Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tìm động lực mới, kiến tạo không gian phát triển đất nước

0:00 / 0:00
0:00
Việc xây dựng Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia cần được xác định là cơ hội quý để kiến tạo mô hình, phân bổ không gian phát triển quốc gia nhằm đạt các mục tiêu, khát vọng lớn.
Các bộ, ngành, địa phương đang rốt ráo xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia

Các bộ, ngành, địa phương đang rốt ráo xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia

Kiến tạo không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững

Bắc Giang vừa trở thành địa phương đầu tiên được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Cùng với đó, quy hoạch của 3 địa phương khác là Tuyên Quang, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã thẩm định xong, đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Với cách làm đồng thời mọi quy hoạch theo phương pháp “đúng dần”, các bộ, ngành, địa phương đang rốt ráo xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia để phấn đấu kịp “về đích” trong thời hạn năm nay.

Nhằm tạo cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương thuận lợi hơn trong triển khai lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến, định hướng này sẽ được hoàn thiện và trình Trung ương ngay trong tháng 4 tới.

TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, mục tiêu tổng quát của Định hướng là kiến tạo mô hình, phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hoà, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.

Theo nhóm nghiên cứu, trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có, để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Vì thế, định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.

Thay đổi tư duy, tìm động lực mới

Với cách đặt vấn đề trên, nhóm nghiên cứu đề xuất tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây. “Dự kiến có 2 hành lang Bắc - Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau. Trong giai đoạn đến năm 2030, sẽ ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển”, ông Quang nói.

Quy hoạch cần nêu được các định hướng chủ động quyết định tương lai của đất nước, chứ không chỉ là đối phó. Phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy mới đột phá mạnh mẽ được. Chúng ta phải tìm động lực mới cho đất nước.

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Về các hành lang kinh tế Đông - Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi: có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế...; các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.

Về các vùng động lực, hiện cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. “Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước”, ông Quang nhận định.

Nhóm nghiên cứu đề xuất, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

Sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực, cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực.

Theo TS. Cao Viết Sinh, chuyên gia kinh tế, kinh nghiệm các nước cho thấy, quy hoạch này là cụ thể hóa chiến lược, đường lối theo chức năng không gian, phân vùng phát triển. Do đó, Định hướng cần đặt nhiều vấn đề gai góc hơn để xin ý kiến Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, đây là cơ hội để sắp xếp lại quốc gia trong thời kỳ mới nhằm đạt các mục tiêu cụ thể đến 2025, 2030 và 2045 được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. “Các mục tiêu, khát vọng đề ra rất lớn. Quy hoạch đưa ra định hướng, tầm nhìn, mô hình tốt đối với không gian, các ngành, bổ sung cho nhau, cùng nhau đóng góp cho phát triển chung thì sẽ thực hiện được. Nếu không xác định đây là cơ hội quý thì sẽ mất cơ hội”, Bộ trưởng phân tích.

Tin bài liên quan