Hoạt động mua sắm thuốc, mua sắm vật tư thiết bị y tế đang có tín hiệu gia tăng.

Hoạt động mua sắm thuốc, mua sắm vật tư thiết bị y tế đang có tín hiệu gia tăng.

“Rát bỏng” đấu thầu thuốc và vật tư y tế tại TP.HCM

Nhiều gói thầu mua sắm thuốc, vật tư thiết bị giá trị cả ngàn tỷ đồng tại TP.HCM đang tiến hành lựa chọn nhà thầu kích hoạt “mùa” đấu thầu y tế nhộn nhịp.

Gói “khủng” chào thầu 

Vào cuối tuần trước, thông tin thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nhà thầutrong lĩnh vực dược và vật tư thiết bị là thông báo mời thầu được phát đi từ Bệnh viện Thống Nhất, khi bệnh viện này cùng lúc mời thầu 3 gói thầu mua sắm giá trị lớn, lần lượt là gói thuốc theo tên Generic, gói thuốc biệt dược hoặc tương đương và gói thuốc cổ truyền.

Đáng chú ý nhất là gói thầu thuốc theo tên Generic nằm trong kế hoạch năm 2018 bao gồm 1.400 khoản sử dụng nguồn vốn dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp của Bệnh viện Thống Nhất.

Đây là gói thầu có giá trị rất lớn, với số tiền các nhà thầu phải nộp bảo đảm dự thầu lên tới gần 18 tỷ đồng. Chiểu theo thông báo của Bệnh viện Thống Nhất, giá trị đảm bảo dự thầu tương đương 3% giá gói thầu, thì giá gói thầu này có thể lên tới 600 tỷ đồng, con số đáng để các nhà thầu đặt sự quan tâm đặc biệt.

Ngoài gói thầu nói trên, 2 giói thầu còn lại do Bệnh viện Thống Nhất mời thầu cũng có giá trị lớn.

Cụ thể, gói thuốc biệt dược (hoặc tương đương) bao gồm 309 khoản, có giá trị bảo lãnh dự thầu 7,8 tỷ đồng tương đương giá trị gói thầu khoảng 260 tỷ đồng; gói thuốc cổ truyền gồm 55 khoản, giá trị bảo đảm dự thầu 456 triệu đồng, tương đương giá gói thầu khoảng 15,2 tỷ đồng.

Các gói thầu này đều được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.

Không riêng mua sắm thuốc, hoạt động mua sắm vật tư thiết bị y tế cũng có tín hiệu gia tăng. Có thể kể ra một số gói thầu đáng lưu tâm ở mảng này là 2 gói thầu mua sắm máy thở và dụng cụ, vật tư tiêu hao vừa được Bệnh viện Chợ Rẫy được tiến hành mời thầu vào giữa tuần trước.

Theo đó, bệnh viện này chào mua 20 máy thở thuộc Dự án Cung cấp trang thiết bị y tế bằng nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp năm 2018.

Giá 2 gói thầu mua 20 máy thở và gói mua dụng cụ, vật tư tiêu hao của Hệ thống phẫu thuật nội soi bằng robot Bệnh viện Chợ Rẫy có giá trị bảo đảm dự thầu lên tới gần 600 triệu đồng.

Hay gói thầu mua sắm máy cộng hưởng từ 1.5 Tesla, máy CT scan 128 lát cắt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 với giá gói thầu 58,1 tỷ đồng. 

Các nhà thầu cũng đặc biệt chú ý tới 3 gói thầu do Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mời thầu là gói thầu mua sắm dược chất phóng xạ và hợp chất đánh dấu, gói mua sắm vật tư y tế tiêu hao và gói mua sắm hóa chất, với tổng trị giá các gói thầu ước khoảng 82 tỷ đồng.

Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, 2 tuần gần đây, hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư thiết bị y tế trên địa bàn TP.HCM trở nên nhộn nhịp khi các cơ sở khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến trên địa bàn Thành phố bắt đầu bước vào mùa mua sắm năm 2018 sau khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu lần lượt được Sở Y tế phê duyệt và các khâu chuẩn bị như thuê tư vấn đấu thầu, lập hồ sơ mời thầu, thu xếp tài chính được hoàn tất.

