Rủi ro chờ chực, 98% trái phiếu doanh nghiệp vẫn được bán sạch

0:00 / 0:00
0:00
Thống kê cho thấy, phần lớn trái phiếu doanh nghiệp phát hành đều không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo là cổ phiếu – dễ giảm giá, thậm chí về 0 nếu doanh nghiệp phá sản.

Hầu hết trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo

Theo thống kê của các chuyên gia phân tích SSI, trong 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp phát hành 341 nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Nếu loại trừ 98 nghìn tỷ đồng TPDN không có thông tin về tài sản đảm bảo và toàn bộ 101,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và CTCK không có tài sản đảm bảo, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo là 43,5 nghìn tỷ.

Trong nhóm TPDN không có tài sản bảo đảm, nhóm bất động sản chiếm gần một nửa với 20,5 nghìn tỷ đồng (TNR Holdings, Địa ốc Phú Long, CTCP BĐS Mỹ, CTCP Đầu tư và Xây dựng Phú Thượng…). Số 22,6 nghìn tỷ TPDN không có tài sản đảm bảo khác là của các doanh nghiệp khác như Sovico, Masan, BCG, IPA…

Có 29,1 nghìn tỷ trái phiếu được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức phát hành hoặc của bên thứ 3, gồm: 22,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản (Vinhomes, Phát Đạt, Novaland…); và các trái phiếu của Tổng CTCP Thiết bị Điện VN, Camimex, Uniben, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM…

“Chúng tôi không đánh giá cao chất lượng tài sản đảm bảo là cổ phiếu vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh thậm chí giá trị cổ phiếu của tổ chức phát hành có thể về 0 nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán/phá sản. Bởi vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi xem xét đầu tư vào các trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu”, SSI khuyến cáo.

Cơ cấu tài sản đảm bảo của TPDN phát hành 9 tháng đầu năm 2020 (Nguồn: SSI).
Cơ cấu tài sản đảm bảo của TPDN phát hành 9 tháng đầu năm 2020 (Nguồn: SSI).

Trước đó, ngày 28/7/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ban hành Quy chế vận hành Chuyên trang thông tin TPDN tại HNX, theo đó thông tin phát hành trái phiếu riêng lẻ được công bố trên HNX sau đó rất vắn tắt và không có các thông tin cơ bản về lãi suất, bên mua, tài sản đảm bảo…

Mặc dù tỷ lệ TPDN không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo yếu chiếm đa số, song tỷ lệ phát hành/chào bán thành công vẫn lên đến 98%, điều này cho thấy cho thấy nhu cầu thị trường ở mức cao.

Cảnh báo rủi ro

Được biết, 9 tháng đầu năm, bất động sản vẫn đứng đầu về lượng TPDN phát hành. Tuy nhiên, trong tổng số 88 doanh nghiệp phát hành, chỉ có 16 doanh nghiệp niêm yết, còn lại là trái phiếu 72 doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành.

Lượng trái phiếu các doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản 9 tháng đầu năm nay cũng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù tất cả các trái phiếu năng lượng đều có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán bởi bên thứ 3 và điện mặt trời cũng đang được Nhà nước khuyến khích nhưng SSI cũng khuyến cáo nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng vì: thời hạn trái phiếu rất dài; mạng lưới truyền tải điện quốc gia chưa đủ đáp ứng công suất các nhà máy điện mặt trời, đặc biệt ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận; giá ưu đãi 2.086đ/kWh chỉ áp dụng với các dự án điện mặt trời nằm trong quy hoạch và vận hành thương mại trước 1/1/2021 (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg)…

Hiện tại, Việt Nam chưa có yêu cầu xếp hạng tín nhiệm với TPDN. Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cũng đã được quy định tại Nghị định 88/2014/NĐ-CP cho thấy hành lang pháp lý cho việc thành lập và hoạt động xếp hạng tín nhiệm đã tương đối đầy đủ từ 5 năm trước đây.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chỉ có 2 doanh nghiệp có giấy phép nhưng mới triển khai dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho rất ít các doanh nghiệp.

Hiện tại, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đang phối hợp với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Standard and Poor’s thành lập tổ chức xếp hạng định mức tín nhiệm.

SSI kỳ vọng, hoạt động định hạng tín nhiệm được kỳ vọng sẽ triển khai mạnh hơn trong thời gian tới.

Tin bài liên quan