RCEP đặt châu Á- Thái Bình Dương vào thế năng động mới

0:00 / 0:00
0:00

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tin rằng, RCEP bổ sung cơ hội phục hồi kinh tế cho các nền kinh tế thành viên.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM)

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM)

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết đúng như mong muốn của các nhà lãnh đạo ASEAN. Là chuyên gia kinh tế về hội nhập, theo sát quá trình đàm phán RCEP, ông có thể chia sẻ gì vào lúc này?

Một điểm rất thú vị là, cả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và RCEP đều vượt qua những thời điểm khó khăn cuối cùng khi Việt Nam là chủ nhà của những sự kiện lớn. Với CPTPP là chủ nhà APEC năm 2017 và RCEP là năm ASEAN 2020.

RCEP được ký kết sẽ bổ sung cơ hội cho phục hồi xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế - vốn đang là một ưu tiên kinh tế quan trọng đối với Việt Nam và nhiều nước trong khu vực trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhìn lại, RCEP đã trải qua một chặng đường khá dài với không ít biến động?

Cũng phải nhấn mạnh, RCEP đã trải qua quá trình đàm phán khá dài và không suôn sẻ. Quá trình đàm phán bắt đầu từ tháng 5/2013. Thời điểm kết thúc đàm phán ban đầu dự kiến là cuối năm 2015, song sau đó liên tục được đẩy lùi do quá trình đàm phán chậm chuyển biến.

Một số ít ý kiến cho rằng, đối với một số thành viên ngoài ASEAN, RCEP chỉ là sáng kiến có tính cạnh tranh, “đối trọng” với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, sau khi Mỹ rút khỏi TPP).

Ngay cả khi các nước tiến tới hoàn tất đàm phán vào tháng 11/2019, Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này. Các thành viên còn lại đã phải tiếp tục nỗ lực đàm phán để tìm kiếm giải pháp xử lý những vướng mắc của Ấn Độ trong năm 2020, nhưng không thể thông qua các cuộc họp trực tiếp mà phải cuộc họp trực tuyến nhiều lần trong bối cảnh đại dịch COVID-19…

Với danh sách 16 thành viên ban đầu, RCEP hướng tới xác lập một khu vực mậu dịch tự do với một nửa dân số thế giới và khoảng 1/3 GDP toàn cầu. Khi không có Ấn Độ, thị trường các nước còn lại cũng chiếm tới 30% dân số thế giới và khoảng 29,1% GDP toàn cầu. Ước tính 15 thành viên của RCEP có tỷ trọng 28,7% trong thương mại toàn cầu năm 2019.

Nói lại cả quá trình “vất vả” của RCP để thấy, dù RCEP hiện hữu sau khi ASEAN đã có một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) riêng với các đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, Ấn Độ), Hiệp định này vẫn bổ sung giá trị đáng kể cho thương mại và GDP toàn cầu.

Theo Petri và Plummer (2018), RCEP có thể làm thu nhập thực của thế giới tăng thêm khoảng 286 tỷ USD mỗi năm (tương đương 0,2% GDP toàn cầu) vào năm 2030. Theo đó, RCEP có giá trị như một khoản đầu tư 7,2 nghìn tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận 4% mỗi năm. RCEP có thể giúp thương mại toàn cầu tăng thêm khoảng 1,9%.

Trái với lo ngại, đánh giá định lượng của Petri và Plummer cho thấy tác động “chuyển hướng thương mại” là khá nhỏ. Các nước ngoài Hiệp định vẫn được hưởng lợi do tính chất đa phương của quá trình tự do hóa và tác động lan tỏa từ việc các thành viên RCEP gia tăng năng suất.

Cũng phải thẳng thắn nói rằng, những đánh giá trên đây đều được thực hiện trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Còn hiện tại thì sao?

Đúng vậy. Và cũng có thể chưa tính tới những yêu cầu phát triển bền vững và điều chỉnh cơ cấu kinh tế - những ưu tiên nổi lên sau COVID-19. Tuy nhiên, RCEP hướng tới tạo dựng thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư – điều đặc biệt có ý nghĩa khi mà các hoạt động thương mại, đi lại đang bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Có thể còn lo ngại về việc 15 nước thành viên RCEP có những thời điểm “ra” khỏi dịch và phục hồi khác nhau, nhưng lo ngại này có thể giảm bớt trong quá trình ký kết và phê chuẩn RCEP.

Cần lưu ý, Tuyên bố của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2016 có một Phụ lục riêng thể hiện sự quan tâm và nỗ lực hướng tới một FTA riêng cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Trong đó, lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế thành viên APEC nhấn mạnh FTAAP có thể được hiện thực hóa qua những bước đi trung gian như TPP và RCEP. Từ đầu năm 2017 cho đến đầu tháng 11/2020, ý nghĩa này hầu như không còn được lưu tâm. Tuy nhiên, thời điểm trung tuần tháng 11/2020 chứng kiến kỳ vọng nhiều hơn về những đổi thay lớn, thậm chí đảo chiều, đối với hợp tác thương mại và đầu tư ở khu vực.

Thời điểm này, việc ký kết RCEP không chỉ góp phần tạo cơ hội phục hồi kinh tế cho các nền kinh tế thành viên, mà cùng với CPTPP giúp “tạo lực đẩy mới” cho hội nhập kinh tế quốc tế, khởi đầu từ chính khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Với Việt Nam thì sao, thưa ông?

Sẽ còn nhiều thảo luận chi tiết hơn, không chỉ về những cơ hội mà còn cả những thách thức và yêu cầu chuẩn bị đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng một cách ngắn gọn nhất, RCEP có thể bổ sung cơ hội cho phục hồi xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế - vốn đang là một ưu tiên kinh tế quan trọng đối với Việt Nam và nhiều nước trong khu vực trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tin bài liên quan