CTCK vì quyền lợi của mình cần xây dựng văn hóa kinh doanh vì lợi ích khách hàng trước. Ảnh: Đức Thanh

CTCK vì quyền lợi của mình cần xây dựng văn hóa kinh doanh vì lợi ích khách hàng trước. Ảnh: Đức Thanh

Quyền lực đặc biệt trong giao dịch

(ĐTCK-online) Liên tiếp trong 2 tuần gần đây, ĐTCK-online nhận được nhiều phản ánh của nhà đầu tư bày tỏ sự bức xúc khi nhận thấy hoạt động tự doanh của khối CTCK ngày càng lấn lướt các giao dịch trên thị trường và gây nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các chủ thể cùng tham gia đầu tư.

Trong cuộc chạy đua giành lợi nhuận từ mua đi, bán lại cổ phiếu hàng ngày, CTCK có lợi thế hơn hẳn các nhà đầu tư khác, do đây là đối tượng "cầm chịch" thứ tự nhập lệnh; có nhân viên ngồi tại TTGDCK nên biết thông tin đầy đủ về quan hệ cung cầu đối với từng chứng khoán; không phải nghĩ đến phí giao dịch khi tự doanh… Những lợi thế này cho phép CTCK có một quyền lực đặc biệt trong giao dịch, đó là quyền biết trước xu thế giao dịch và quyền hớt váng (mua trước khi người ta mua, bán trước khi người ta ào ào bán) trong mọi hoàn cảnh thị trường để trục lợi. Điều đáng nói là khâu giám sát thị trường của cơ quan quản lý hiện quá yếu. Khi nhận được phản ánh về những hiện tượng này, một quan chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã trả lời rằng, đây là vấn đề rất bất cập, đến nay, việc xử lý vẫn lực bất tòng tâm…

 

Phản ứng của nhà đầu tư

Ông Trần Tiến Dũng, một nhà đầu tư lâu năm tại TTCK Việt Nam cho biết, hơn 1 tháng nay, ông nhận thấy giao dịch trên TTCK có những diễn biến rất bất thường. Các lệnh giao dịch đầu cơ, khống chế, thu gom cổ phiếu rồi đẩy thốc giá lên để bán ngày càng lộ liễu, cho thấy sự tung tác của các tổ chức đầu tư trong nước, đặc biệt là hoạt động tự doanh của CTCK ngày một lớn (nhà đầu tư cá nhân không đủ sức khuynh đảo giao dịch, còn nhà đầu tư nước ngoài phải báo cáo giao dịch hàng ngày nên có thể nắm bắt được xu hướng giao dịch của họ). Hơn 7 năm tham gia đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư cá nhân không nhận được bất cứ thông tin nào về hoạt động tự doanh của khối CTCK, trong khi điều bức bối nhất là hàng ngày, họ phải cạnh tranh trực tiếp trên một sân chơi không bình đẳng với đối tượng này để cùng tìm kiếm lợi nhuận.

Về phía CTCK, trước sức ép tăng vốn, sức ép phải có hiệu quả hoạt động, sức ép phải đẩy giá cổ phiếu của chính mình lên… đã khiến nhiều công ty lao vào hoạt động tự doanh ngay khi được cấp phép. Theo tìm hiểu của ĐTCK-online, nhiều CTCK mới hoạt động vài tháng đã lãi hàng chục tỷ đồng trong khi các mảng hoạt động nghiệp vụ như môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành, lưu ký chứng khoán… vẫn đang trong quá trình xây dựng, thu không đủ chi, vậy tiền lãi này ở đâu ra? Chủ yếu từ nghiệp vụ tự doanh chứng khoán.

Nhiều nhà đầu tư tại sàn BSC, BVSC, SBS… từng phản ánh tình trạng CTCK đối xử không công bằng trong đặt lệnh giao dịch hoặc thiếu minh bạch khi quản lý tiền và chứng khoán cho khách hàng. Hiện tượng nhà đầu tư cãi cọ với nhân viên CTCK diễn ra như cơm bữa tại nhiều sàn giao dịch, chủ yếu do CTCK không nghiêm túc trong nhập lệnh cho khách hàng, nhập trễ hoặc nhập sai những thông số giao dịch. Người thua thiệt luôn là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, do không có một cơ quan đủ mạnh và thường trực đứng ra phân xử loại tranh chấp này.

Điều cốt lõi trong sự mẫu thuẫn quyền lợi giữa CTCK và nhà đầu tư là ở chỗ CTCK cầm chịch thứ tự nhập lệnh, biết nhiều thông tin hơn nhà đầu tư và lại cùng tranh giành miếng bánh lợi nhuận với nhà đầu tư. Hiện nay, phiếu lệnh bắt buộc phải ghi thời gian đặt lệnh, nên CTCK sẽ kiểm soát được thời gian đặt lệnh của nhà đầu tư, nhưng không ai kiểm soát thời gian đặt lệnh của chính CTCK (đưa lệnh cuối phiên vẫn có thể ghi thời gian là đầu phiên). Để giải toả mâu thuẫn này, không có cách nào khác là phải tạo ra một thị trường giao dịch bình đẳng cho tất cả các chủ thể tham gia. Theo quan điểm của giới đầu tư, để bình đẳng về quyền giao dịch, UBCK, TTGDCK cần tách bạch hoạt động tự doanh của CTCK ra khỏi hoạt động môi giới, trong đó công khai mã số tự doanh của từng CTCK. Ngoài ra, cần tổng hợp kết quả giao dịch tự doanh của CTCK định kỳ để công bố ra thị trường, cũng giống như việc công bố giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay.

