Sản xuất công nghiệp gặp khó, tăng trưởng thấp nhất hơn 10 năm qua

0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Giá trị tăng thêm của toàn ngành chỉ là 0,44%.
Sản xuất công nghiệp gặp khó, tăng trưởng thấp nên đã ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Sản xuất công nghiệp gặp khó, tăng trưởng thấp nên đã ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Số liệu thống kê về tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm cho thấy, khu vực này tiếp tục gặp khó.

“Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét.

Theo đó, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 ước tính đạt 1,56% so với cùng kỳ năm trước, khá thấp so với mức tăng của các quý II trong thời kỳ 2019-2023.

Trong giai đoạn này, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp quý II tăng lần lượt là 8,31%; 0,13%; 10,39%; 9,51% và 1,56%. Như vậy, con số của quý II năm nay chỉ cao hơn con số của quý II/2020 - thời kỳ nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Nếu tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%.

Như vậy, dù xu hướng đã tích cực hơn trong quý II (quý I, giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp còn âm 0,75%), nhưng tính chung 6 tháng, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Khó khăn vẫn còn rất lớn.

Trong 6 tháng, giá trị tăng thêm của ngành khai khoáng giảm 1,43%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37% (quý I giảm 0,49%; quý II tăng 1,18%), đóng góp 0,10 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Trong khi đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,45%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương trên cả nước.

Cụ thể, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Chẳng hạn, IIP của Bắc Giang tăng 16,2%; Phú Thọ tăng 15,3%; Kiên Giang tăng 13,6%; Nam Định tăng 13,4%; Hải Phòng và Phú Yên cùng tăng 13%; Hà Nam tăng 11,7%...

Nhưng ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm, do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.

Chẳng hạn, Quảng Nam giảm 32,2%; Bắc Ninh giảm 18,5%; Vĩnh Long giảm 16,2%; Sóc Trăng giảm 11,1%; Hòa Bình giảm 4,3%.

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, một số sản phẩm công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như đường kính (tăng 31,2%); xăng dầu (tăng 13,4%); phân hỗn hợp NPK (tăng 11,9%); ti vi (tăng 10,8%)…

Tuy nhiên, cũng có nhiều sản phẩm giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Điện thoại di động giảm mạnh nhất, lên tới 19,2%; ô tô và thép thanh, thép góc cùng giảm 18,2%; quần áo mặc thường giảm 7,1%; linh kiện điện thoại giảm 5,4%...

Sản xuất công nghiệp sụt giảm tiếp tục ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế trong quý II và 6 tháng đầu năm, tương ứng chỉ đạt 4,14% và 3,72%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 1,13%, đóng góp 11,87%.

Nếu tính riêng ngành công nghiệp, thì như trên đã nói, giá trị tăng thêm chỉ là 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Tin bài liên quan