 6,9%. Trong cùng khoảng thời gian, tức gần 3 tháng cuối năm 2014, chỉ số tham chiếu VN30 giảm 7,4%. Mức chênh lệch biến động giữa NAV của Quỹ và chỉ số VN30 là +0,5%. Nguyên nhân là Quỹ được nhận cổ tức bằng tiền mặt phát sinh từ các cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30.

Tại đại hội, có nhà đầu tư đặt câu hỏi, các sự kiện của DN như phát hành quyền mua thêm cổ phiếu thì Quỹ có thực hiện quyền mua hay không? Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc ETF VFMVN30 cho biết, nếu tỷ lệ thực hiện quyền nhỏ thì Quỹ sẽ cân nhắc mua vào, nhưng tỷ lệ lớn (4% trở lên) thì Quỹ có thể bán ra trước ngày thực hiện quyền và mua lại ngay sau đó. Bởi lẽ, tiền mặt trong danh mục Quỹ chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 1% nên không đủ tiền để mua nếu tỷ lệ thực hiện quyền quá cao. Năm 2015, Quỹ sẽ tiếp tục điều chỉnh tỷ trọng danh mục đầu tư bám sát tỷ trọng danh mục chỉ số VN30.

Đại hội cũng thông qua việc không chia cổ tức năm 2014 do mức tăng trưởng trong kỳ của Quỹ âm 6,9%, không thỏa mãn điều kiện được chia theo luật định.

Nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2015, đại diện Quỹ cho rằng, niềm tin đã quay trở lại, tạo tiền đề cho nền kinh tế tiếp tục phục hồi. Hiện đồng VND không mất giá quá nhiều so với USD, do đó, trong năm 2015, vấn đề tỷ giá không quá lo ngại.

“Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, nhưng biến động kinh tế toàn cầu sẽ tác động và tạo áp lực lên thị trường Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, dòng vốn ngoại rót vào TTCK chỉ khoảng 50 triệu USD, bằng 1/2 cùng kỳ năm trước. Dòng vốn rót vào thị trường không như năm 2014, nhưng chúng ta phải chấp nhận”, đại diện ETF VFMVN30 nói.

Tin bài liên quan