Một cách làm khác, quyết liệt hơn, là cắt quyền thực hiện giao dịch tự doanh của CTCK tại chính công ty của họ. Theo đó, CTCK muốn hoạt động tự doanh cần mở tài khoản tại một CTCK khác và cũng phải "xếp hàng" chờ đặt lệnh như nhà đầu tư bình thường. Ngoài ra, việc mở tài khoản tự doanh tại một CTCK khác cũng sẽ hạn chế hiện tượng CTCK sử dụng lợi thế về thông tin để hớt váng thị trường như hiện nay.

 

UBCK: giám sát yếu, xử lý nhẹ

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của UBCK năm 2007, theo phát biểu của người đứng đầu cơ quan này hồi đầu năm, là tập trung nâng cao chất lượng giám sát TTCK, giúp TTCK hoạt động công bằng, công khai và minh bạch. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khối lượng công việc mà UBCK phải đảm trách khá lớn (xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán, xét duyệt việc phát hành chứng khoán ra công chúng, việc tăng vốn, mở chi nhánh, xin thành lập mới đối với CTCK…), nên hoạt động giám sát vẫn chưa cải thiện được là bao.

Hiện nay, việc giám sát TTCK vẫn được thực hiện theo hướng TTGDCK là nơi giám sát giao dịch, còn các ban chức năng tại UBCK thì giám sát việc tuân thủ điều kiện cấp phép hoặc phát hành của khối CTCK, công ty đại chúng. Với 2 loại giám sát này, chưa bao giờ các nhà giám sát phát hiện và công bố những hiện tượng giao dịch lũng đoạn, giao dịch bất thường, giao dịch có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các nhà đầu tư khác… ra thị trường. Kể từ khi TTCK hoạt động đến nay, mới có duy nhất 1 công ty chứng khoán (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương) bị Chánh thanh tra UBCK ra quyết định xử phạt do "vi phạm quy định về quy trình nhận lệnh khách hàng và quy định ưu tiên lệnh khách hàng trước lệnh tự doanh". Tuy nhiên, mức phạt chỉ có 10 triệu đồng, nên hoàn toàn không có tính răn đe với đơn vị bị xử phạt và các CTCK khác.

Một quan chức UBCK cho biết, trong Quyết định số 63/2007/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBCK có quy định việc thành lập 2 ban mới là Ban Giám sát và Ban Quản lý các công ty quản lý quỹ, nên UBCK đang xây dựng đội ngũ để thành lập 2 ban này. "Khi UBCK thành lập Ban Giám sát, công tác giám sát thị trường có thể sẽ tập trung hơn, còn hiện nay, đây là một khâu yếu và sự minh bạch, công bằng trong giao dịch giữa nhà đầu tư với CTCK chỉ có thể trông chờ chủ yếu vào đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề", quan chức UBCK nói.

Khi ĐTCK-online đề cập đến trách nhiệm của UBCK trong việc lập trật tự thị trường, nhất là xử lý mối quan hệ xung đột lợi ích giữa CTCK và nhà đầu tư, đại diện UBCK cho biết, đây là việc nên xử lý ở Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán theo các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, còn UBCK không thể kiểm soát được sự xung đột này. Cũng theo đại diện UBCK, các CTCK vì quyền lợi lâu dài của mình cần xây dựng văn hoá kinh doanh vì lợi ích khách hàng trước, nếu không sẽ khó tồn tại trong tương lai.

Để kết thúc bài viết này, xin trích lời một quan chức Ban Quản lý Kinh doanh chứng khoán, đơn vị trực tiếp quản lý khối CTCK rằng: "Sự xung đột lợi ích trong việc đặt lệnh giữa CTCK và nhà đầu tư; việc CTCK hưởng lợi từ lợi thế thị trường, tranh mua, tranh bán với nhà đầu tư… đang là một vấn đề nan giải. Cái khó là ở chỗ hầu hết các CTCK chỉ có quy trình nhập lệnh thủ công, nên không thể kiểm soát được tính chuẩn xác về thứ tự ưu tiên nhập lệnh. Hiện nay, bộ phận giám sát thị trường vẫn chưa tập trung, nên nếu đòi hỏi một giải pháp tức thời kiểm soát thường nhật việc xung đột lợi ích giữa CTCK và nhà đầu tư là không thể thực hiện được. Bắt đầu từ tháng 5/2007, UBCK yêu cầu khối CTCK thực hiện báo cáo hàng tháng, trong đó có báo cáo tổng mức tự doanh, nên nếu thị trường có yêu cầu, thì việc mà chúng tôi có thể làm được là công bố thông số về tự doanh hàng tháng của khối CTCK".