Sẽ không đơn giản để xác định được những "vùng cấm" đối với HĐQT và các thành viên HĐQT.

Sẽ không đơn giản để xác định được những "vùng cấm" đối với HĐQT và các thành viên HĐQT.

Rõ quyền cho cổ đông nhỏ

(ĐTCK-online) Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu ban kiểm soát khiếu nại, khởi kiện truy cứu trách nhiệm đối với thành viên HĐQT, giám đốc/tổng giám đốc.

Đây là một trong những nội dung mới nhất của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đang được lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp.

Các chuyên gia soạn thảo cho rằng, với những quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông, các cổ đông nhỏ sẽ có cơ sở để tập hợp nhóm trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Với dự thảo này, các trường hợp cổ đông có quyền yêu cầu khiếu kiện, khiếu nại được quy định rõ ràng trong một điều khoản mới. Đó là các trường hợp:

Thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của HĐQT, thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của đại hội đồng cổ đông;

Thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) đã sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

Thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) đã lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

Chủ tịch HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) đã lưu giữ con dấu của công ty ngoài trụ sở chính, không sử dụng con dấu phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty, hoặc sử dụng con dấu để tư lợi, phục vụ lợi ích của cá nhân hoặc của người khác.

Trình tự, thủ tục và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện sẽ thực hiện tương ứng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo hoặc pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, với những đề xuất này trong Dự thảo Nghị định, những khoảng trống pháp lý mà các chuyên gia kinh tế thường dựa vào để đánh giá thấp chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam sẽ được bổ khuyết.

Trong công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường đầu tư năm 2010, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam vẫn tiếp tục ở vị trí rất thấp như nhiều năm trước đó.

Mặc dù trong khá nhiều lần thảo luận, giới chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng, quy định của Luật Doanh nghiệp và các hệ thống văn bản liên quan không có cản trở nào đối với quyền bảo vệ của nhà đầu tư nhỏ, song các chuyên gia WB vẫn giữ quan điểm là các quy định hiện tại chưa đủ rõ.

Bà Sylvia Solf, Giám đốc Chương trình, dự án môi trường kinh doanh của WB tại Washington phân tích, lý do mà chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam không cải thiện trong nhiều năm là rất khó truy cứu trách nhiệm đối với uỷ viên HĐQT khi có những giao dịch, xung đột về lợi ích, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ.

"Chúng tôi muốn nhìn thấy rõ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiểu số được bảo vệ bằng cách nào, như thế nào. Quyền lực của nhà đầu tư được xác định như thế nào. Vì khi các giao dịch đã tiến hành mà có kiện tụng xảy ra, nếu không quy định rõ ràng trách nhiệm, vai trò của HĐQT và các thành viên thì khó có cách giải quyết", bà Sylvia Solf nói và khẳng định, đây là vấn đề cải cách pháp lý chứ không đơn giản là cải cách thủ tục hành chính.

Tất nhiên, sẽ không đơn giản để xác định được những "vùng cấm" mà dự thảo đưa ra đối với HĐQT và các thành viên HĐQT. Đơn cử, làm thế nào để các nhà đầu tư xác định được thành viên HĐQT, giám đốc hay tổng giám đốc đã sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác nếu như không có những hướng dẫn chi tiết.

Trong nội dung những "vùng cấm" này, có lẽ phần về sử dụng con dấu sẽ có cơ sở giám sát hơn khi ngay trong nghị định này, quy định mới về sử dụng con dấu cũng được làm rõ.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định khẳng định rõ, con dấu là tài sản của doanh nghiệp, phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp, chỉ được sử dụng phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Không ai được quyền lưu giữ con dấu của doanh nghiệp ngoài trụ sở chính của doanh nghiệp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích cá nhân của mình hoặc của người khác...

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân về những thiệt hại đối với doanh nghiệp và người khác do bảo quản, lưu giữ con dấu không đúng quy định, sử dụng con dấu không đúng mục đích.