Cạnh tranh rát bỏng

Có thể nhận định, hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư thiết bị y tế là “mảng đất xôi mật” khiến giới nhà thầu phải “sốt xình xịch”, bởi giá trị mua sắm hàng năm lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, các cuộc thầu lĩnh vực y tế chưa bao giờ là ngon ăn bởi tính cạnh tranh rất cao.

Theo nhận định của nhà thầu Công ty TNHH Y tế Minh Châu - một nhà thầu lớn tại TP.HCM, các cuộc thầu thuốc và vật tư thiết bị y tế thực sự là cuộc chiến nóng bỏng.

“Các nhà thầu luôn tìm cách tăng bề dày năng lực bằng đủ phương cách, từ nâng cao chất lượng, dịch vụ cung cấp và tất nhiên là cạnh tranh về giá. Chúng tôi luôn tìm kiếm nhà cung cấp vật tư y tế tốt nhất trên thế giới để có nguồn hàng tốt cho các cuộc thầu”, đại diện nhà thầu Minh Châu nói.

Có dịp chứng kiến một số cuộc thầu trong lĩnh vực này tại TP.HCM, phóng viên Báo Đầu tư ghi nhận số lượng rất đông các nhà thầu tham gia dự thầu.

Tại lễ đóng/mở thầu gói mua sắm thuốc Generic năm 2018 do Bệnh viện Quận 2 là bên mời thầu, đã có tới 144 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu và có tới 140 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu.

Có thể thấy, đây là gói thầu có số lượng nhà thầu tham gia kỷ lục. Bên mời thầu phải cắt cử 3 nhóm chuyên gia đấu thầu mở hồ sơ liên tục trong 1 ngày mới hoàn tất khâu đóng/mở thầu, mặc dù đây chỉ là gói thầu có quy mô trung bình trong lĩnh vực mua sắm thuốc chữa bệnh, với giá khoảng 142 tỷ đồng. 

Theo thông tin từ Bệnh viện Quận 2, cùng thời gian trên, đơn vị này cũng tiến hành lựa chọn nhà thầu cho 2 gói thầu khác là gói mua sắm thuốc biệt dược và gói thuốc cổ truyền, thuốc từ dược liệu với tổng giá trị gói thầu hơn 45 tỷ đồng.

Các gói thầu này cũng thu hút hơn 30 nhà thầu mua hồ sơ và dự thầu. Không chỉ đông về số lượng, trong danh sách nhà thầu hiện diện hàng loạt các nhà thầu “đình đám” của ngành dược phẩm Việt Nam và thế giới như Domesco, Bidiphar, Agimexpharm, Pymepharco, USS Pharma, Zuellig, Yteco, Bến Thành…

Sự rát bỏng không kém trong cạnh tranh tiếp tục thể hiện tại gói thầu mua sắm thuốc Generic tại Bệnh viện An Bình. Gói thầu này cũng đấu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ và giá gói thầu khoảng 80 tỷ đồng. 

Ông Bùi Mạnh Côn, Giám đốc Bệnh viện An Bình cho biết, gói thầu này thu hút 126 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu và 121 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.

“Với tính chất cạnh tranh cao và số lượng nhà thầu lớn, chúng tôi huy động tổng lực nhân lực chuyên môn đấu thầu cho khâu mở hồ sơ và chấm thầu nhằm đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu khách quan, minh bạch và tiết kiệm kinh phí mua sắm”, ông Côn nói. 

Bên lề lễ mở thầu, nhà thầu Công ty Mê Kông nói với phóng viên Báo Đầu tư rằng, năm 2018, nhà thầu này tham gia nhiều gói thầu cung cấp thuốc chữa bệnh và hầu hết các cuộc thầu đều có đông đảo nhà thầu thi thố và vì thế cạnh tranh cực kỳ khốc liệt. 

“Các gói thầu đều có yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe. Các mã sản phẩm chào thầu phải hội đủ nhiều tiêu chuẩn như GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc), GDP (thực hành tốt phân phối thuốc), GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc).

Để tăng cơ hội thắng thầu cũng cần nhiều tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm như hợp đồng đã, đang thực hiện; năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và năng lực tài chính của nhà thầu. Hơn nữa chúng tôi cùng đề ra chiến lược giá sát thực tế”, đại diện nhà thầu Mê Kông nói. 

Tin bài liên quan