Sản xuất dệt may chịu nhiều áp lực

0:00 / 0:00
0:00
Chuỗi sản xuất bị đứt gãy, đơn hàng không giao kịp, khách hàng gây áp lực chuyển đơn hàng sang quốc gia khác, ngành dệt may dự báo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong trung hạn.
Chuỗi sản xuất dệt may đang bị đứt gãy nặng nề do nhiều nhà máy tại phía Nam phải tạm dừng sản xuất để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19

Chuỗi sản xuất dệt may đang bị đứt gãy nặng nề do nhiều nhà máy tại phía Nam phải tạm dừng sản xuất để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã chia sẻ nhiều thách thức lớn của chuỗi sản xuất dệt may trong nước với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn ngày 2/8, trước thực trạng nhiều doanh nghiệp đóng tại các trung tâm sản xuất dệt may lớn tại phía Nam, vốn chiếm tới 62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành phải tạm dừng sản xuất để phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Sau một thời gian sản xuất "3 tại chỗ" nhiều doanh nghiệp dệt may đã không thể trụ nổi. Chi phí duy trì sản xuất "3 tại chỗ" tăng quá cao trong khi năng suất thấp, áp lực lo ăn, ở quản lý người lao động khiến cách thức sản xuất này không thể kéo dài.

"Chỉ có những doanh nghiệp trong ngành sợi, dệt nhuộm với đặc thì ít lao động, máy móc hỗ trợ nhiều mới có thể duy trì "3 tại chỗ" hiệu quả, còn ngành may đông lao động mà áp dụng phương án sản xuất này thì không kham nổi", ông Giang phân tích.

Bởi để làm việc "3 tại chỗ", doanh nghiệp phải đảm bảo được nơi ăn chốn ở cho người lao động, nấu ăn 3 bữa, thì chi phí tăng rất cao. Hay để có được chỗ nghỉ ngơi cho công nhân thì cũng phải đầu tư trang bị đồ dùng cơ bản, như chăn, chiếu, màn... chưa kể việc kiểm soát người lao động trong quá trình làm việc 3 tại chỗ cũng rất mệt mỏi cho lãnh đạo doanh nghiệp.

6 tháng đầu năm 2021, ngành dêt may đã xuất khẩu gần 19 tỷ USD, 7 tháng hơn 22 tỷ USD, trong khi mục tiêu toàn ngành đề ra hồi đầu năm ở kịch bản cao là 39 - 39,5 tỷ USD. Nếu dịch vẫn chưa thể kiểm soát được thì khả năng xuất khẩu toàn ngành chỉ có thể đạt 32 - 33 tỷ USD.

Do đó, đứt gãy nguồn cung ứng trong chuỗi giá trị ngành dệt may tại khu vực phía Nam đang là thách thức cực kỳ lớn, trước hết hết là áp lực giao hàng cho các nhãn hàng lớn.

Ông Giang phân tích: "Dệt may là ngành thời trang, nếu không giao hàng đúng vụ, thiết kế đó sẽ không còn giá trị về mẫu mốt nữa. Trong khi sức mua hàng thời trang toàn cầu của các nước lớn như Mỹ, EU đang tăng 16 - 17% so với cùng kỳ, có những mặt hàng tăng 30%, nhưng doanh nghiệp không giao hàng kịp thì rủi ro không thể đong đếm nổi".

"Với tình hình như hiện nay, việc duy trì sản xuất trong tháng 8 là cực khó với ngành dệt may, do hiện tại, TP.HCM và 19 tỉnh, thành phía Nam tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 và cả 16 nâng cao để kiểm soát chặt chẽ dịch, thì coi như sản xuất trong tháng 8 đứt gãy 90%, thậm chí hơn 90%, việc giao hàng theo đó chắc chắn cũng bị ảnh hưởng", đại diện Vitas thông tin.

6 tháng đầu năm 2021, ngành dệt may đã xuất khẩu gần 19 tỷ USD (7 tháng là 22,15 tỷ USD theo số liệu của Bộ Công Thương), trong khi mục tiêu toàn ngành đề ra hồi đầu năm ở kịch bản cao là 39 - 39,5 tỷ USD, ông Giang cho biết, nếu dịch vẫn chưa thể kiểm soát được thì chỉ có thể đạt 32 - 33 tỷ USD.

Nhưng vấn đề lớn hơn, không chỉ nằm ở con số xuất khẩu bao nhiêu, mà hệ lụy là khi nguồn cung bị đứt gãy, Việt Nam không còn là thị trường ổn định thì khách hàng họ tạo áp lực để chuyển đơn hàng đi, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến vấn đề trung hạn của ngành.

Thách thức lớn nữa với các doanh nghiệp là hiện tại, một bộ phận người lao động đã ồ ạt quay về địa phương, thì khả năng họ trở lại các nhà máy sau khi địa phương mở cửa trở lại càng khó thành hiện thực.

Vitas nhận định, khi dịch được kiểm soát ổn, các tỉnh, thành phố mở cửa lại thì lao động quay trở lại chỉ đạt khoảng 60 - 65%. Lực lượng lao động thiếu hụt thì ảnh hưởng đến năng suất lao động.

"Lúc này, không ai nói trước được tình hình dài hạn, nhưng trước mắt, ngay trong tháng 8, và quý III/2021 là rất căng thẳng", ông Giang khẳng định.

Tin bài liên quan