Ông Lawrence Wong.

Ông Lawrence Wong.

Sàn quốc tế cạnh tranh kéo doanh nghiệp Việt Nam

(ĐTCK-online) Một trong những phiên thảo luận chính diễn ra tại Hội nghị về thị trường vốn Việt Nam được đề cập là chủ đề niêm yết tại sàn ngoại với các diễn giả chính đến từ các sàn quốc tế, điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá rất cao. Rất có thể trong năm 2008, Việt Nam sẽ có 3 - 4 tên tuổi xuất ngoại, sớm nhất đến thời điểm này là Vinamilk. Ông Lawrence Wong, Phó chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) trao đổi với ĐTCK-online.

Ông có thể cho biết đã có bao nhiêu công ty Việt Nam đặt vấn đề xin niêm yết tại SGX?

Năm vừa qua, chúng tôi đón nhận khá nhiều doanh nghiệp tham quan và tìm hiểu quy định niêm yết tại Sở. Đến thời điểm này, có khoảng 6-7 công ty Việt Nam có kế hoạch niêm yết tại SGX. Rất tiếc, tên những công ty này tôi không thể tiết lộ, nhưng đó là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, và có lẽ Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên.

 

Niêm yết tại SGX, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ những quy định nào?

Điều kiện quan trọng và đầu tiên, tất nhiên là công ty phải có lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng tốt. Yêu cầu thứ hai là, họ phải nắm rất rõ những quy định và yêu cầu về việc niêm yết tại SGX, điều này đặc biệt quan trọng vì quy định tại mỗi sở giao dịch khác nhau.

Công ty nào có nhu cầu niêm yết sẽ phải nộp đơn lên SGX, và nếu hồ sơ đầy đủ hợp lệ chúng tôi sẽ có câu trả lời chấp thuận sau 14 ngày. Khoảng 2 - 4 tháng sau, doanh nghiệp có thể hoàn thành các thủ tục khác và cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt đầu giao dịch ngay sau đó. Nói đơn giản như vậy, song quy trình cũng khá phức tạp. Tại SGX, yêu cầu điều kiện niêm yết với cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều tương tự nhau. Quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng như thế nào với những quy định đó.

 

Một số doanh nghiệp Việt Nam đánh tiếng niêm yết tại sàn ngoại, nhưng thực sự đó chưa phải là nhu cầu cấp thiết. Theo ông, trong những trường hợp như vậy, họ có nên tiếp tục theo đuổi kế hoạch trên?

Như tôi đã nói, yêu cầu về việc thực hiện đúng, đủ những quy định đặt ra rất nghiêm ngặt, hơn nữa chi phí cũng là một vấn đề. Tất nhiên, niêm yết ở sàn ngoại có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn, tiếp cận thị trường, cải tiến quản trị theo những phương thức tiên tiến. Song bản thân doanh nghiệp cũng phải cân nhắc mọi yếu tố để đem lại lợi ích cao nhất cho mình và cổ đông.

 

Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong, London, Malaysia đều đã tiếp cận và muốn thu hút doanh nghiệp Việt Nam niêm yết, các ông có lợi thế gì?

Chúng tôi đã ký thỏa thuận hợp tác với Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và TTGDCK Hà Nội và có những cam kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nếu họ có kế hoạch niêm yết ở nước ngoài. Hơn thế, Việt Nam và Singapore có nền tảng hợp tác rất vững chắc, bởi hiện nay Singapore đứng thứ 4 trong số các quốc gia có vốn đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam niêm yết tại Singapore cũng tương tự như một ngày nào đó những công ty có vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam niêm yết tại Việt Nam .

 

Ông nhận xét gì về sự phát triển của TTCK Việt Nam và liệu SGX có mua cổ phần của HOSE nếu có cơ hội?

Tôi đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của TTCK Việt Nam, có thể năm 2007 diễn biến trên thị trường không mấy thuận lợi, nhưng về cơ bản thị trường vẫn có những yếu tố để tăng trưởng, đi kèm với cam kết phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam. Còn về việc mua cổ phần của HOSE, như tôi đã nói, SGX muốn hợp tác toàn diện với các sở giao dịch chứng khoán và chúng tôi không loại trừ sẽ nắm bắt những cơ hội để trở thành đối tác, nhằm gia tăng hợp tác chặt chẽ hơn.